Từ trang sách: Khi lòng tham che mờ tình thân

GD&TĐ - Viết về chủ đề gia đình, cuốn tiểu thuyết 'Bà bác khủng khiếp' của tác giả David Walliams luôn cuốn hút bao thế hệ độc giả.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Viết về chủ đề gia đình, cuốn tiểu thuyết “Bà bác khủng khiếp” của tác giả David Walliams luôn cuốn hút bao thế hệ độc giả bởi sự dí dỏm, kịch tính và nhiều thông điệp mang tính giáo dục cao.

Tác phẩm của tiếng cười

Câu chuyện trong “Bà bác khủng khiếp” xoay quanh cuộc chiến giữa cô bé, tiểu thư Stella Saxby và bà bác Alberta. Đúng như tên của cuốn sách, phải sử dụng từ “khủng khiếp” để miêu tả bà bác của cô bé Saxby bé nhỏ: “Bác Alberta là bà bác khủng khiếp nhất từng sống trên đời”.

Và bà là một người “có bề ngang tương đương chiều cao. Người này mặc dù cực kỳ to lớn nhưng cũng không cao quá. Bóng người này mặc một chiếc áo khoác may đo và quần chẽn gối thụng”. Không những thế, bác ta còn có “một bàn tay đeo găng bằng da dày, đậu trên đó là hình dáng không lẫn đi đâu được của một con cú”.

Vậy đó, ngay cả con cú cũng thật “vừa vặn” với dáng người của bác Alberta. Wagner, tên con cú, là: “một con cú khổng lồ núi Bavaria, loại cú này được người dân địa phương gọi bằng cái tên “gấu bay” dựa vào kích thước đáng kinh ngạc của chúng”.

Bằng khả năng kể chuyện tuyệt vời kết hợp với giọng điệu hóm hỉnh, David Walliams vừa có thể tạo ra một “siêu” phản diện như một mụ phù thủy nhưng lại không hề mang đến cảm giác ám ảnh mà ngược lại, lại có phần rất cuốn hút độc giả qua nhân vật bà bác.

Alberta quả là một ác nhân đáng yêu có niềm đam mê bất tận với “bộ môn” đánh vần cho dù “cô đánh vần lúc nào cũng sai bét”. Độc giả hẳn sẽ có những giây phút thư giãn trước một bà bác độc ác chẳng thua kém gì những mụ phù thủy nhưng luôn có câu nói “đặc sắc” kiểu như: “Nếu ta phát hiện ra cháu nói dối, cô gái ạ, sẽ to chuyện đấy. Tờ -o - to chờ - ện - chuyện” hay “Stella? Ờm, Ste - la - lả - là - la?”.

tu-trang-sach-khi-long-tham-che-mo-tinh-than-1-1.jpg
Tác phẩm 'Bà bác khủng khiếp' được tái bản năm 2023. Ảnh: Anh Sơn

Một nhân vật nữa cũng mang lại rất nhiều tiếng cười cho độc giả chính là ông quản gia già Gibbon. Đây là nhân vật đã gắn bó với Lâu đài trong thời gian rất dài và cũng không hề rời đi khi nhà Saxby gặp khó khăn trong tài chính bởi một lí do thật hài hước: “Lãnh chúa Saxby đã cố gắng thông báo cho ông Gibbon hàng chục lần, nhưng người đầy tớ này đã quá già, có lẽ cả trăm tuổi rồi, tới nỗi ông điếc đặc và mù tịt”; “Ông Gibbon đã làm việc cho nhà Saxby từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Vì đã phục vụ trong thời gian quá dài, ông trở thành một phần của gia đình”; “Vậy nên ông Gibbon vẫn tiếp tục rờ rẫm khắp Lâu đài Saxby để làm công việc của mình, mặc dù theo một cách cực kỳ lộn xộn”.

Khi tình tiết của mạch truyện được đẩy lên cao trào thì sự xuất hiện của ông Gibbon luôn thật sự khiến mọi thứ rối tung rối mù lên, trước khi ông bình thản rời đi như là đã làm xong nhiệm vụ phục vụ ông chủ của mình.

Đôi khi với một nơi rộng lớn nhưng lại vắng vẻ, hắt hiu như là Lâu đài Saxby, việc ông Gibbon vẫn luôn đi khắp nơi để làm nhiệm vụ của mình cho dù có là đánh bóng mặt cỏ, luộc giày hay dắt thảm đi dạo đi chăng nữa thì độc giả vẫn có thể thấy được sự nỗ lực phi thường cũng như tình cảm và sự tâm huyết của ông Gibbon dành cho gia đình, Lâu đài Saxby cho dù thời thế có đổi thay.

Chính khoảnh khắc ông Gibbon “lướt vun vút xuôi bãi cỏ thoải dài trên chiếc khay bạc của mình”, “trên tay này ông cầm một bình nước nóng, tay kia cầm hai ly sâm panh” và tuyên bố: “Sâm panh Dom Perignon hảo hạng đây, thưa ngài” đã cứu sống cô bé Stella khỏi bàn tay của bà bác độc ác.

Một điểm nhấn nữa của “Bà bác khủng khiếp” là những bức hình minh họa hóm hỉnh của Tony Ross, giọng kể đầy châm biếm của tác giả: “Một lần khác Stella nghe thấy tiếng bộ đôi nghịch nước khi tắm cùng nhau.

Điều này thật phi tự nhiên, thật không phải, và chắc chắn là mất vệ sinh. Đặc biệt là cho con cú” cùng cách trình bày sinh động, biến đổi liên tục đã mang đến cho tác phẩm một sự khác biệt so với biết bao cuốn sách viết cho thiếu nhi khác.

tu-trang-sach-khi-long-tham-che-mo-tinh-than-1-2.jpg
Từng trang truyện luôn cuốn hút. Ảnh: Anh Sơn

Kì thú, ý nghĩa

Bên cạnh giọng văn dí dỏm, “Bà bác khủng khiếp” còn gây được ấn tượng mạnh với độc giả bởi cốt truyện gần gũi nhưng cũng không kém phần gay cấn, ý nghĩa. Người đọc có thể cảm nhận được một cô bé Stella tuy nhỏ nhỏ bé nhưng thật kiên cường, chiến đấu đến cùng với cái xấu, cái ác.

Trong những tình huống hiểm nghèo nhất, cùng với sự giúp đỡ của hồn ma Bồ Hóng, cô bé vẫn thật bình tĩnh, qua đó dần dần phán đoán được những bí mật thầm kín, đen tối và độc ác nhất của Alberta.

Trong khi đó, bà bác lại là người máu lạnh, sẵn sàng ra tay với chính những người thân trong gia đình mình: Hai người em ruột, em dâu (mẹ của Stella) và bây giờ là chính Stella để có thể chiếm đoạt được tòa Lâu đài của dòng họ với mục đích xấu xa: “Việc đầu tiên ta làm vào sáng mai là thiêu trụi toàn bộ chỗ này”; “Và ngay sau khi nó chỉ còn là đống tro tàn, ta sẽ xây trên đó bảo tàng cú lớn nhất thế giới”.

Ngay cả với chú cú Wagner gắn bó và phục tùng Alberta từ nhỏ cũng bị liệt vào danh sách những việc làm điên rồ của bà ta: “Đúng vậy, cháu gái. Nhồi bông. Bọn cú cư xử phải phép hơn khi đã bị nhồi bông. Và rồi ở trung tâm của Bảo tàng Cú, trong một lồng kính khổng lồ, sẽ là Wagner yêu quý của ta”; “Ồ không! Lúc đó nó sẽ già trắng lông rồi. Không. Ta sẽ bắn nó ngay sáng mai”.

tu-trang-sach-khi-long-tham-che-mo-tinh-than-1-3.jpg
Tranh minh họa hóm hỉnh, vui nhộn. Ảnh: Anh Sơn

Nhân vật Stella và Alberta được xây dựng đối lập nhau một cách mạnh mẽ để qua đó khiến cho màn rượt đuổi thêm phần kịch tính, cuốn hút đến những phút cuối cùng. Đây không chỉ là sự đấu tranh, chiến đấu giữa thiện và ác mà còn là chặng đường mà con người đã bộc lộ những bản chất thật sự của mình.

Đầu tiên là Stella Saxby, người từ bé đã sống trong tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ: “Cha đưa cô đi chèo thuyền trên hồ, ông lấy mái chèo pha trò khiến cô cười khúc khích. Mẹ cùng cô xoay tròn quanh căn phòng khiêu vũ của Lâu đài Saxby, dạy cho cô các điệu nhảy”.

Thế nhưng, trong cuộc rượt đuổi với bà bác khủng khiếp của mình, cô đã thể hiện kỹ năng độc lập hành động rất tuyệt vời. Thậm chí, cô bé còn sẵn sàng đáp trả lại Alberta bằng những tuyệt chiêu rất “độc” khiến cho độc giả cười ra nước mắt.

Mạnh mẽ, khôn ngoan và có tấm lòng ngay thẳng, yêu thương hòa đồng chứ không “chảnh” như những cô tiểu thư khác, Stella dần vượt qua được cơn ác mộng mang tên người bác, trở thành một người tốt, và mang lại niềm hạnh phúc cho biết bao trẻ em không may mắn khác: “Dĩ nhiên Stella đã lớn lên, nhưng Lâu đài Saxby vẫn luôn là mái nhà cho bọn trẻ. Nó là trại trẻ mồ côi hạnh phúc nhất thế giới”.

Tiếp theo, David Walliams rất thành công khi thuyết phục người đọc về độ “kinh khủng” của bà bác Alberta. Bên cạnh sự tàn ác, bà ta còn là một người ích kỉ, hiếu thắng đến điên cuồng.

Chỉ vì không thể trở thành người thừa kế gia tài mà Alberta đã nỡ lòng thả trôi em ruột của mình dưới sông và đối xử tàn tệ với người em còn lại, chính là cha của Saxby. Chắc hẳn rồi: “Tặng em trai một con nhện Tarantula cực độc vào dịp Giáng sinh” hay “Tráo những cây nến sinh nhật của em trai bằng những thanh thuốc nổ” - không phải là biểu hiện của tình yêu thương ruột rà.

Dưới góc nhìn của một người như Alberta tất cả mọi thứ đều méo mó, xấu xí thậm chí là ngay cả truyện cổ tích cũng bị bác ta bóp méo: “Trong các phiên bản truyện đó, kẻ xấu luôn luôn chiến thắng”.

Chính trong lúc truy đuổi cô cháu ruột của mình, bà ta đã thú nhận tất cả, rằng chính mình đã hại chết cả bố và mẹ cô bé và sắp sửa khiến cho cô bé chịu chung số phận với họ. Bà bác chỉnh là một nguyên mẫu điển hình của nhân vật phản diện trong truyện thiếu nhi nhưng từ nguyên mẫu của bà ta, tác giả đã phản ánh được những thói hư tật xấu nhức nhối đang hiện hữu hằng ngày trong cuộc sống này.

Một nhân vật cuối cùng đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong tiểu thuyết này chính là hồn ma của cậu bé cạo ống khói bị chết trong Lâu đài Saxby cũng đã tìm thấy sự thật về thân phận của mình. Ban đầu, hồn ma này thể hiện một sự nghịch ngợm khi luôn trêu trọc Stella không ngừng.

Thế nhưng, trong những lời trêu trọc này, tinh thần lạc quan, sự tự tin của bản thân về một tương lai tươi sáng phía trước cũng như những ngậm ngùi về cuộc sống trong trại trẻ mồ côi của Bồ Hóng được bộc lộ rõ nét. Có thể nói, khi Stella quyết định biến Lâu đài Saxby thành trại trẻ mồ côi chính là việc cô bé đã được truyền cảm hứng từ hồn ma Bồ Hóng trong suốt chuyến hành trình của hai người.

Xuất thân hèn kém nhưng luôn ngẩng cao đầu, Bồ Hóng không chỉ là người giải cứu cho Stella mà còn là người truyền cho cô tinh thần phản kháng, dũng cảm mạnh mẽ khi đối mặt với bà bác. Để rồi đến cuối hành trình, Bồ Hóng đã nhận ra rằng bản thân thân vốn dĩ đã thuộc về Lâu đài Saxby …

Được chắp bút bởi người được Telegraph nhận xét: “Cuối cùng Dahl đã tìm được người kế thừa xứng đáng”, “Bà bác khủng khiếp” sở hữu mọi yếu tố làm nên tên tuổi của David Walliams: Hóm hỉnh, nhẹ nhàng, ý nghĩa và cuốn hút đến trang cuối cùng. Tác phẩm kể về cuộc rượt đổi “ngoạn mục” cũng như sự đấu trí cân não giữa cô bé Stella và bà bác của mình. Bằng sự giúp đỡ của con ma cậu bé cạo ống khói, cô bé đã dần dần nhận ra được bác mình không phải là một người bác bình thường mà ẩn sâu bên trong bà ta là những dã tâm thâm độc đến khó lường… Phần nội dung tiểu thuyết được đánh giá cao khi kết hợp với những bức hình minh họa độc đáo, đáng yêu của Tony Ross. “Bà bác khủng khiếp” hứa hẹn sẽ đem đến cho độc giả những phút giây trải nghiệm đọc sách khó quên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ