Tuyển sinh 2022: Không gây áp lực cho thí sinh

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT lưu ý, khi có những thay đổi lớn trong tuyển sinh, cơ sở giáo dục đại học cần thông báo trước để thí sinh có thời gian chuẩn bị cho việc ôn luyện; quan trọng là không gây áp lực cho các em.

Trường ĐH Gia Định (TP Hồ Chí Minh) tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho thí sinh. Ảnh: NTCC
Trường ĐH Gia Định (TP Hồ Chí Minh) tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho thí sinh. Ảnh: NTCC

Không gây “sốc”

Một trong những điểm mới của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân trong công tác tuyển sinh 2022 là giảm chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT xuống còn 10 - 15%; đồng thời tăng chỉ tiêu xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường; trong đó có xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Nhiều thí sinh nhận xét, đây là điểm thay đổi mới và lớn nhất trong mùa tuyển sinh năm nay của trường này.

PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - cho hay: Ngay từ đầu tháng 1, nhà trường đã thông báo dự kiến phương án tuyển sinh. Việc thông báo sớm nhằm giúp thí sinh có thời gian nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp nếu như có nguyện vọng xét tuyển vào trường. Quan trọng là, không để thí sinh, phụ huynh “sốc” dẫn đến tâm lý căng thẳng.

Để không tạo áp lực cho thí sinh, năm 2022 Học viện Tài chính giữ chủ trương ổn định các phương thức tuyển sinh như năm trước. TS Nguyễn Đào Tùng – Chủ tịch Hội đồng Học viện – trao đổi: Các cơ sở đào tạo không nên thay đổi phương thức xét tuyển theo từng năm. Để duy trì ổn định, các trường có thể đăng ký với Bộ GD&ĐT từ 3 - 4 phương thức tuyển sinh. Các phương thức sẽ được thực hiện trong khoảng 3 năm. Nếu có thay đổi, cần có “dự lệnh” và thông báo công khai trước một năm để thí sinh và xã hội biết.

Trao đổi về công tác tuyển sinh năm 2022, TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), chia sẻ: Quan điểm chung của nhà trường là ổn định các phương thức xét tuyển, hạn chế tối đa những thay đổi, để không gây xáo trộn, tạo điều kiện thuận lợi cho các em tham gia xét tuyển vào trường.

Theo đó, năm nay, nhà trường vẫn ổn định 4 phương thức xét tuyển như năm ngoái. Cụ thể: Xét tuyển thẳng thí sinh theo quy chế của Bộ GD&ĐT và Ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của trường; Xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2022; Xét kết quả kỳ thi THPT và Xét kết quả học bạ THPT của thí sinh.

Năm 2022, nhiều cơ sở giáo dục đại học giữ ổn định phương thức tuyển sinh nhằm không gây xáo trộn và áp lực cho thí sinh. Ảnh minh họa: Internet
Năm 2022, nhiều cơ sở giáo dục đại học giữ ổn định phương thức tuyển sinh nhằm không gây xáo trộn và áp lực cho thí sinh. Ảnh minh họa: Internet

Tạo điều kiện tối đa cho thí sinh

Thực tế cho thấy, đến thời điểm này, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đã công khai thông tin về tuyển sinh 2022. Đại đa số đều giữ ổn định như năm trước. Đại tá Vũ Xuân Tiến, Trưởng ban Thư ký Ban Tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng), cho biết: Năm 2022, các trường quân đội vẫn tổ chức xét tuyển theo các tổ hợp như năm 2021. Thí sinh được đổi nguyện vọng theo nhóm trường trong thời gian quy định của Bộ GD&ĐT.

Theo đó, có 2 nhóm để thí sinh có thể tham khảo. Nhóm 1 gồm Học viện: Hậu cần, Hải quân, Biên phòng, Phòng không - Không quân… Nhóm 2 gồm Học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Phòng không - Không quân hệ kỹ sư hàng không… Tháng 3, Ban Tuyển sinh quân sự sẽ ra thông báo chi tiết về chỉ tiêu tuyển sinh 15 trường, học viện sĩ quan tuyển sinh và đào tạo sĩ quan trình độ đại học.

Tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2022 do Bộ GD&ĐT phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức, TS Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) – nhấn mạnh: Năm 2022, kỳ thi THPT cơ bản vẫn giữ ổn định, không có gì thay đổi, thí sinh thi các môn để tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, tuyển sinh năm nay về cơ bản vẫn giữ ổn định, song mục tiêu của Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh lại quy chế và kỹ thuật, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh. Từ khâu đăng ký, xét tuyển đến đảm bảo tính công bằng đối với học sinh giữa ngành với ngành, giữa các phương thức tuyển sinh trong 1 ngành và giữa các trường với nhau để đảm bảo sự công bằng, minh bạch, tối ưu nhất cho thí sinh.

TS Nguyễn Mạnh Hùng cho hay: Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT đang triển khai phương án sửa phần mềm để thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học thiên về trực tuyến, trường hợp bất khả kháng mới sử dụng phương thức giấy như trước đây. Và theo quyết định của Thủ tướng thì phải đăng ký trên cổng dịch vụ công của Chính phủ để kiểm soát được việc đăng ký của thí sinh và công khai minh bạch với toàn xã hội.

Bên cạnh đó, trong chính sách ưu tiên, cụ thể là chính sách ưu tiên khu vực, Bộ GD&ĐT sẽ đánh giá lại nhưng có lộ trình để đảm bảo thuận lợi cho thí sinh trong vấn đề áp dụng chính sách cũng như là đảm bảo tính công bằng. “Thời gian công bố mẫu đề thi minh họa sẽ như mọi năm; kiến thức, nội dung nằm trong chương trình lớp 12” - TS Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Năm 2022, các trường đại học vẫn sử dụng cơ sở dữ liệu từ phía Bộ GD&ĐT; trong đó có phần điểm thi, phần mềm tuyển sinh, lọc ảo… Bộ tiếp tục hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học trong công tác tuyển sinh. Dự kiến, những cải tiến (nếu có) sẽ tạo thuận lợi hơn cho các trường và thí sinh.    TS Nguyễn Mạnh Hùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.