TS Hoàng Công Dụng- Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ GD&ĐT) cho biết: Theo thống kê, nhóm ngành Công nghệ thông tin đứng top 2 trong số những ngành học được nhiều học sinh trung học phổ thông lựa chọn nhất trong kỳ tuyển sinh trung học phổ thông năm 2021, với 336.001 nguyện vọng đăng ký (trong khi chỉ lấy 49.582 chỉ tiêu).
Điều này chứng minh độ “hot” của ngành học thời đại này, cùng thực tế tỷ lệ học sinh mong muốn được học tập và làm việc trong ngành Công nghệ thông tin là rất cao. Thế nhưng rất nhiều học sinh vẫn còn vô cùng mông lung, không hiểu biết về ngành Công nghệ thông tin mà chỉ đăng ký theo hiệu ứng “đám đông”, chọn ngành hot, lương cao để học.
Bằng việc đưa ra hàng loạt số liệu và dẫn chứng cụ thể, ông Dụng đã công nhận nhu cầu nhân lực Công nghệ thông tin đối với mọi lĩnh vực đều rất cần thiết. Đây là ngành học có cơ hội phát triển, thăng tiến cùng mức lương hấp dẫn. Đặc biệt trong những thời kỳ khủng hoảng như đại dịch, nguy cơ chiến tranh hay biến đổi khí hậu, ngành nghề này lại càng khẳng định vai trò và tầm quan trọng của mình.
Cụ thể trong các ngành ứng dụng Công nghệ thông tin tại Việt Nam hiện nay, Thông tin và truyền thông đang là ngành có nhu cầu cao nhất về nhân lực Công nghệ thông tin (chiếm tới khoảng 25% tổng nhân lực Công nghệ thông tin), tiếp đến là ngành Giáo dục và đào tạo (chiếm khoảng 12-13% tổng nhân lực Công nghệ thông tin).
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS Trần Văn Tính - giảng viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết công nghệ thông tin đang là một “ngành học thời thượng”, khi đồng thời có được sự quan tâm, tìm hiểu từ hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên, là ngành nghề được ưu tiên phát triển nhất trong thế kỷ 21, không chỉ tại Việt Nam mà là trên toàn thế giới.
Ông Tính đã chỉ ra cụ thể các công việc, vị trí trong ngành Công nghệ thông tin, các ngành học đang tuyển sinh cũng như triển vọng của nghề, để các bạn học sinh có những hiểu biết rõ ràng hơn về ngành, từ đó đưa ra những lựa chọn đúng đắn. Cùng với đó sinh viên có cơ hội được đào tạo tại nước ngoài, trong đó, hướng đi du học Nhật Bản là con đường khả quan, nhanh chóng và có nhiều lợi ích nhất.
Còn ông Nguyễn Quyết - chuyên gia công nghệ thông tin, CEO VTI Education cho biết sự khan hiếm nhân sự công nghệ thông tin chất lượng hiện nay là câu chuyện có thật. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn sẵn sàng dành mức đãi ngộ cực kỳ cao, như mức lương nghìn đô, cơ hội học tập, sinh sống tại nước ngoài, và tiềm năng phát triển lớn cho sinh viên du học. Do đó, công nghệ thông tin có thể tiếp tục sẽ là ngành hot của mùa tuyển sinh sắp tới.