Tuyển sinh 2022: Chọn ngành, chọn trường giữa “bão” thông tin

GD&TĐ - Giữa vô vàn hướng dẫn, số liệu… nhiều thí sinh hoang mang và bị rối khi tìm hiểu về một trường hoặc ngành nghề đào tạo nào đó. Hơn lúc nào hết, thí sinh rất cần những thông tin chính thống về tuyển sinh.

Tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cũng là cách để thí sinh tiếp cận thông tin chính thống từ các cơ sở giáo dục đại học. Ảnh minh họa: TG
Tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cũng là cách để thí sinh tiếp cận thông tin chính thống từ các cơ sở giáo dục đại học. Ảnh minh họa: TG

Tránh bị sa vào “ma trận”

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐH Quốc gia Hà Nội) - nhắn nhủ: Với thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi đánh giá năng lực (HAS), nếu muốn dự thi, hãy dành thời gian đọc và tìm hiểu về kỳ thi tại trang chủ chính thức http://khaothi.vnu.edu.vn/. Thí sinh không nên lan man trên các diễn đàn. Việc tìm hiểu về HAS sẽ giúp các em hiểu và yên tâm hơn về kỳ thi, đợt thi để có kế hoạch ôn tập, đăng ký thi phù hợp. Quan trọng hơn nữa, thí sinh cần tìm hiểu trường đại học dự kiến xét tuyển có dùng kết quả thi HAS hay không rồi mới quyết định đăng ký dự thi.

Là học sinh lớp 12, Trường THPT Minh Phú (Hà Nội), Nguyễn Mạnh Quân cảm thấy bối rối trước hàng loạt thông tin trên Internet và mạng xã hội về các trường và ngành nghề đào tạo. “Đúng là Internet và mạng xã hội phát triển nên chúng em có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu về ngành học hoặc trường đại học nào đó, có rất nhiều thông tin khác nhau khiến em hoang mang không biết lựa chọn như thế nào cho đúng” – Mạnh Quân phân trần và mong muốn được tiếp cận thông tin chính thống từ các cơ sở giáo dục đại học hoặc từ các chuyên gia. Qua đó, giúp em có cơ sở tin cậy để tham khảo; từ đó lựa chọn đúng và trúng ngành học, trường học cho mình.

Theo thầy Nông Ngọc Trọng - giáo viên Trường THPT An Mỹ (Thủ Dầu Một, Bình Dương), thí sinh rất cần thông tin chính thống về tuyển sinh. Đó là những thông tin từ cơ sở giáo dục đại học cho đến cơ quan quản lý Nhà nước.

“Chúng tôi khuyến cáo học sinh nên tra cứu trên website của trường đại học mà mình dự kiến đăng ký xét tuyển để cập nhật thông tin mới và chính thống nhất của nhà trường. Những thông tin về chủ trương, chính sách trong tuyển sinh, chúng tôi nhắc nhở học sinh nắm bắt từ thông báo của nhà trường hoặc tìm hiểu trên website của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT và trên Báo Giáo dục & Thời đại” - thầy Trọng chia sẻ, đồng thời lưu ý: Học sinh không nên tra cứu lan man trên mạng, dẫn đến tình trạng bài nọ dẫn link bài kia, rất dễ bị rối.

Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Thành – Trưởng phòng Công tác Chính trị - Sinh viên (Trường ĐH Mỏ - Địa chất) - nhìn nhận, mùa tuyển sinh năm nay ghi nhận hàng loạt trường tư vấn theo hình thức trực tuyến. Trong đó, có trường “đánh bóng” tên tuổi bằng những “mỹ từ”. Cũng có trường mở thêm một số ngành mới và giới thiệu rầm rộ. Chỉ việc quảng bá của các trường cũng khiến thí sinh có thể bị “mắc kẹt” giữa “bão” thông tin như hiện nay. Cách tốt nhất là, các em nên quan tâm đến những trường, ngành nghề mà mình dự định đăng ký xét tuyển, tránh bị sa đà vào “ma trận”, khi đó rất dễ bị “tảu hỏa nhập ma”.

Năm nay cũng ghi nhận một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển. Lợi dụng việc này, một số trang mạng có rao bán các bộ đề thi và khóa ôn luyện. Vì thế, thí sinh nên tỉnh táo trước những thông tin này, tránh “tiền mất, tật mang”. Nếu xác định ôn thi online, cần sàng lọc và nên lựa chọn trang trực tuyến phù hợp với năng lực của mình.

Học sinh lớp 12 đang bước vào giai đoạn quan trọng để chọn nghề, chọn trường. Ảnh minh họa: TG
Học sinh lớp 12 đang bước vào giai đoạn quan trọng để chọn nghề, chọn trường. Ảnh minh họa: TG

Sẽ điều chỉnh một số bất cập

Để thí sinh yên tâm học tập, tránh những thông tin thất thiệt, chưa chính xác về quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) – khẳng định: Tuyển sinh năm nay, cơ bản giữ ổn định như năm trước, chỉ điều chỉnh những nội dung mang tính kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và các cơ sở đào tạo.

Qua đó, đảm bảo khách quan, công bằng giữa các thí sinh, công bằng giữa các cơ sở đào tạo và tạo sự đồng thuận trong xã hội. Theo đó, thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến tất cả các nguyện vọng, các phương thức xét tuyển đợt 1 trên hệ thống qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT, chuyển khoản để nộp lệ phí xét tuyển.

Ngoài ra, tất cả các nguyện vọng của thí sinh đăng ký vào các cơ sở đào tạo được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo. Đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn này, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh. Nếu mỗi phương thức (hoặc mỗi tổ hợp môn thi) có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh của các trường phải giải trình được căn cứ phù hợp cho việc phân chỉ tiêu cho từng phương thức (hoặc tổ hợp môn thi).

Năm nay, dự kiến sẽ cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển. Cơ sở đào tạo phân tích rủi ro trong quá trình tuyển sinh và có phương án giải quyết, phối hợp giải quyết giữa các cơ sở đào tạo trong quá trình tuyển sinh.

“Dự kiến sẽ không giới hạn số lượng nguyện vọng mà thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, cơ sở đào tạo. Các nguyện vọng được xếp thứ tự từ 1 đến hết, nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất và ưu tiên nhất” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ, đồng thời lưu ý: Thí sinh tải minh chứng về đối tượng ưu tiên (nếu có) lên hệ thống. Đối với một số trường xét tuyển theo phương thức riêng, thí sinh chú ý, phải thực hiện đăng ký và nộp hồ sơ xét tuyển cho trường nếu trường có yêu cầu; đồng thời đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT.

Vụ Giáo dục Đại học đề nghị, các sở GD&ĐT rà soát kết quả học tập của thí sinh ở cấp THPT (học bạ điện tử), cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm phục vụ công tác xét tuyển vào đại học đối với thí sinh có sử dụng kết quả học tập để xét tuyển. Qua đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và các cơ sở đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ