Có vượt chỉ tiêu?
Trường ĐH Đà Lạt gọi thí sinh trúng tuyển vượt rất nhiều so với chỉ tiêu trong đề án tuyển sinh. Đơn cử: Ngành Kế toán có 50 chỉ tiêu nhưng trường gọi đến 548 thí sinh. Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tuyển 130 chỉ tiêu nhưng trường gọi trúng tuyển 655 thí sinh, Ngôn ngữ Anh 130 chỉ tiêu tuyển 342 thí sinh, Đông phương học 125 chỉ tiêu tuyển 331 thí sinh.
Năm nay, do các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển nên tỉ lệ thí sinh ảo khá nhiều. Do đó, không riêng gì Trường ĐH Đà Lạt, nhiều trường gọi thí sinh trúng tuyển có số dư để “trừ hao” những thí sinh ảo. Vì nếu nhà trường gọi thí sinh trúng tuyển sát với chỉ tiêu thì số thí sinh nhập học thực tế sẽ thấp hơn nhiều so với số cần tuyển. Khi đó, nhà trường rơi vào tình trạng thiếu sinh viên trầm trọng.
“Thực tế này dẫn đến một số trường gọi thí sinh trúng tuyển rất lớn. Nhưng vấn đề cốt lõi là thí sinh nhập học được bao nhiêu, có đạt được chỉ tiêu hay không?” - Theo TS Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Đà Lạt đặt vấn đề, đồng thời cho biết: Năm nay, mặc dù trường gọi thí sinh trúng tuyển với số dư lớn, nhưng đúng như dự đoán, tỉ lệ nhập vừa đủ chỉ tiêu, thậm chí có ngành còn thiếu, chẳng hạn như ngành Khoa học cơ bản.
Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM tuyển 1.800 chỉ tiêu cho 17 ngành đào tạo, với 4 phương thức tuyển sinh. Riêng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 có 793 chỉ tiêu. Trong đó, ngành Quản trị kinh doanh có 60 chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này. Tuy nhiên, trường gọi trúng tuyển 943 thí sinh, vượt chỉ tiêu đến 1.471%, chiếm hơn 1/2 tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Thế nhưng chỉ có 180 thí sinh xác nhập học vào ngành này. Ngành Công nghệ thông tin có 55 chỉ tiêu nhưng trường gọi trúng tuyển 445 thí sinh, vượt hơn 700% chỉ tiêu. Với 125 chỉ tiêu dành cho ngành Quản lý đất đai, nhưng trường tuyển đến 573 thí sinh, vượt 358% so với chỉ tiêu.
Một số ngành của Trường ĐH Công đoàn có số thí sinh trúng tuyển vượt xa so với chỉ tiêu được công bố trong đề án tuyển sinh. Với ngành Công tác xã hội, số thí sinh trúng tuyển là 446/200 chỉ tiêu, vượt 123%; ngành Xã hội học là 405/200, vượt hơn 100%. Các ngành như: Bảo hộ lao động, Quan hệ lao động đều vượt 80%, các ngành khác thấp hơn, nhưng có thể thấy 100% các ngành của Trường ĐH Công đoàn đều có thí sinh trúng tuyển vượt chỉ tiêu.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa – nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cần phân biệt số thí sinh gọi trúng tuyển và số thí sinh nhập học/chỉ tiêu. Đây là hai thông số khác nhau. Các cơ sở giáo dục đại học có thể số gọi thí sinh trúng nhiều, nhưng kết quả thí sinh đến xác nhận nhập học mới là quan trọng. Hiện, nhiều trường tỉ lệ nhập học bằng phương thức học bạ đạt từ 10 - 20%, trường nào cao mới đạt 30%.
Không nên nhìn vào con số tương đối
“Để bảo đảm chỉ tiêu tuyển sinh, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học phải gọi số dư. Dựa trên kinh nghiệm tuyển sinh hàng năm, các trường sẽ quyết định gọi bao nhiêu phần trăm thí sinh, để khi đến nhập học sẽ đạt 100% chỉ tiêu. Ví dụ, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh thường gọi khoảng 105% - 110%. Nhưng thí sinh xác nhận nhập học dao động từ 95% - 105% chỉ tiêu. Khối trường Y Dược, tỉ lệ nhập học thường đạt 100% chỉ tiêu; Tuy nhiên, hàng năm vẫn có khoảng 30% các trường ĐH tuyển được dưới 50% chỉ tiêu” - TS Nguyễn Đức Nghĩa viện dẫn.
Theo TS Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác Chính trị Sinh viên, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội), việc gọi dôi dư thí sinh trúng tuyển chủ yếu xảy ra ở nhóm trường tốp giữa. Một trong những nguyên nhân chính là các trường chưa lượng hoá được phổ điểm, nên phải gọi số dư thí sinh để “trừ hao”. Như những năm trước, một số ngành khó tuyển sinh nên nhiều trường rút kinh nghiệm điều chỉnh phương án bằng cách: Gọi tăng số lượng thí sinh trúng tuyển để có thể tuyển đủ chỉ tiêu, đáp ứng nhu cầu đào tạo của trường.
Cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “tràn chỉ tiêu” ở một số cơ sở giáo dục đại học, trong đó có cả yếu tố khách quan và chủ quan; TS Lê Xuân Thành phân tích: Năm nay số lượng thí sinh tăng hơn so với năm trước, cộng với dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương nên không ít công nhân trong các khu công nghiệp mất việc làm. Đây là bài học nhãn tiền khiến thí sinh xác định nhập học (không lựa chọn đi làm ngay như một số năm trước). Ngoài ra, có khoảng 10% học sinh ở các thành phố lớn, có học lực tốt không đi du học được do ảnh hưởng của Covid-19.
“Thông thường, như năm trước, thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng 8 - 9 sẽ không nhập học, nên số này thường được các trường đánh giá là thí sinh ảo. Tuy nhiên, năm nay, có thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng thứ 11 vẫn xác nhận nhập học. Do đó, số thí sinh này được cho là ảo, lại không phải là ảo, nên bài toán lọc ảo khó giải quyết được” - TS Lê Xuân Thành trao đổi.
Tuy nhiên, theo TS Lê Xuân Thành, không nên nhìn vào con số tương đối, mà hãy nhìn vào con số tuyệt đối. VD: Với một trường có chỉ tiêu tuyển sinh là gần 6.000 sinh viên, nếu họ tuyển vượt 15% chỉ tiêu sẽ là 900 sinh viên. Điều này khác hẳn với một trường có chỉ tiêu tuyển sinh là 2.000 sinh viên. Nếu học tuyển vượt 900 chỉ tiêu thì con số sẽ tương đương khoảng 45%, chứ không phải là 15%. “Để khắc phục tình trạng trên, các trường có cùng nhóm ngành đào tạo tương đương, có thể cùng kết hợp để tuyển sinh, lọc ảo” - TS Lê Xuân Thành trao đổi.