Các chuyên gia phân tích, xu hướng phát triển kinh tế, xã hội là một trong những nguyên nhân tác động đến lựa chọn ngành nghề của thí sinh.
Nhiều ngành tỉ lệ nhập học thấp
PGS.TS Bùi Thế Đồi – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp (Hà Nội) cho biết: Sau ngày 26/9 (ngày cuối cùng của xác nhận nhập học đợt 1), nhà trường vẫn còn thiếu nhiều chỉ tiêu. Tuỳ từng ngành, nhà trường thông báo xét tuyển bổ sung khoảng 15% - 20%, tương đương 200 – 300 chỉ tiêu.
Theo đó, nhà trường xét tuyển theo điểm thi THPT, với điểm xét tuyển các ngành học là 15,0. Điểm xét tuyển theo kết quả học tập bậc THPT vào các ngành học là 18,0. Riêng ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên (chương trình tiến tiến), Du lịch sinh thái không xét tuyển theo kết quả học tập THPT. Thí sinh gửi hồ sơ xét tuyển theo đường bưu điện về địa chỉ của cơ sở chính và các phân hiệu hoặc đăng ký trực tuyến.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã quyết định xét tuyển thẳng hệ đại học chính quy cho những thí sinh điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cao nhưng chưa trúng tuyển. Theo đó, những thí sinh tham gia xét tuyển thẳng phải đáp ứng điều kiện sau: Chưa trúng tuyển hoặc đã trúng tuyển trong đợt 1 nhưng chưa xác nhận nhập học (chưa nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi THPT 2021). Điểm nhận hồ sơ xét tuyển thẳng không được thấp hơn 26,75 (tổ hợp không có môn Tiếng Anh) hoặc 27,25 (tổ hợp có môn Tiếng Anh).
Kết thúc xác nhận nhập học đợt 1, Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) có hơn 5.000 thí sinh chính thức trở thành sinh viên của trường, đạt hơn 90%. Tuy nhiên, theo TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng nhà trường, một số ngành vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu, trong đó có khối ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ, môi trường, xây dựng.
Hội đồng tuyển sinh đã thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung theo phương thức xét tuyển bằng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và theo học bạ THPT, với tổng chỉ tiêu xét tuyển là 600.
TS Võ Thanh Hải cho hay: Một số ngành thí sinh đến nhập học thấp, nhất là ngành khoa học cơ bản. Cá biệt, có ngành mới có từ 10 – 20 thí sinh đến xác nhận nhập học. “Tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học đợt 1 ở một số ngành đạt thấp là do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên nhiều gia đình gặp nhiều khó khăn; thứ nữa đây là những ngành không thuộc diện “hot”, sinh viên ra trường khó xin việc hơn và nếu xin được việc làm thì thu nhập không cao…” - TS Võ Thanh Hải lý giải.
Giải mã nguyên nhân
PGS.TS Bùi Thế Đồi thông tin: Những năm gần đây, ngành khoa học cơ bản, nông lâm nghiệp khó tuyển sinh. Riêng ngành lâm sinh – một trong những ngành cốt lõi của lĩnh vực lâm nghiệp, nhưng hầu hết các trường có đào tạo ngành này đều khó tuyển sinh. Khoảng 3 - 4 năm gần đây, hầu như các trường tuyển không đủ chỉ tiêu; có năm chỉ tuyển được 40 - 50%.
Theo lãnh đạo Trường ĐH Lâm nghiệp, trải qua 2 năm dịch bệnh Covid-19 mới thấy, nông lâm nghiệp vẫn là ngành trụ cột trong nền kinh tế chung của đất nước. Tuy nhiên, đây là ngành ít hấp dẫn thí sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc Nhà nước thiếu chính sách quan tâm hoặc ưu tiên với những người làm trong lĩnh vực này. Sinh viên ra trường làm việc trong điều kiện khó khăn, lương thấp.
TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) phân tích: Mỗi ngành và mỗi trường có sức hút và ưu thế riêng. Điều này cũng tác động đến công tác tuyển sinh của các trường. “Thực tế cho thấy, một số cơ sở giáo dục đại học rất biết cách tạo ra sức hút cho giới trẻ. Nhưng tôi cho rằng, đó chỉ là sức hút giả, là bề nổi nên sẽ khó bền vững” - TS Lê Viết Khuyến nhìn nhận.
Lý giải một số ngành khó tuyển sinh, trong đó có ngành khoa học cơ bản, TS Lê Viết Khuyến cho rằng: Giới trẻ ngày nay nhìn nhận về nghề nghiệp khác so với trước đây. Thí sinh đã thực tế hơn nên việc các em lựa chọn ngành học dễ tìm việc làm, thu nhập cao là điều dễ hiểu. Trong khi đó, ngành khoa học cơ bản học vất vả hơn, nhưng ra trường lại khó xin việc và thu nhập thường ở mức thấp.
PGS.TS Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) lại cho rằng: Các ngành toán, cơ, khoa học trái đất như địa chất, kỹ thuật địa chất, khí tượng, thủy văn, hải dương học… và các ngành khoa học cơ bản nói chung tuyển sinh khó khăn hơn nên nhiều trường phải xét tuyển bổ sung đợt 1.
Thực tế cho thấy, những ngành này không phải không có cơ hội việc làm; thậm chí Nhà nước rất cần người giỏi. Tuy nhiên, sau khi ra trường, môi trường làm việc không được thuận lợi, mức lương khởi điểm thấp so với ngành nghề khác. Thống kê cho thấy, những năm gần đây tỉ lệ làm việc trong các doanh nghiệp bên ngoài chiếm đa phần, trừ một số thí sinh muốn theo hướng nghiên cứu.
Theo PGS.TS Vũ Hoàng Linh, khắc phục tình trạng này cần đổi mới và tích hợp chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng hơn. Tổ chức các hội thảo hướng nghiệp, kết nối nhà tuyển dụng, xây dựng các chương trình học bổng riêng.
Những năm gần đây, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã mở thêm ngành đào tạo mới, mang tính liên ngành có sức hấp dẫn cao như: Khoa học dữ liệu (toán tin), Kỹ thuật điện tử và tin học (vật lý), Khoa học và công nghệ thực phẩm (hóa - sinh), Quản lý đô thị và bất động sản (địa lý); Công nghệ giám sát tài nguyên môi trường… Đây là ngành mang tính ứng dụng, không phải là khoa học cơ bản thuần túy nên tuyển sinh tốt hơn.
Chia sẻ về việc tạo ra sức hút với thí sinh, TS Lê Viết Khuyến lưu ý các trường phải thể hiện được năng lực trong thực tế và chứng minh được với xã hội: Thí sinh vào học trường mình là lựa chọn đúng đắn.
Muốn vậy, nhà trường phải nâng cao chất lượng đào tạo để cơ quan, doanh nghiệp chấp nhận sản phẩm của trường. Đây là yếu tố cốt lõi, nếu không dù có tuyên truyền, quảng bá đến mấy cũng rất khó để thu hút thí sinh.