Tuyển sinh 2021: Xét tuyển bổ sung sôi động

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, đợt xét tuyển bổ sung được dự báo là sôi động, với hàng nghìn chỉ tiêu được các cơ sở giáo dục đại học công bố.

Thí sinh xác nhận nhập học vào Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội năm 2020. Ảnh: NTCC
Thí sinh xác nhận nhập học vào Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội năm 2020. Ảnh: NTCC

Đây là cơ hội để những thí sinh trượt các nguyện vọng trong đợt 1 có cơ hội vào đại học. Do đó, thí sinh cần lưu ý để không bỏ lỡ cơ hội này. 

Nhiều cơ hội

Trường ĐH Hòa Bình (Hà Nội) chính thức thông báo tuyển sinh trình độ đại học chính quy năm 2021 - đợt 2. Ông Dương Văn Bá – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - cho biết: Đối tượng tuyển sinh là thí sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương. Nhà trường tuyển sinh trong phạm vi cả nước. Thời gian nộp hồ sơ: Đợt 2, từ ngày 20/9 - 2/10. Các đợt tiếp theo: Từ ngày 3/10 - 20/12/2021.

“Kết thúc thời gian nhận hồ sơ của từng đợt, nhà trường sẽ tổ chức xét tuyển theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp cho đến khi hết chỉ tiêu theo quy định của Bộ GD&ĐT và thông báo kết quả cho thí sinh” - ông Bá thông tin, đồng thời cho biết: Phương thức tuyển sinh đợt xét tuyển bổ sung gồm: Xét tuyển sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021; xét tuyển sử dụng kết quả học bạ THPT.

Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) thông báo tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đến ngày 30/9 cho tất cả ngành đào tạo tại trường, với mức điểm nhận hồ sơ từ 18 điểm. Trường đưa ra 3 hình thức gồm xét tuyển theo tổ hợp 3 môn, xét tuyển dựa vào kết quả học tập 3 năm và xét tổng điểm 5 học kỳ.

Theo TS Lê Xuân Thành - Trưởng phòng Công tác Chính trị - Sinh viên, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội), thí sinh không nên quá lo lắng vì thời điểm này mới là giai đoạn đầu của xét tuyển đại học, các em còn nhiều cơ hội để xét tuyển bổ sung vào các trường đại học khác. Hiện, nhiều cơ sở đại học vẫn còn tuyển sinh bổ sung với phương thức xét tuyển khác nhau. Theo đó, thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT, hoặc tiếp tục xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.

“Tất nhiên, khi xét tuyển bổ sung, thí sinh sẽ không còn nhiều lựa chọn những ngành, trường mà mình yêu thích như xét tuyển đợt 1. Do đó, thí sinh nên tập trung vào một số trường tốp giữa. Sau đó, xem điểm chuẩn đợt 1 của trường là bao nhiêu, rồi cộng thêm khoảng 2 - 3 điểm. Nếu điểm thi đạt đến mức đó, cơ hội các em trúng tuyển vào đợt bổ sung sẽ cao” - TS Lê Xuân Thành khuyến nghị.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: Internet
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: Internet

Cẩn thận để không thêm lần lỡ dở

Dù những quy định của Bộ GD&ĐT đã tạo điều kiện cho thí sinh, nhưng việc bỏ lỡ xét tuyển đợt 1 và chấp nhận xét tuyển đợt bổ sung có phần mạo hiểm. Vì thế, thí sinh cần cân nhắc trước khi đưa ra quyết định. Hơn nữa, đa phần các trường tốp đầu và những ngành “hot” đều đã đủ chỉ tiêu ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên.

Vì vậy, các trường và ngành tham gia xét tuyển bổ sung có thể sẽ “kén” người học nên mới thiếu chỉ tiêu. “Ngoài ra, điểm xét tuyển đợt bổ sung chỉ được bằng hoặc cao hơn đợt 1; thậm chí có thể còn cao hơn nhiều so với đợt 1” - TS Lê Xuân Thành trao đổi.

Ông Dương Văn Bá lưu ý: Thí sinh nên đọc kỹ thông báo của cơ sở giáo dục đại học có xét tuyển bổ sung, vì có thể nhiều trường đưa ra các tiêu chí phụ hoặc nguyên tắc xét tuyển riêng. Đơn cử như Trường ĐH Hòa Bình sẽ căn cứ vào điểm chuẩn đã công bố xét tuyển đợt 1, sau đó xét tuyển chung cho các ngành theo điểm xét tuyển của thí sinh từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Trường hợp xét tuyển vẫn còn chỉ tiêu, nhà trường tổ chức xét tuyển đợt tiếp theo theo quy định.

TS Nguyễn Đào Tùng – Phó Giám đốc Học viện Tài chính - nhận định: Đợt xét tuyển bổ sung sẽ sôi động, nên nếu quyết tâm vào đại học, thí sinh cần có lựa chọn đúng và trúng, tránh bị trượt oan do lỗi chủ quan. Theo đó, thí sinh cần cập nhật thông tin thường xuyên của trường mà mình dự định đăng ký xét tuyển bổ sung, lưu tâm đến chỉ tiêu, phương thức xét tuyển và điểm trúng tuyển đợt 1 để có sự lựa chọn phù hợp.

Dù được dự báo là sôi động nhưng đợt xét tuyển bổ sung ít nhiều vẫn hạn chế hơn so với xét tuyển đợt 1. Tuy nhiên, thí sinh sẽ có nhiều lựa chọn khác nhau, như: Các em có thể học cao đẳng, học nghề hoặc lựa chọn một số ngành liên kết đào tạo… “Tôi vẫn khuyên các em nên có phương án dự phòng để bảo đảm an toàn, không bị lỡ dở việc học của mình” - TS Nguyễn Đào Tùng nói.

Để xem xét quyền lợi cho thí sinh đạt 27 điểm (tổng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên) trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng nào trong xét tuyển đợt 1, nhiều trường cho biết, sẽ sẵn sàng xét tuyển bổ sung những thí sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT cao và căn cứ vào nguyện vọng, điểm đạt được theo điểm chuẩn của từng ngành học cụ thể.

PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) - khẳng định: Nhà trường ủng hộ chủ trương của Bộ và sẽ xét tuyển bổ sung những thí sinh thuộc đối tượng trên nếu đủ các điều kiện. “Chúng tôi sẽ có phương án cụ thể và kế hoạch chi tiết nếu như có ý kiến của Bộ GD&ĐT” - PGS.TS Bùi Đức Triệu trao đổi.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đào Tùng cho hay: Học viện Tài chính có thể tuyển bổ sung thêm 100 - 200 chỉ tiêu, nhưng với điều kiện: Bộ GD&ĐT cho phép và các thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường. Với số ít thí sinh đạt trên 27 điểm mà không đỗ vào các nguyện vọng đợt 1, nếu có đăng ký xét tuyển bổ sung vào Học viện cũng không ảnh hưởng nhiều đến quy mô đào tạo.

Theo TS Lê Xuân Thành, xét tuyển bổ sung do các cơ sở giáo dục đại học hoàn toàn chủ động, Bộ GD&ĐT không thực hiện lọc ảo chung, nên mỗi trường sẽ có yêu cầu về hồ sơ khác nhau. Vì vậy, thí sinh cần theo dõi trên website của trường để cập nhật thông tin. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.