Tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ hơn 9 tỷ USD sẽ khởi công trước năm 2030

GD&TĐ - Dự kiến, tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ sẽ giúp vận chuyển khoảng 26 triệu tấn hàng hóa và 18 triệu hành khách mỗi năm.

Tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ hơn 9 tỷ USD sẽ khởi công trước năm 2030.
Tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ hơn 9 tỷ USD sẽ khởi công trước năm 2030.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa gửi báo cáo đến UBND TPHCM về dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ đang trong giai đoạn hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Theo Sở GTVT TPHCM, Bộ GTVT đã khởi động việc lập báo cáo từ tháng 2/2022, tuy nhiên, do cần điều chỉnh quy hoạch tại các địa phương liên quan, quá trình thẩm định và báo cáo đã kéo dài. Dự kiến, Hội đồng thẩm định Nhà nước sẽ hoàn tất quá trình thẩm định trong tháng 12 tới.

Sau khi hoàn thành thẩm định, dự án sẽ trình Bộ Chính trị và Quốc hội để xin chủ trương đầu tư trong năm 2025.

Giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt dự án sẽ diễn ra từ năm 2026 đến năm 2027, với mục tiêu khởi công xây dựng trước năm 2030. Dự án sẽ bắt đầu vận hành và khai thác từ năm 2035.

duongsat-tphcm-cantho-5687.jpg
Một phương án hướng tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ. (Ảnh: Ban Quản lý Dự án đường sắt)

Dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ sẽ được chia thành hai giai đoạn đầu tư.

Giai đoạn 1, tuyến đường đơn sẽ được xây dựng từ ga An Bình (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đến ga Cần Thơ (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) với tổng chiều dài 175,2km. Tuyến đường gồm 76,6km đi thấp và 98,6km chạy trên cầu cạn và vượt sông.

Dự án đi qua 6 địa phương gồm TPHCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.

Tổng mức đầu tư giai đoạn này dự kiến lên tới 155.433 tỷ đồng (khoảng 6,48 tỷ USD), phấn đấu khởi công trước năm 2030, đưa vào khai thác từ năm 2035.

Trên tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ sẽ bố trí 12 ga chính và 4 trạm khách tương lai, cùng với 3 depot lớn tại An Bình, Tân Kiên và Cần Thơ.

Tuyến còn có 4 trạm bảo dưỡng và khám xe đặt tại Thạnh Đức, Tam Hiệp, Cai Lậy và Bình Minh, cùng 3 trạm bảo dưỡng hạ tầng khác.

Tuyến đường sắt này cũng có 3 vị trí cầu vượt sông lớn (sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây), cùng với 2 vị trí vượt sông đặc biệt lớn là sông Tiền và sông Hậu.

Trong giai đoạn 2, dự án sẽ hoàn thiện hệ thống với tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435mm, sử dụng công nghệ điện khí hóa. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 ước tính khoảng 64.736 tỷ đồng (2,7 tỷ USD).

Giai đoạn này dự kiến sẽ được triển khai sau khi giai đoạn 1 đi vào hoạt động, phấn đấu đưa vào khai thác năm 2055 nhằm tăng năng lực vận tải hành khách và hàng hóa của toàn tuyến.

Dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ có chiều dài hơn 175km, với nguồn vốn đầu tư lên tới hơn 9 tỷ USD.

Dự kiến, đến năm 2055, đường sắt TPHCM - Cần Thơ sẽ giúp vận chuyển khoảng 26 triệu tấn hàng hóa và 18 triệu hành khách mỗi năm, giúp kết nối trung tâm kinh tế lớn nhất phía Nam là TPHCM với Đồng bằng sông Cửu Long; góp phần tăng khả năng cạnh tranh kinh tế và hỗ trợ việc lưu thông hàng hóa từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long ra các thị trường lớn.

Đầu năm 2024, Tập đoàn CT Group vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất thực hiện theo phương thức PPP.

Theo đề xuất, tổng vốn đầu tư của dự án này lên đến 9.98 tỷ USD. Để thực hiện dự án này, CT Group sẽ hợp tác với các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc để thành lập liên danh để nhận gói hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới.

Những đối tác Trung Quốc mà CT Group nhắc đến gồm: Công ty TNHH Tập đoàn thiết kế đường sắt Trung Quốc (CRECG), Tổng Công ty công trình quốc tế Tập đoàn xây dựng Điện lực Trung Quốc (Power China), Cục 2 Đường sắt Trung Quốc (China Railway No.2 Group), Công ty CP tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ