Tuyển dụng và sử dụng giáo viên: Tạo đất 'dụng võ' để thu hút nhân tài

GD&TĐ - Cần sớm rà soát sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, rào cản pháp lý trong thu hút nhân tài và phát triển KHCN.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC

Ngoài chính sách thu hút người giỏi, tài năng, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cũng như người lao động đều cho rằng, nội bộ đoàn kết, môi trường làm việc sáng tạo là điều kiện tiên quyết để họ có đất “dụng võ”, gắn bó lâu dài.

Cần cơ chế đồng bộ

“Cơ chế đánh giá, nhìn nhận với người tài năng phải khác so với người làm việc mang tính chất đơn thuần. Vì thế, bên cạnh cơ chế, chính sách đãi ngộ, cần có môi trường làm việc thoải mái, hạnh phúc để những tài năng có điều kiện phát triển nghề nghiệp. Lẽ tất nhiên, trong môi trường đó, người quản trị phải đặt niềm tin vào họ và có được sự tin tưởng của đồng nghiệp để họ yên tâm cống hiến” - GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Từng công tác tại trường cao đẳng công lập, nay là Giám đốc Công ty IGARTEN Egroup, ThS Lê Thị Thu Huyền cho rằng, khi nói đến câu chuyện thu hút nhân tài, cần nhìn nhận trên phương diện quản trị nhân sự và đầu tiên là tuyển dụng.

Ở câu chuyện này có hai chiều hướng: Người ta cần mình và mình cần người ta. Tiếp đó là, tạo điều kiện để họ được cống kiến, phát triển tài năng cũng như năng lực nghề nghiệp.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, đại biểu Quốc hội, hiện nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị đánh giá người lao động theo kết quả hàng tháng, quý hoặc 6 tháng, 1 năm.

Trong các môi trường công lập, chẳng hạn như cơ sở giáo dục đại học, bất kỳ ai, dù thuộc diện tài năng hay không, nếu được tuyển dụng vào làm giảng viên vẫn phải áp dụng theo Luật Công chức, viên chức và đánh giá viên chức hằng năm theo quy định.

Ví dụ: Làm giảng viên thì bắt buộc phải có 50% thời gian giảng dạy. Với quy định “cứng” này, những tài năng có thể cảm thấy gò bó, bởi nhiều người chỉ mong muốn được tham gia nghiên cứu khoa học.

Từ thực tế trên, GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, cần có cơ chế đồng bộ để thu hút những tài năng, trí thức trẻ. Đầu vào có chính sách đãi ngộ đặc thù để họ yên tâm công tác và cống hiến.

Với những người tài năng, điều chúng ta cần và mong muốn ở họ là cống hiến chất xám, trí tuệ chứ không phải bằng thao tác cụ thể. Vì thế, khi đánh giá không thể so sánh với việc chúng ta thuê một người thợ về làm. Có khi, sau 2 đến 3 năm họ mới có sản phẩm giá trị và tạo đột phá.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC

Tháo gỡ khó khăn, rào cản pháp lý

Cũng từng là giảng viên, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội cho rằng, chính sách thu hút nhân tài phải đủ mạnh. Chính sách đó phải tác động vào 2 yếu tố: Tạo ra môi trường làm việc tốt; trân trọng và khai thác hiệu quả các sản phẩm do nhân tài cống hiến.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi phân tích, môi trường làm việc gồm nhiều thứ, từ lương cho đến chế độ chính sách đãi ngộ, cơ sở vật chất… Những nhân tài thực sự thường là “kẻ sĩ”.

Vì thế, nếu mời họ về làm việc mà không tạo được môi trường tốt để họ có đất “dụng võ” sẽ khó giữ chân được, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ và giáo dục. Do đó, Đảng và Nhà nước cần có chính sách và chiến lược cụ thể hơn để thu hút và trọng dụng nhân tài.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại biểu Quốc hội cho rằng, để khoa học công nghệ (KHCN), giáo dục đào tạo phát triển theo đúng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, cả bên cung và cầu cần được quan tâm đầu tư nguồn lực, động lực và tạo điều kiện thích đáng.

Với góc nhìn từ một cơ sở đào đạo và nghiên cứu, GS.TS Nguyễn Thị Lan đề nghị, Chính phủ và Quốc hội rà soát hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm KHCN có chất lượng cao và tiềm năng thương mại hóa, từ đó tạo nên sự phong phú cho thị trường KHCN.

Cùng với đó, cần sớm rà soát sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, rào cản pháp lý trong thu hút nhân tài và phát triển KHCN.

GS.TS Nguyễn Thị Lan cũng đề nghị Chính phủ mạnh dạn thí điểm một số cơ chế đột phá cho các tổ chức KHCN như: Giao nhiệm vụ, đặt hàng nghiên cứu theo gói kinh phí, ít nhất 5 năm, để các cơ sở chủ động trong chiến lược nghiên cứu tạo sản phẩm có tiềm năng để thúc đẩy thị trường KHCN.

Theo Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngân sách Nhà nước dành cho KHCN của Việt Nam thấp so với các nước. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (năm 2019), chi ngân sách cho KHCN của Việt Nam khoảng 0,5% GDP. Trong khi Thái Lan chi gấp 2 lần (1,14% GDP), Trung Quốc gấp 5 lần (2,4% GDP), Đức, Hoa Kỳ gấp 6 ‐ 7 lần, và Hàn Quốc gấp gần 10 lần (4,8% GDP).

Do đó, Chính phủ cần rà soát quy hoạch các tổ chức KHCN, trường đại học và viện nghiên cứu để có chiến lược đầu tư có trọng tâm trọng điểm, đúng địa chỉ. Mặt khác, cần tăng đầu tư kinh phí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KHCN cho các viện nghiên cứu, trường đại học ‐ nơi có đội ngũ nhân sự đông đảo. Coi đây là nơi tạo ra tri thức nền tảng của xã hội, tầm vóc, thế đứng của đất nước trên trường quốc tế và tạo nên chân dung hình ảnh của một quốc gia, dân tộc. Đây chính là cái nôi cho sự sáng tạo, đổi mới công nghệ.

Sinh viên, học viên của Viện Đào tạo quốc tế (Học viện Tài chính) trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: NTCC
Sinh viên, học viên của Viện Đào tạo quốc tế (Học viện Tài chính) trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: NTCC

Tạo điều kiện và động lực để người tài được cống hiến

“Tôi cho rằng, mấu chốt của vấn đề vẫn là môi trường làm việc để những người tài năng có đất dụng võ, cảm thấy an toàn và hạnh phúc để có thể thăng hoa khi làm việc. Ở nhiều đơn vị công lập, chúng ta chưa làm được điều đó. Đấy là chưa kể đến những ràng buộc về cơ chế, chính sách và quy định có tính đặc thù của môi trường công lập. Điều này, vô hình trung, trở thành rào cản để chúng ta chiêu mộ nhân tài” - ThS Lê Thị Thu Huyền trao đổi.

Thảo luận tại nghị trường Quốc hội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đề cập tới vấn đề lãng phí trong việc thu hút và sử dụng nhân tài. Theo đại biểu, chúng ta đã có quan điểm rất đúng đắn của Đảng, chủ trương rất rõ và chính sách cũng hay.

Tuy nhiên, trên thực tế, người có năng lực khi được tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước thì khó khăn trong cơ hội phát huy, hoặc sẽ an phận để “ngồi xếp hàng” chờ cơ hội làm việc trái ngành. Đến một lúc nào đó, họ chán nản và sẽ rời bỏ vị trí.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, có sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận vị trí việc làm của người lao động. Trước đây, khu vực công hấp dẫn người lao động ở các tiêu chí như: Biên chế Nhà nước, công việc ổn định, lâu dài hoặc có lương hưu. Bây giờ, tiêu chí mà người lao động lựa chọn việc làm là: Lương bổng, môi trường làm việc v.v…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội viện dẫn, theo phân tích của Bộ Nội vụ, người nghỉ việc có độ tuổi từ 40 tuổi trở xuống chiếm 64,77%. Như vậy, trong bối cảnh số lượng tuyển đầu vào ngày càng ít đi và vấn đề thu nhập thấp lại càng khó có thể thu hút nguồn nhân lực trẻ.

Qua đó cho thấy, vấn đề già hóa lực lượng cán bộ, công chức, viên chức trong khu vực công là điều chúng ta phải tính. Có thể trong 5 năm, 10 năm tới sẽ có độ hẫng về lực lượng kế cận.

Bên cạnh đó, yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để khắc phục tồn tại bộ máy hành chính cồng kềnh, hoạt động chưa thực sự hiệu quả là chủ trương đúng. Chỉ tiêu tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và 10% viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong 5 năm tới cần phải được làm khẩn trương. Song, làm thế nào cho khoa học cũng là vấn đề cần cân nhắc.

Từ phân tích trên, bà Mai Hoa đề nghị, cần đưa vào Nghị quyết của Quốc hội nội dung liên quan tới quản lý, sử dụng nguồn nhân lực nói chung. Trong đó, đặc biệt là các chính sách thu hút, sử dụng nhân tài trong bộ máy Nhà nước theo đúng tinh thần: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia.

Trong đó, cần lưu tâm đến 2 vấn đề: Tạo môi trường và những cơ chế để tôn vinh, sử dụng đúng người tài. Và trong quá trình cải cách tiền lương, cần tính tới nguồn lực để có thể tiếp tục bồi dưỡng, tạo điều kiện và động lực cho người tài được cống hiến.

Để người tài có điều kiện cống hiến, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy ‐ Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, cần tăng cường chỉ đạo thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, nhất là trí thức trẻ tài năng. Tiếp tục xây dựng và thực hiện cơ chế tạo điều kiện để trí thức phát triển. Đồng thời, thực hiện đúng và đầy đủ chủ trương phân cấp và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Mặt khác, rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc các cơ chế, chính sách. Tăng cường đầu tư cho cả đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Cùng với đó, thực hiện tốt việc đưa cán bộ, giảng viên, giáo viên và học sinh, sinh viên đi đào tạo ở nước ngoài.

Tiếp tục tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng viên chức, giáo viên nguồn tham gia dự tuyển các chương trình học bổng do Bộ GD&ĐT quản lý. Ngoài ra, hướng dẫn, công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho ứng viên hoàn thiện hồ sơ dự tuyển. Phối hợp thu hồi chi phí đào tạo đối với viên chức, giảng viên được cử đi học nhưng không hoàn thành khóa học hoặc vi phạm quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ