Tuyển dụng và sử dụng giáo viên: Tạo điều kiện cho nhà giáo cống hiến

GD&TĐ - Công tác điều động, phân công giáo viên giữa vùng thuận lợi và khó khăn nhằm tạo sự công bằng, không để một giáo viên ở vùng khó quá lâu.

Cô và trò Trường Tiểu học xã Đồng Thắng (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) trong một tiết học. Ảnh: Ngô Chuyên
Cô và trò Trường Tiểu học xã Đồng Thắng (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) trong một tiết học. Ảnh: Ngô Chuyên

Thực hiện mục tiêu nơi nào có học sinh nơi ấy có giáo viên, nhiều địa phương vẫn duy trì chính sách điều động, biệt phái giáo viên từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn và ngược lại. Chính sách này tạo điều kiện để thầy cô rèn luyện bản lĩnh, luôn an tâm công tác, cống hiến dù ở bất kỳ môi trường giảng dạy nào, đặc biệt với giáo viên trẻ.

Niềm vui ngày trở về

Cô Trần Thị Hạnh - giáo viên Trường Tiểu học Phiêng Bang 1 (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) dù đã nghỉ hưu nhưng luôn giữ trong mình kỷ niệm đẹp về giáo dục vùng khó. “Tôi có 14 năm công tác tại các trường khó khăn. Lúc mới vào nhận công tác, tôi và nhiều đồng nghiệp từng lấy làm nản lòng bởi trường học không có điện, đường sá đi lại khó khăn; dụng cụ, học liệu giảng dạy hạn chế, thầy cô phải tự nghiên cứu, sáng tạo để giảng dạy”, cô Hạnh kể.

Thời gian đầu, cô Hạnh tưởng như không thể vượt qua vất vả, nhưng mỗi ngày lên lớp, nhìn thấy nụ cười, tiếng nói của học sinh, trong lòng cô lại có thêm động lực bám trường, bám lớp. Sau 5 năm công tác tại trường vùng khó, cô Hạnh xin chuyển về gần nhà để tiện chăm sóc gia đình, dạy dỗ con cái. Tuy nhiên, thời điểm đó, trường thiếu giáo viên nên cô Hạnh tiếp tục ở lại với học sinh của mình.

“Điều khiến tôi tiếp tục gắn bó thêm 9 năm với trường vùng khó chính là lương tâm của người thầy. Khi tôi chia sẻ những khó khăn của học sinh nơi mình đang giảng dạy, gia đình đặc biệt là chồng, con đã động viên tôi ở lại cùng đồng hành với học trò. Chính sự động viên đó đã giúp tôi có thêm động lực xa gia đình, an tâm công tác”, cô Hạnh chia sẻ.

Sau 14 năm công tác tại vùng khó, cô Hạnh hiểu hơn ai hết những khó khăn vất vả của thầy và trò. Do vậy, khi chuyển về Trường Tiểu học Phiêng Bang 1 công tác, cô luôn nói với học sinh rằng các em may mắn hơn bạn bè ở vùng sâu, khi có trường lớp khang trang, cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ để học. Trong khi đó, các bạn ở trường vùng sâu khó khăn, thiếu thốn đủ bề vẫn chăm lo học hành và đạt được thành tích tốt trong các cuộc thi học sinh giỏi hay cuối kỳ.

Cô Hạnh cho biết thêm, ngày mới về nhận công tác tại Trường Tiểu học Phiêng Bang 1, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, soạn giáo án của cô rất hạn chế.

Để khắc phục điều này, các đồng nghiệp đã hỗ trợ, tạo điều kiện cũng như hướng dẫn cô sử dụng các phần mềm. “Đó cũng là lợi thế mà việc điều động, phân công giáo viên từ vùng khó ra vùng thuận lợi nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nghiệp vụ để phục vụ giảng dạy. Minh bạch trong điều động, phân công giáo viên sẽ tạo sự công bằng, giúp thầy cô an tâm công tác. Đặc biệt, quy định rõ ràng về thời gian, chế độ đãi ngộ tốt, được ghi nhận những cống hiến, giáo viên sẽ cống hiến hết sức mình cho công việc" - cô Hạnh chia sẻ.

Cô và trò Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Phình Hồ (Yên Bái). Ảnh: Hải Nam

Cô và trò Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Phình Hồ (Yên Bái). Ảnh: Hải Nam

Cống hiến cho giáo dục

Thầy Nguyễn Văn Tám - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Sơn (Bắc Giang) chia sẻ: “Công tác điều động, phân công giáo viên từ vùng khó khăn về thuận lợi được các cấp, ngành Giáo dục ở Bắc Giang quan tâm.

Đơn cử tại Trường Tiểu học Ninh Sơn, ngoài trường chính có một điểm trường khá xa, đường sá đi lại khó khăn. Tại điểm trường có 4 giáo viên. Vì vậy khi phân công, điều động đội ngũ vào điểm trường giảng dạy, ngoài ưu tiên lựa chọn những giáo viên nhà gần, chúng tôi cũng căn cứ vào nhu cầu, nguyện vọng của các thầy cô.

Đặc biệt, chúng tôi không để bất kỳ giáo viên nào phải dạy ở điểm trường quá lâu. Đối với giáo viên dạy ở điểm trường, ban giám hiệu đặc biệt quan tâm, sát sao để thầy cô an tâm công tác”.

Điều động, phân công giáo viên từ vùng khó ra vùng thuận lợi và ngược lại giúp giáo viên được rèn luyện chuyên môn, cống hiến ở nhiều môi trường. Theo đó, các thầy cô được tiếp xúc với nhiều đối tượng, từ đó trau dồi thêm cho mình phương pháp dạy học, mở mang kiến thức và phát huy năng lực, nâng cao chất lượng dạy học.

Chia sẻ quan điểm về điều động giáo viên, bà Ninh Thu Giang – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) đồng thời cho hay: Các chính sách hiện nay không chỉ phù hợp, sát, đúng với điều kiện thực tế mà còn giải quyết tình trạng thừa ‐ thiếu giáo viên giữa các khu vực, vùng miền; bảo đảm đời sống cho đội ngũ nhà giáo; làm “bệ đỡ” để họ yên tâm công tác, cống hiến cho giáo dục vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

“Đặc biệt, việc điều động, phân công giáo viên sẽ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành Giáo dục nhất là trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018”, bà Giang nhấn mạnh.

Còn theo chia sẻ của ông Hoàng Quốc Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn, công tác điều động, phân công giáo viên giữa vùng thuận lợi và khó khăn nhằm tạo sự công bằng, không để một giáo viên ở vùng khó quá lâu.

Hiệu quả của công tác này chính là chia sẻ kinh nghiệm dạy học, quản lý giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giảm bớt chênh lệch về chất lượng giữa các vùng. Bên cạnh đó, công tác này cũng giúp cho giáo viên ở vùng khó yên tâm công tác, cống hiến.

Tại Lạng Sơn, hầu hết các huyện, thành phố đều ban hành Quy chế điều động, phân công giáo viên giữa các vùng nhằm cân đối biên chế. Quy chế có các quy định cụ thể về thời gian, điều kiện điều động khi phân công do đó các giáo viên trẻ, có năng lực yên tâm dự tuyển vào các vị trí và an tâm công tác ở bất kỳ môi trường nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ