Tuyển dụng và sử dụng giáo viên: Cần giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ trong công tác tuyển dụng và sử dụng viên chức ngành Giáo dục.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Từ câu chuyện thừa - thiếu giáo viên ở một số địa phương, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ trong công tác tuyển dụng và sử dụng viên chức ngành Giáo dục. Đặc biệt, cần cân nhắc việc giảm 10% biên chế đối với ngành này.

* Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang):

Cân nhắc giảm 10% biên chế/năm đối với ngành Giáo dục

“Với tinh thần ở đâu có học sinh, ở đó có lớp học và phải có đủ giáo viên để dạy học, tôi đề nghị cân nhắc thêm việc giảm 10% biên chế trong lĩnh vực này. Không nên thực hiện giảm biên chế một cách cứng nhắc đối với ngành Giáo dục như một số ngành khác”, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương nhấn mạnh.

Trên cơ sở tâm tư của cử tri và nhận thấy nhiều khó khăn của ngành Giáo dục, tôi đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần quan tâm, sớm có giải pháp tháo gỡ. Đặc biệt, xem xét việc tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục sao cho phù hợp hơn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 năm qua, học sinh cả nước tăng 4 triệu, tương đương với 22,51%. Nếu tính riêng bậc phổ thông, học sinh tăng hơn 21%, trong khi đó giáo viên giảm 4,05%.

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, cả nước còn thiếu khoảng 95.000 giáo viên các cấp, đồng thời thừa giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương, cấp học.

Bộ GD&ĐT đã có nhiều nỗ lực khắc phục tình trạng này nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Cùng với các lĩnh vực khác, ngành Giáo dục cũng thực hiện lộ trình giảm 10% biên chế mỗi năm.

Tuy nhiên, đối với ngành Giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông đều có tính chất đặc thù nhất định. Tại Thông tư 16/2017/TT‐BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ GD&ĐT về “Hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập”, nêu rõ định mức giáo viên đối với từng cấp học.

Chính vì vậy, tôi cho rằng, việc thực hiện giảm 10% biên chế viên chức hằng năm đối với hệ thống giáo dục phổ thông, vô hình trung gây ra tình trạng bất hợp lý và khó khăn cho ngành. Tôi kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo việc đảm bảo lực lượng lao động trong ngành Giáo dục theo định mức quy định.

* Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình):

Sẽ giám sát việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên ở địa phương

Hiện nhiều địa phương còn thiếu giáo viên; nhất là ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó thiếu nhiều nhất là giáo viên ở một số bộ môn như: Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc và một số môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mặc dù thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều nơi nhưng chỉ tiêu biên chế vẫn còn hạn chế.

Được biết, sau khi Bộ Chính trị có quyết định bổ sung gần 66.000 giáo viên cho giai đoạn 2022 – 2026. Trong đó, năm học 2022 – 2023 là hơn 27.800 giáo viên mầm non, phổ thông thì Chính phủ đã có kế hoạch phân bổ chỉ tiêu biên chế giáo viên về các tỉnh, thành phố. Theo đó, nhiều địa phương đã tích cực triển khai và có kế hoạch tuyển dụng giáo viên theo nhu cầu. Song việc này còn gặp nhiều khó khăn do một số bộ môn còn thiếu nguồn tuyển.

Thiết nghĩ, nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên vùng khó, sẽ rất khó để tuyển đủ về số lượng và chất lượng như chúng ta mong muốn. Tôi sẽ theo dõi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri về việc này để có ý kiến kịp thời với cấp có thẩm quyền ở địa phương và Trung ương.

* Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị):

Rà soát lại quy định phân cấp, phân quyền quản lý giáo viên

Trước tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung gần 66.000 giáo viên cho giai đoạn 2022 – 2026. Riêng năm học 2022 - 2023 là hơn 27.800 giáo viên mầm non, phổ thông.

Đây là tin vui cho ngành Giáo dục, nhất là trong bối cảnh toàn ngành triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình trạng thiếu giáo viên vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Thậm chí, có nơi thiếu đến hàng nghìn giáo viên.

Thiết nghĩ, tình trạng này cần được giải quyết dứt điểm bằng những phương án, giải pháp mang tính căn cơ, dài hơi. Trong đó, cần bố trí, sắp xếp lại giáo viên đứng lớp. Đồng thời, rà soát lại quy định phân cấp, phân quyền quản lý giáo viên. Nếu cần có thể điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn.

Hội đồng nhân dân các cấp cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách về phát triển giáo dục và đào tạo; trong đó có vấn đề thừa, thiếu giáo viên ở địa phương. Trên cơ sở đó, có ý kiến đề xuất với cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên.

Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát, sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp để giảm điểm trường, số trường. Tập trung đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa giáo dục, nhất là giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Nếu được, tôi rất mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển giáo dục và đào tạo; trong đó có các nội dung mà tôi đề cập ở trên.

* Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình):

Ưu tiên biên chế nhà giáo

Tôi cho rằng, cần có giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Ưu tiên biên chế nhà giáo, đặc biệt là quan tâm đến chính sách đào tạo đội ngũ, bồi dưỡng việc dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là với những môn học đang dạy theo phương pháp tích hợp. Chúng ta biết rằng, nhà giáo có vai trò quan trọng đối với sự thành bại của đổi mới giáo dục. Vì vậy, cần có chính sách quan tâm đến đội ngũ này.

Ngoài ra, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội để thực hiện và lồng ghép vào chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình. Đặc biệt, cần tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa với học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

* Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình):

Cần có chính sách đặc thù

Những năm gần đây, số học sinh mầm non, tiểu học tăng mạnh dẫn đến thiếu lớp và thiếu giáo viên. Do đó, một số địa phương gặp nhiều áp lực trong việc bố trí, sắp xếp đội ngũ.

Tôi đề nghị, cần đánh giá, bổ sung một số hạn chế này vào báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế ‐ xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế ‐ xã hội năm 2023 của Chính phủ.

Theo đó, báo cáo cần nêu là, chưa có quy định hướng dẫn kịp thời, đồng bộ, phù hợp với việc xác định vị trí việc làm. Điều này dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện chính sách thu hút đối với cán bộ, viên chức, nhất là với giáo dục vùng khó. Các chính sách thu hút chưa cao nên chưa khuyến khích được cán bộ phát huy hết năng lực, tâm huyết với công việc.

Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong lĩnh vực giáo dục ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất lao động. Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, cụ thể để giải quyết những bất cập, tồn tại nêu trên, nhất là việc giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Đồng thời có cơ chế, chính sách đặc thù về chế độ tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ cho cán bộ trong lĩnh vực này.

* Đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn):

Không nên giảm cơ học về số lượng

Trong giai đoạn qua, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế đã và đang triển khai theo tinh thần của các Nghị quyết của Đảng như: Nghị quyết số 18, 19, 39 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đã đạt được những kết quả tích cực.

Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, đây là một trong những thành tựu, kết quả nổi bật nhất trong giai đoạn vừa qua. Cụ thể là, tính đến cuối năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%, viên chức giảm 11,12% so với năm 2015 và vượt mục tiêu các Nghị quyết của Đảng đề ra.

Tuy nhiên, từ tình hình thực tiễn của địa phương cho thấy, công tác này vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định như: Việc tinh giản biên chế chủ yếu giảm cơ học về số lượng. Tinh giản chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức; trong đó có lĩnh vực giáo dục, mà đối tượng chịu tác động chính là đội ngũ giáo viên.

Tôi kiến nghị, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, sớm triển khai hướng dẫn sơ kết việc thực hiện thí điểm theo Kết luận số 34/2018 của Bộ Chính trị để làm căn cứ đề xuất. Đồng thời, từng bước nhân rộng đối với những mô hình phù hợp, hiệu quả.

Cùng với đó, sớm ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu thuộc ngành, lĩnh vực. Từ đó, có cơ sở rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 120/2020 của Chính phủ.

Mặt khác, xem xét nghiên cứu, điều chỉnh lộ trình, phương án cắt giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 ‐ 2030 một cách phù hợp, linh hoạt và hiệu quả hơn. Trong đó, cần gắn với tình hình thực tiễn của địa phương trong từng năm, đảm bảo mục tiêu là đủ số lượng người làm việc và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đặc biệt, đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo, cần gắn với định mức, số lượng giáo viên ở mỗi cấp học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ