Tuyển dụng và sử dụng giáo viên: Siết đầu vào để tạo động lực

GD&TĐ - Xây dựng, phát triển đội ngũ là rất quan trọng cho chiến lược phát triển GD&ĐT, đặc biệt ở bối cảnh toàn ngành thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Một tiết học sôi nổi của cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: NTCC
Một tiết học sôi nổi của cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Việc đổi mới đúng hướng công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ là giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ và tạo động lực để thầy cô gắn bó lâu dài với nghề.

Nâng cao chất lượng tuyển dụng

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên ‐ Huế, cho biết: Mới đây, Sở GD&ĐT Thừa Thiên ‐ Huế đã công bố danh sách 64 giáo viên (GV) trúng tuyển trong cuộc thi tuyển GV ở các trường trực thuộc Sở. Những người trúng tuyển đợt này được lựa chọn trên 376 hồ sơ đăng ký theo hình thức xét tuyển với 2 vòng thi.

Trong đó, vòng 1 là kiểm tra điều kiện xét tuyển với yêu cầu GV dự thi phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm, hoặc tốt nghiệp đại học trở lên theo chuyên ngành sư phạm phù hợp với yêu cầu cụ thể. Vòng 2 thi nghiệp vụ chuyên ngành nhằm kiểm tra kiến thức, kỹ năng người dự tuyển theo vị trí việc làm cần tuyển.

GV trúng tuyển phải đạt trên 50 điểm sau 2 vòng và được lấy từ cao xuống thấp trong chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm. Những người trúng tuyển sẽ được Sở GD&ĐT bố trí công tác tại các trường THCS và THPT trực thuộc.

“Đợt tuyển này có cả một số GV môn mới như Âm nhạc, Mĩ thuật. Chỉ tiêu tuyển dụng là 73, so với 64 người trúng tuyển thì vẫn thiếu 9, nhưng quan điểm của chúng tôi là không tuyển đủ bằng mọi giá mà ưu tiên chất lượng, để cơ hội sang năm cho ứng viên xứng đáng.

Bên cạnh đó, điểm đặc biệt ở kỳ thi tuyển này là những người đăng ký nguyện vọng nơi công tác nếu số lượng trúng tuyển nhiều hơn nguyện vọng sẽ được xét theo điểm số. Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng linh động tạo điều kiện cho GV có thể trao đổi nguyện vọng với nhau ngay sau khi công bố trúng tuyển.

Nhờ cách làm công khai, minh bạch, tất cả những người trúng tuyển đều có kết quả học tập từ khá, giỏi trở lên. Việc tổ chức thi tuyển theo hình thức này là giải pháp để nâng cao chất lượng và tạo động lực để GV gắn bó lâu dài với nghề”, ông Nguyễn Tân chia sẻ.

Tại Bến Tre, thông tin từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Bé Hai cho biết, trong năm học 2021 ‐ 2022, ngành GD&ĐT tỉnh đã thực hiện tuyển dụng mới 689 viên chức (trong đó 24 viên chức tại các đơn vị trực thuộc Sở và 565 viên chức tại các đơn vị trực thuộc phòng GD&ĐT).

Địa phương cũng thực hiện chuyển vị trí công tác từ nơi thừa sang nơi thiếu cho 77 người (33 GV THPT, 8 GV THCS, 23 GV tiểu học và 13 GV mầm non). Năm 2022, biên chế viên chức ngành Giáo dục tại Bến Tre được giao là 13.406 (các phòng GD&ĐT huyện, thành phố) và 2.025 biên chế các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT.

Khẳng định công tác phát triển đội ngũ được tập trung tăng cường là yếu tố quan trọng giúp chất lượng giáo dục Bến Tre ổn định và từng bước nâng lên, tuy nhiên ông Võ Văn Bé Hai cũng thẳng thắn chia sẻ những vấn đề còn khó khăn, tồn tại về đội ngũ nhà giáo trên địa bàn. Theo đó, cơ cấu đội ngũ vẫn vừa thừa, vừa thiếu.

Một số GV lớn tuổi chưa đáp ứng nhu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy. Cơ cấu phân bố không đồng đều giữa các cơ sở giáo dục, giữa các bộ môn trong một cơ sở giáo dục. Biên chế được giao cho ngành bị cắt giảm từng năm và không đủ theo định mức quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT‐BGDĐT‐BNV và Thông tư số 16/2017/TT‐BGDĐT.

Năm 2021, toàn ngành được giao 15.644 biên chế, thiếu so với định mức là 830. Trong khi đó, công tác xã hội hóa ngành GD&ĐT còn nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến việc bố trí, phân công GV trong các cơ sở giáo dục, nhất là bậc mầm non.

Trước những khó khăn trên, ngành Giáo dục Bến Tre đã có nhiều giải pháp để khắc phục. “Trong đó, ngành thực hiện tuyển dụng đảm bảo theo quy trình, khách quan, không có hiện tượng tiêu cực; đảm bảo tuyển người có năng lực thật sự. Việc bố trí, sử dụng đội ngũ GV thực hiện đúng theo quy định.

Cụ thể, phân bổ biên chế theo nhu cầu thực tế của địa phương, bố trí GV giảng dạy đúng theo trình độ chuyên môn đào tạo; tăng cường bố trí, điều động từ nơi thừa sang nơi thiếu; điều động về các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn; tăng cường đưa GV môn tiếng Anh, Tin học vào giảng dạy bậc tiểu học.

Hiện tại, các trường tiểu học đều có GV môn tiếng Anh, Tin học. Ngành đã bố trí đội ngũ GV tiếng Anh, Tin học giảng dạy Chương trình GDPT năm 2018 ở bậc tiểu học và đội ngũ GV các môn này cơ bản đáp ứng đủ khi ngành thực hiện thay sách Chương trình lớp 3 năm học 2022 ‐ 2023.

Sở GD&ĐT cũng đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch số 1206/KH‐UBND về xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2020 ‐ 2025.

Phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), Trường Đại học Cần Thơ và Học viện Quản lý Giáo dục bồi dưỡng cho GV, cán bộ quản lý các cấp để thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 và chương trình bồi dưỡng thường xuyên giai đoạn 2021 ‐ 2025.

Quan tâm tạo điều kiện để đội ngũ nhà giáo nâng cao trình độ trên chuẩn. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý...

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trà - Trường THCS Trương Công Giai (Cầu Giấy, Hà Nội) trao đổi với học trò trong một tiết học. Ảnh: NTCC

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trà - Trường THCS Trương Công Giai (Cầu Giấy, Hà Nội) trao đổi với học trò trong một tiết học. Ảnh: NTCC

Trong thời gian tới, GD&ĐT Bến Tre tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời tập trung khắc phục những hạn chế để công tác xây dựng và phát triển đội ngũ ngày càng hoàn thiện hơn.

Tiếp tục thực hiện Kế hoạch 1206/KH‐UBND của UBND tỉnh về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 ‐ 2025. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, GV về vai trò, vị trí, trách nhiệm của nhà giáo và nhiệm vụ xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện GD&ĐT”, ông Võ Văn Bé Hai chia sẻ.

Những bài học quan trọng

Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong việc chuẩn bị, bố trí, sắp xếp đội ngũ, trong đó phải kể đến công tác phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, đề xuất Chính phủ bổ sung số biên chế GV còn thiếu. Theo đó, Chính phủ đã bổ sung 20.300 biên chế GV mầm non năm 2020 và vừa qua bổ sung thêm 65.980 biên chế ngành Giáo dục cho giai đoạn 2022 - 2026. Bên cạnh việc chuẩn bị đội ngũ về số lượng, Bộ GD&ĐT cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 732/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”.

Chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong phát triển đội ngũ đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 từ thực tiễn tại Bến Tre, ông Võ Văn Bé Hai nhấn mạnh đầu tiên đến việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác GD&ĐT, đặc biệt trong công tác phát triển đội ngũ; phối hợp chặt chẽ các cơ quan hữu quan trong mọi hoạt động của ngành.

Cùng với đó, thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách cho đội ngũ; cần có những chính sách đãi ngộ, hỗ trợ cho GV bậc học mầm non. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong giáo dục, huy động các nguồn lực để phát triển đội ngũ.

Thực hiện việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng GV đảm bảo đúng quy định, có hiệu quả; quản lý tốt đội ngũ. Cuối cùng, không ngừng đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ về tư tưởng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo.

Chia sẻ giải pháp tuyển dụng, sử dụng đội ngũ GV đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 tại Phú Thọ, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Trước hết, cần thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ. Trên cơ sở đó, đề xuất UBND tỉnh chủ trương tuyển dụng bổ sung GV còn thiếu trong chỉ tiêu biên chế được giao.

“Trong 2 năm 2020, 2021, tỉnh Phú Thọ đã tuyển dụng bổ sung 911 viên chức giáo dục, trong đó tuyển GV 856 người, nhân viên 55 người. Hiện tại, Ngành tiếp tục đề xuất chủ trương tuyển dụng bổ sung 432 chỉ tiêu viên chức giáo dục trong chỉ tiêu giao 2022”, ông Phùng Quốc Lập cho hay.

Giải pháp tiếp theo của ngành Giáo dục Phú Thọ là xác định chỉ tiêu tuyển dụng được tính toán trên cơ sở rà soát kỹ lưỡng số lượng, cơ cấu GV hiện có, dự kiến phương án tổ chức dạy học, nhất là việc sắp xếp tổ hợp môn học lựa chọn để xác định nhu cầu sử dụng GV ở từng cơ sở giáo dục. Từ đó tuyển dụng đúng, đủ số lượng, cơ cấu, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các cơ sở giáo dục.

Bố trí, sử dụng có hiệu quả đội ngũ hiện có. Chỉ đạo làm tốt công tác rà soát, xây dựng kế hoạch nhà trường. Trong đó, căn cứ thực trạng đội ngũ và khả năng đáp ứng của trường để xây dựng phương án tổ chức dạy học, nhất là việc xác định số lượng, cơ cấu tổ hợp môn học lựa chọn nhằm bố trí sử dụng hợp lý đội ngũ.

Thực hiện có hiệu quả công tác điều động có thời hạn, biệt phái, tăng cường GV (thời hạn 1‐2 năm hoặc ngắn hạn) giữa các cơ sở giáo dục và giữa các địa bàn trong huyện, trong tỉnh. Qua đó, khắc phục được tình trạng thừa/thiếu cục bộ GV ở một số môn, một số đơn vị. Thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nâng chuẩn GV theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ‐CP kết hợp đào tạo văn bằng 2 đối với GV chưa đạt chuẩn.

“Với Phú Thọ, trước mắt tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ ngân sách của tỉnh để các huyện, thành, thị và các cơ sở giáo dục mầm non hợp đồng GV, đảm bảo đáp ứng yêu cầu tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ. Riêng trẻ mầm non 5 tuổi đảm bảo đủ GV trong biên chế.

Đồng thời, ưu tiên chỉ tiêu số lượng người làm việc là GV, nhân viên chưa sử dụng ở bậc mầm non để tuyển bổ sung GV còn thiếu ở bậc tiểu học. Phú Thọ cũng thực hiện phân công, bố trí GV dạy một số trường gần nhau trên cùng một địa bàn, nhất là những môn ít giờ, môn đặc thù như Âm nhạc, Mĩ thuật, Tiếng Anh, Tin học…

Để đảm bảo nguồn GV cho những năm tiếp theo, tỉnh Phú Thọ đã làm tốt công tác rà soát, xác định nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở đăng ký tuyển sinh, đào tạo GV giai đoạn 2022 ‐ 2025 theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ‐CP.

Tiếp tục rà soát, xác định nhu cầu sử dụng GV tin học bậc tiểu học, rà soát thực trạng đội ngũ để cử GV tham gia Chương trình bồi dưỡng GV Tin học dạy môn Tin học và Công nghệ ở Tiểu học theo Quyết định 2453/ QĐ‐BGDĐT ngày 21/7/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT”, ông Phùng Quốc Lập thông tin.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế trao quyết định cho các GV trúng tuyển. Ảnh: NTCC

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế trao quyết định cho các GV trúng tuyển. Ảnh: NTCC

Có học sinh phải có giáo viên

Trong điều kiện hiện nay, đội ngũ GV còn thiếu nhiều so với định mức quy định của Bộ GD&ĐT. Chia sẻ đề xuất của Sở GD&ĐT Phú Thọ, ông Phùng Quốc Lập đề nghị Trung ương xem xét, không thực hiện tinh giản biên chế GV các cấp học. Đồng thời tiếp tục có lộ trình giao bổ sung chỉ tiêu đảm bảo định mức theo quy định theo đúng tinh thần “có học sinh phải có giáo viên”.

Đối với những tỉnh khó khăn, chưa cân đối được ngân sách, đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp các bộ, ngành liên quan kịp thời bố trí bổ sung kinh phí thực hiện hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ‐CP.

Còn tại Bến Tre, Sở GD&ĐT kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành các thông tư để thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT‐BGDĐT‐BNV ngày 16/3/2015 và Thông tư số 16/2017/TT‐BGDĐT ngày 12/7/2017 Quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, việc huy động các nguồn lực xã hội hóa sự nghiệp GD&ĐT còn hạn chế; cần ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để giúp địa phương thực hiện tốt việc tinh giản biên chế, nhưng vẫn đảm bảo số lượng người làm việc theo quy định trong các cơ sở giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ