Tranh chấp phức tạp, lùm xùm
Ngày 14/3, Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ kiện giữa đạo diễn Việt Tú và Công ty Tuần Châu Hà Nội (TCHN) xung quanh việc tranh chấp quyền tác giả vở diễn thực cảnh “Ngày xưa” (hay còn gọi là “Thuở ấy xứ Đoài”). Tại phiên tòa này, nguyên đơn là TCHN và bị đơn là Công ty Cổ phần Đầu tư tổng hợp truyền thông DS (DS) do đạo diễn Nguyễn Việt Tú là giám đốc.
Trước đó, vào tháng 6/2017, vở diễn “Thuở ấy xứ Đoài” ra mắt, sau 10 buổi diễn thì bất ngờ bị chủ đầu tư TCHN hủy bỏ việc trình diễn.
Tháng 10/2017, Tinh hoa Bắc Bộ được TCHN cho ra mắt trên nền tảng ý tưởng, thiết kế đúng địa điểm trước đó đã diễn ra vở “Thuở ấy xứ Đoài”. “Tinh hoa Bắc Bộ” - vở diễn có liên quan đến vụ kiện, nhận kỷ lục Guinness show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam và show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam. Đại diện chủ đầu tư TCHN lý giải việc thay đổi cam kết là do vở diễn thực cảnh “Thuở ấy xứ Đoài” do Việt Tú dàn dựng “không chạm đến trái tim người xem” và khởi kiện đạo diễn Việt Tú, đòi bồi thường hơn 6 tỷ đồng.
Giới sân khấu và dư luận xôn xao trước sự việc “kiện trong kiện” của những tên tuổi nghệ sĩ gắn với vở diễn quy mô, giàu sức sáng tạo và những lùm xùm trước sau …
Đạo diễn Việt Tú chia sẻ: “Đây là một thắng lợi không chỉ cho riêng tôi, mà cho tất cả các nghệ sĩ. Điều may mắn mà vụ kiện đem lại là nhiều thành phần trong xã hội và cả những người làm việc trong hệ thống hành pháp, tư pháp cũng đã nhận thấy vai trò quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ, hiểu được giá trị của sự sáng tạo trong nền công nghiệp giải trí. Những giá trị sáng tạo của người nghệ sĩ có quyền được tôn trọng”.
DS đăng ký quyền tác giả đối với Việt Tú là đúng quy định nhưng việc doanh nghiệp này đứng tên sở hữu kịch bản là sai. Do đó, tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của TCHN buộc phía Việt Tú chuyển giao quyền sở hữu kịch bản vở diễn “Ngày xưa”, nhưng không chấp nhận yêu cầu bồi thường hơn 6 tỷ đồng phía đạo diễn Việt Tú phải trả cho TCHN và 7,2 tỷ đồng TCHN phải trả cho DS do thiếu căn cứ nhưng yêu cầu TCHN chi trả 660 triệu đồng là tiền lãi cho các khoản chậm thanh toán và 10% doanh thu bán vé như cam kết cho đạo diễn Việt Tú. Đạo diễn Việt Tú phải chuyển giao quyền sở hữu “Ngày xưa” cho TCHN.
Hội đồng xét xử cũng chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của DS. Trong tranh tụng, DS đã dẫn giải các tài liệu, chứng cứ, được tòa xác định “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của vở ‘Ngày xưa”.
|
Truyền cảm hứng bảo vệ tác quyền
Theo dự đoán của các luật sư, trong thời gian tới các vụ kiện dân sự về tác quyền sẽ gia tăng. Lý do là thời gian trước đây những vụ việc về bản quyền ít đi đến đầu đến cuối. Các chủ thể bị xâm phạm tác quyền thường có tâm lý ngại theo đuổi kiện cáo, tranh tụng trước tòa bởi quá tốn kém thời gian, công sức. Nạn nhân bị xâm phạm bản quyền chấp nhận bỏ cuộc hoặc thất vọng buông xuôi.
Tiêu biểu là vụ việc cách đây dăm năm khi họa sĩ Thành Chương phát hiện bức tranh của mình trở thành tranh của họa sĩ Tân Tỵ tại một triển lãm ở TPHCM. Dù có cả hội đồng do các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, thẩm định với tang chứng vật chứng rành rành và lôi ra được cả đường dây làm tranh giả quốc tế; truyền thông trong nước và quốc tế xôn xao nhưng cuối cùng vụ việc cũng chìm xuồng bởi sự “đánh trống bỏ dùi”, né tránh trách nhiệm của các cơ quan quản lý.
Nhắc lại câu chuyện đó, họa sĩ Thành Chương chán nản: Theo đuổi kiện tụng là một việc quá gian nan với những người làm nghệ thuật. Pháp luật cho phép quyền khởi kiện và bên này kiện lại bên kia nhưng chính những quy định chưa rõ ràng, chưa chặt chẽ của luật và sự thiếu hiểu biết của cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ khiến cho việc kiện tụng trở nên phức tạp.
Theo họa sĩ Thành Chương, sau phiên tòa cả đạo diễn Việt Tú và TCHN đều đạt được những yêu cầu của mình là điều đáng mừng. Một vụ tranh chấp mà bên nào cũng là người “thắng kiện” thì quả là “thành công bất ngờ”.
Luật sư Trần Đình Thắng - Giám đốc Công ty Luật KOCI, Đoàn luật sư Hà Nội - cho rằng: “Những vấn đề thực tế của các vụ kiện liên quan đến các lĩnh vực sân khấu điện ảnh, thiết kế thời trang, in ấn xuất bản, âm nhạc… đang đòi hỏi cơ quan làm luật phải rà soát lại khung pháp lý và cơ quan xét xử phải nâng cao năng lực chuyên môn. Hiểu biết và nắm chắc các chế định của Luật Bản quyền tác giả để bảo vệ quyền lợi và xử lý vi phạm bản quyền một cách đúng đắn là rất phức tạp, đòi hỏi cả năng lực thẩm định và sự công tâm”.