Đi ô tô từ khu Tam giác Vàng đến làng cổ dài Karen khoảng 1,5 giờ đồng hồ. Người cổ dài Karen có nguồn gốc từ Myanmar, khác với người Kayan – cũng có nguồn gốc từ Myanmar và một bộ phận di cư sang Thái Lan.
Phong tục của người cổ dài Karen rất lạ: Tôn vinh phụ nữ. Con gái từ 6 tuổi bắt đầu đeo vòng xoắn uốn quanh cổ. Khối lượng trung bình của vòng xoắn là 2,5 kg. Ngoài đeo vòng ở cổ, họ còn đeo ở chân – ngay dưới đầu gối và ở cổ chân.
Làng người cổ dài Karen đón khách du lịch hiện nay không phải là “làng gốc”. Làng “xịn” nằm ở tỉnh Mae Hong Son cách Chiang Rai 6 tiếng, đường đi hiểm trở.
Chính phủ Thái Lan đã xây dựng làng du lịch người cổ dài Karen để du khách đến tham quan trong một thung lũng rất đẹp, đường đi thuận tiện, ô tô vào tận cổng làng.
Theo hướng dẫn viên du lịch Thái Lan, mỗi người cổ dài Karen đến “làm việc” tại làng sẽ được trả 10.000 baht/ tháng (hơn 7 triệu đồng ). Có khoảng 50 người cổ dài Karen sống ở đây, đi bán hàng chủ yếu là nữ giới.
Người cổ dài Karen dệt vải, khăn choàng, làm các đồ thủ công mỹ nghệ để bán cho khách du lịch.
Ngôi làng du lịch do Chính phủ Thái Lan xây dựng, mời người cổ dài Karen đến “làm việc”. |
Các thiếu nữ trong làng rất xinh đẹp, trang điểm nhẹ nhàng. Một số người còn có những nét vẽ bằng phấn trên khuôn mặt.
Với chiếc cổ dài giấu sau những chiếc vòng nặng trĩu, họ di chuyển chậm với vẻ duyên dáng, kiêu sa.
Thân thiện là ấn tượng khi thăm làng cổ dài Karen. Gặp người nào ở đây bạn cũng nhận được nụ cười ấm áp, dễ mến. Họ tự nguyện chụp ảnh với khách, giúp khách đeo những chiếc vòng cổ “trăng khuyết”, hướng dẫn khách dệt vải… mà không đòi hỏi khách phải mua đồ lưu niệm.
Ngôn ngữ cơ thể được sử dụng triệt để vì không ai nói tiếng Anh! Mỗi cửa hàng lại có những mặt hàng độc quyền cả làng không hàng nào có!
Rời làng người cổ dài Karen, cứ vương vấn mãi những nụ cười dịu dàng, dễ mến!
Sản phẩm lưu niệm được bày bán ở một quầy hàng. |