Quán quân Sao Mai 2015 và những kỉ niệm “trốn” gia đình đi hát

GD&TĐ - Nguyễn Thu Hằng sinh năm 1995 tại Hà Nội. Mới 24 tuổi nhưng chặng đường đến với âm nhạc của cô đã “có thâm niên”. 

Quán quân Sao Mai 2015 và những kỉ niệm “trốn” gia đình đi hát

Trải qua gần 8 năm học từ hệ trung cấp đến đại học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cô đang là sinh viên năm cuối và đã có những thành tích ấn tượng: Quán quân Sao Mai điểm hẹn năm 2015; Giải Vàng Liên hoan nghệ thuật châu Á tại Singapore năm 2018; Gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô 2018.

Từng bị ngăn cấm

Yêu thích âm nhạc từ nhỏ và coi đó là ước mơ để phấn đấu, Hằng thường xuyên cùng chị gái học hát tại các nhà văn hóa.

Lớn lên, chị đi theo âm nhạc, bố mẹ muốn Hằng chọn một con đường khác nhưng niềm đam mê quá lớn khiến cô không nghĩ được ngành học nào.

Từ khi còn trên ghế nhà trường, Hằng đã chăm đi diễn và tham gia các cuộc thi tài năng.

Hằng kể: “Có lần, em nhận lời đi biểu diễn rồi nhưng bố mẹ không cho. Không muốn thất hứa, em đã “trốn” đi. Ngay sau đó bị phát hiện, bố mẹ đi theo đưa em về nhà, nhưng vẫn muốn khẳng định bản thân nên đã tìm mọi cách để đi hát. Đó là lần duy nhất vì bất đắc dĩ mà em làm vậy, nhưng cũng là lần bố mẹ gật đầu đồng ý cho em theo đuổi âm nhạc vì biết ước mơ của em quá lớn”.

Trúng tuyển Học viện Âm nhạc quốc gia con đường mới đầy thử thách và gian nan, Hằng vẫn không hối hận bởi quyết định này. “Nếu bây giờ được chọn lại, em vẫn sẽ chọn con đường ấy” - Hằng nói.

Nguyễn Thu Hằng cho biết: Lịch học của các sinh viên trường nhạc đan xen như trường khác, cũng phải học môn Triết, Thể dục, Quân sự... Thậm chí, để đạt thành tích cao, sinh viên trường nhạc còn phải luyện tập ngoài giờ rất nhiều.

Cô bộc bạch: “Người bên ngoài có thể nghĩ, sinh viên học nhạc nhàn, đi học như đi chơi nhưng không phải vậy. Em biết nhiều bạn phải thi lại, học lại vì các môn rất khó. Một số người không ra trường được vì không vượt qua các kỳ thi. Hơn nữa, ca sĩ còn hát cho khán giả nghe nên càng phải tập luyện nhiều hơn”.

Theo Hằng, mỗi lĩnh vực có cái khó riêng, chẳng hạn như học thanh nhạc, ngày ngày luyện giọng đến rát cổ họng. Có những ngày giọng không tốt, thầy cô yêu cầu cao, cô cùng nhiều bạn phải luyện đi luyện lại tới phát khóc.

Mục tiêu trước mắt của Thu Hằng là tốt nghiệp đại học và cố gắng học lên cao hơn. Bởi vì ước mơ của cô là trở thành giảng viên của trường, giống như chị gái mình.

Thiện nguyện không phải để đánh bóng tên tuổi


Ấn tượng nhất với cô gái trẻ không chỉ là những kỉ niệm vượt khó mà còn là niềm vui khi đạt giải Sao Mai lúc tròn 20 tuổi.

Nhận được sự động viên từ gia đình, thầy cô là tham gia cuộc thi Sao Mai để thử sức. Hằng khá bối rối và tham gia thi cũng chỉ mong được va chạm, học hỏi và trau dồi thêm. Và chính thời gian này, lại là lúc Hằng gồng mình lên để chăm chỉ tập luyện từng ngày.

Khi đạt ngôi vị quán quân, cô ca sĩ trẻ càng phải đối diện với nhiều áp lực, biến động và cả những va chạm giữa khát vọng của bản thân và kỳ vọng của người xung quanh. Điều đó khiến cô từng rơi vào tình trạng cô độc. Tự mình đấu tranh tư tưởng nhưng cuối cùng, cô quyết tâm chọn làm những gì mình thích, thay vì điều người ta bảo tốt.

Theo đuổi dòng nhạc dân gian còn “kén” người nghe, Hằng vẫn cảm thấy tự hào mỗi khi cất cao giọng hát trên sân khấu: “Khi hát, em thấy mình hòa vào từng cánh đồng lúa chín, từng dải lụa ven sông hay bóng dáng của những người chị, người mẹ đang gánh gồng… lại càng thấy yêu quê hương, Tổ quốc của mình hơn và lại muốn lớp trẻ sẽ hiểu, cảm nhận và giữ gìn phát huy dòng nhạc này” - Hằng chia sẻ.

Không chỉ là một sinh viên ưu tú, cô ca sĩ trẻ còn là MC của truyền hình Thông tấn xã. Luôn sắp xếp thời gian học, tham gia hoạt động Đoàn và công việc, Hằng trở thành tấm gương sáng và ngày càng được nhiều người yêu mến.

Việc chia sẻ khó khăn với những mảnh đời thiếu may mắn là nhu cầu của chính bản thân. Đó là điều mình cảm thấy cần làm khi có thể, chứ không phải   để “làm màu”, đánh bóng   tên tuổi.

Thành công khi mới 20 tuổi, trở thành ca sĩ của công chúng nhưng lại kín tiếng trước truyền thông và mọi người về các hoạt động nhân ái.

Mỗi năm, Hằng cùng người thân, đồng nghiệp, thầy cô giáo thực hiện rất nhiều chuyến đi ý nghĩa.

Chuyến đi đến Trường Khuổi Khí (Bắc Kạn) đã để lại ấn tượng sâu sắc trong cô. Mọi người trong đoàn gom góp tiền, phân công nhau mua áo ấm, chăn, ủng, lương thực... để mang đi san sẻ với những đứa trẻ thiếu thốn.

Đoàn lên đường đúng vào dịp mưa lũ, xe tải chở hàng không vào được tới nơi, phải dỡ ra chở xe máy và chuyển bộ vào trường học. Đi bộ cả mấy cây số trên những con đường ngoằn ngoèo dốc và bê bết bùn, tận mắt chứng kiến những đứa trẻ nghèo co ro trong gió lạnh, bữa cơm đạm bạc trong gian nhà tập thể tuềnh toàng của giáo viên vùng cao, cô thực sự xót xa.

Quán quân Sao Mai 2015 chia sẻ: “Được san sẻ phần nào với những hoàn cảnh khó khăn, mình thấy bản thân sống có ý nghĩa hơn và hát nhiều cảm xúc hơn từ hành trình tình nguyện. Đó cũng là niềm vui làm bớt những áp lực ngày thường để mình cân bằng cuộc sống”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.