Tùy bút: Trận cuối của cuộc chiến

GD&TĐ - Đêm 29/4/1975, trời đã tối, sau cuộc tấn công như vũ bão tràn qua căn cứ Thành Tuy Hạ.

Tổ đài luồn sâu. Tranh: Võ Quang Minh
Tổ đài luồn sâu. Tranh: Võ Quang Minh

Tiểu đoàn chúng tôi dừng lại nghỉ chân, chuẩn bị cho đợt tấn công chốt phòng thủ vững chắc của quân đội Sài Gòn vào ngày hôm sau: Bến phà Cát Lái.

Bến phà Cát Lái qua sông Soài Rạp (Đồng Nai) là điểm phòng thủ kiên cố cuối cùng phía Đông Sài Gòn. Ở đây có căn cứ hải quân với nhiều tàu thuyền, lòng sông rộng nên là cản trở lớn nhất của mũi tấn công phía Đông của Quân Giải phóng. Ngay trong đêm 29/4/1975, chúng tôi đã nhận được quân lệnh chắc nịch: Ngày mai, phải vượt sông bằng sức mạnh!

Rạng sáng 30/4, trời hãy còn tối đen, chúng tôi, xe pháo đã lên đường. Lính tráng còn đang dở giấc, gật gù theo nhịp lắc lư của xe. Bỗng xe đi đầu dừng lại, có lệnh xuống xe. Trời vẫn còn lờ mờ, chưa sáng rõ. Phía trước chúng tôi thấy thấp thoáng vài dãy nhà dân, hai bên đường là các cánh đồng đã gặt, trống trải. Các xe kéo pháo nhanh chóng được lệnh tản ra trên cánh đồng. Anh em vừa xuống xe vừa râm ran chuyện trò, không biết đơn vị đã đến nơi tập kết để tác chiến chưa. Đột nhiên rẹt, rẹt, bùm bùm... từng tràng đạn tiểu liên AR15, trọng liên 12,8 ly bay đến rào rào.

Như phản xạ bản năng, lính tráng chúng tôi cúi chạy tán loạn, tìm chỗ nằm nấp phía sau các bờ ruộng. Gần chỗ tôi đứng có bờ mương, mấy anh em nằm sát xuống quan sát, và hiểu ra: Do trời tối, xe kéo pháo của Tiểu đoàn đã tiến lên phía trước, vượt qua cả đội hình của bộ binh, đến gần sát mục tiêu. Đạn địch bắn xối xả, chát chúa xung quanh mà xe, pháo của đơn vị vẫn đang đứng trơ giữa đồng. Tình huống thật bất ngờ, khó xử.

Trời đã hửng. Trước mặt, chúng tôi đã lộ ra cảng sông với nhiều tàu quân sự. Đạn bộ binh vẫn từ tàu, từ các căn nhà cao trước mặt bắn ra rất rát. Bỗng trên cánh đồng xuất hiện một dáng người thấp nhỏ vươn thẳng bên khẩu lựu pháo, tôi nhận ra đấy là anh Căn - Tiểu đoàn trưởng.

Anh lớn tiếng gọi mấy pháo thủ đang nằm nép dưới bờ ruộng gần đấy: “Mấy cậu dậy ngay, cắt pháo khỏi xe!”. Một, rồi hai, ba pháo thủ lồm cồm bò dậy, theo lệnh anh, họ tháo chốt, hạ khẩu pháo xuống, hướng nòng về phía trước, dạng càng. Giọng anh Căn hô lớn: “Nạp đạn, bắn ngay!”. Các pháo thủ tống đại quả đạn pháo vào nòng, giật cò. Một tiếng nổ đầu nòng “oành” rất to rung chuyển như đánh thức cả Tiểu đoàn.

Mặc cho đạn giặc vẫn rít trên đầu, bên tai, sau tiếng pháo đầu nòng giật giọng, anh em pháo thủ lần lượt vùng dậy, chạy đến bên các khẩu pháo, cùng hạ pháo, dạng càng, không kịp đóng cọc, lót bó trúc chống giật, không kịp lắp kính ngắm, quay nòng pháo hướng về phía mục tiêu, nạp đạn, bắn liền. Toàn bộ hỏa lực của Tiểu đoàn: Ca nông 85 ly, lựu pháo 105 ly, ĐKB... đồng loạt vang tiếng.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Trên sông, những tàu địch trúng đạn bốc cháy, khói cuồn cuộn. Một cuộc trốn chạy thật hỗn loạn, tiếng súng bắn tới từ phía địch thưa dần rồi im bặt. Chỉ còn tiếng nổ giòn giã của các khẩu pháo Tiểu đoàn tôi, nhằm vào từng chiếc tàu, từng căn nhà điểm cao đang là ổ hỏa lực của địch, tiêu diệt. Khói lửa trùm kín một đoạn sông quanh bến phà. Tiểu đoàn trưởng Vương Căn vẫn đĩnh đạc hạ lệnh cho các khẩu đội tiêu diệt từng mục tiêu.

Nghề trinh sát pháo của chúng tôi trong trận đánh này coi như thừa. Vừa giúp anh em pháo thủ chuyển đạn trên xe xuống bên từng khẩu pháo, chúng tôi được quan sát một trận đánh có một không hai: Pháo tầm xa bắn trực tiếp, bất ngờ, không chuẩn bị, từ bị động chuyển thành chủ động tấn công.

Bắn pháo ngắm qua nòng với cự ly rất gần, hỏa lực tập trung mãnh liệt, nhiều chủng loại pháo. Đặc biệt hơn cả là hình tượng người chỉ huy Tiểu đoàn nhỏ nhắn, gan dạ dũng mãnh, không chút run sợ trước làn đạn của địch - chính anh đã là linh hồn của trận đánh này - trận đánh cuối cùng đầy hào hùng của Tiểu đoàn trước cửa ngõ Sài Gòn.

Độ hơn một tiếng sau, tuyến phòng thủ của địch đã vỡ hoàn toàn, bến phà đã im tiếng súng. Lực lượng công binh nhanh chóng lắp phà đưa bộ binh và xe tăng sang sông trước để tiến đánh vào Sài Gòn, cánh pháo binh chúng tôi chờ lại đi sau. Tại bến phà Cát Lái, chỉ cách thành phố Sài Gòn chưa đến chục km đường chim bay, lúc 11 giờ 30 phút chúng tôi nhận tin thành phố Sài Gòn đã hoàn toàn được giải phóng.

Sau đó, chiếc xe Jeep chỉ huy lại đưa anh Căn qua sông chạy thẳng vào Sài Gòn. Tôi xách vội khẩu AK báng gấp cùng một chiến sĩ thông tin 2 oát lên xe theo anh. Trên đường gió thổi mát rượi, lòng hân hoan, phấn chấn với cảm giác thật nhẹ nhõm như vừa cất đi một gánh nặng. Nhìn sang hai bên đường cảnh vật thật thân thương, gần gũi. Tôi nhìn anh Căn, mặt sạm đen vì nắng gió và thuốc súng, với lòng cảm phục người chỉ huy gan dạ mà bình dị. Anh đúng là một anh hùng trong lòng tôi và anh em trong đơn vị.

Qua cầu Sài Gòn, chúng tôi lượn một vòng qua Tòa Đại sứ, Dinh Tổng thống rồi theo đường trục chạy thẳng xuống Chợ Lớn. Ngắm phố phường, ngắm người dân đô thị, Sài Gòn với tôi như vừa lạ, vừa quen.

Vĩ thanh buồn: Sau Ngày Giải phóng miền Nam độ hai tháng, kết thúc việc kiểm tra kết quả bắn ở các mục tiêu lân cận Sài Gòn và tổ chức xong Hội nghị Tổng kết chiến đấu của Tiểu đoàn, anh Căn bị bệnh phải nằm viện điều trị. Anh bị căn bệnh thật quái ác: Tủy sống của anh không thể tiếp tục sản sinh ra hồng cầu!!!

Anh chỉ khỏe lại khi được tiếp máu, rồi sau đó năm ba ngày lại yếu đi, phải tiếp đợt khác. Anh chỉ sống được bằng tiếp máu từ bên ngoài. Chúng tôi đến thăm anh mà không cầm được nước mắt. Y học bó tay. Quân y đã cho chuyển anh ra Viện 108 để được gặp vợ con, rồi đành buông tay để anh ra đi vĩnh viễn. Anh đã lăn lộn với chiến trường nhiều năm, khi đã hoàn thành nghĩa vụ góp phần cho sự nghiệp cao cả thống nhất đất nước. Anh ra đi như thể anh được sinh ra cho sự nghiệp này. Tôi có liên tưởng có phần khập khiễng: Anh cũng như Thánh Gióng bay về trời sau khi đã dẹp hết giặc Ân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ