Những tấm hình có góc nhìn khác trong ngày chiến thắng 30.4.1975

GD&TĐ - Không tự nhận mình là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, nhưng những tấm ảnh của Nguyễn Đạt chụp trong ngày giải phóng Sài gòn 1975 được nhiều chuyên gia đánh giá cao bởi tính hiện thực có góc nhìn khác từ cuộc chiến.

Hình ảnh quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, vẫy tay chào người dân
Hình ảnh quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, vẫy tay chào người dân

“Người lính cộng hoà cuối cùng”

Đó là tên một tấm ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đạt về một người lính Việt Nam cộng hoà duy nhất vẫn mặc quân phục cầm súng khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.

Năm 1975 là thời khắc đặc biệt, đó là thời khắc kết thúc cuộc chiến trang kéo dài trong 21 năm  giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Mở ra cho Việt Nam một thời kì Tự do độc lập dân tộc sau hàng trăm năm chịu ách đô hộ ngoại bang.

Đã có rất nhiều tư liệu như phim, ảnh, bài viết của các nhà báo chuyên nghiệp ở trong và ngoài nước ghi lại khoảng khắc lịch sử này. Bên cạnh những tư liệu đã được biết đến, những năm gần đây tại TP. Hồ Chí Minh xuất hiện một bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đạt. Bộ ảnh gồm 30 tấm, trong đó một số được Bộ Quốc phòng, Thông tấn xã Việt Nam lưu trữ, coi là những tư liệu quý giá về ngày 30-4-1975 lịch sử. Khi chụp những bức ảnh này Nguyễn Đạt mới 19 tuổi.

Người lính Cộng hoà cởi bỏ áo nhưng vẫn đeo thẻ bài trên cổ di chuyển về trung tâm thành phố trong ngày 30.4

Người lính Cộng hoà cởi bỏ áo nhưng vẫn đeo thẻ bài trên cổ di chuyển về trung tâm thành phố trong ngày 30.4

Nguyễn Đạt tên đầy đủ là Nguyễn Đình Đạt, sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Năm 1974 vì đam mê với ảnh, anh đăng ký học nhiếp ảnh. Sau hai khoá học, Nguyễn Đạt tự đánh giá mới chỉ “biết sơ sơ” về nhiếp ảnh. Nhưng đang học dở thì chiến dịch Hồ Chí Minh mở ra, cả Sài Gòn sôi sục. Anh cho biết khi chập chững vào nghề, không chỉ chụp ảnh mà còn phải học kỹ thuật tráng, xử lý buồng tối với đủ loại hoá chất, đèn chiếu.

Sáng 30-4 như nhiều người dân Sài Gòn, chàng trai trẻ Nguyễn Đạt cũng chỉ ngồi nhà, hồi hộp chờ đợi quân giải phóng vào trung tâm thành phố.

Nhớ về khoảng khắc ngày 30-4-1975, Nguyễn Đạt kể: Sáng ngày 30-4 tôi nghe tiếng ồn ào trước cửa nhà. Nhà tôi ở Trương Minh Giảng (đường Lê văn Sỹ bây giờ). Nghe ồn ào tôi chạy ra lúc đó tôi không mang máy ảnh, nhìn thấy 2 người lính cởi quần áo ra. Tôi chưa hình dung được tại sao lại cởi quần áo giữa đường, lúc sau biết quân lính Việt Nam Cộng hoà bỏ quân phục. Tôi vội chạy vào nhà xé tờ giấy học trò viết chữ: Phóng viên xong dùng cơm nguội dán trước ngực. Mình có gì đó để phân biệt mình không nguy hiểm, cầm máy ảnh tôi lại ra ngoài đường. Tôi thấy lính Cộng hoà đi theo hàng nhưng không ngay ngắn, giống như đi di tản về hướng trung tâm. Tôi mới chụp bức ảnh, lúc đó phim hiếm lắm nên tôi chụp mà đếm từng tấm 1”

Phải nói rằng với đam mê và sự tò mò mà Nguyễn Đạt đã tự mình ghi hai chữ phóng viên, đeo trước ngực rồi lấy chiếc máy ảnh Nikon FTN 50mm chạy ra đường trong lúc đang hỗn loạn như vậy quả là quá liều lĩnh. Nhưng có lẽ với tư cách người cầm máy, anh không thở bỏ lỡ những giây phút quan trọng này.

Bộ ảnh của anh Đạt có thể chia làm 3 nội dung chính. Nội dung 1 là chân dung người lính Việt Nam Cộng hoà trong giờ thất trận, những bức ảnh này được Nguyễn Đạt ghi chú rất cụ thể rõ ràng. Như 9h ngày 30-4-1975 từ phía Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình lính Việt Nam Cộng hoà bỏ chạy về hướng Trung tâm Sài Gòn.

Rồi lính Việt Nam Cộng hoà từ Hóc môn chạy về Trung tâm Sài gòn. Và 10h ngày 30-4 trên đường Trương Minh Giảng những người lính cởi bỏ quân phục đi về hướng trung tâm Sài Gòn. 10h30 sáng 30-4-1975 người lính Cộng hoà cởi bỏ áo nhưng vẫn đeo thẻ bài trên cổ di chuyển về trung tâm thành phố.

Và “Người lính cuối cùng tôi thấy là người duy nhất của lính Cộng hoà không cởi bỏ quân phục, súng vẫn cầm khẩu M16, vai vẫn đeo 2 khẩu súng chống tăng M72 đi trên đường nhưng không biết đi về đâu. Chỉ vài phút trong khoảng khắc quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.

Người lính Cộng hoà cuối cùng trong ngày 30.4.
Người lính Cộng hoà cuối cùng trong ngày 30.4.

Hình ảnh quân giải phóng tiến vào Sài Gòn

Khi nói về quân giải phóng, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đạt chia sẻ: “Có những người lính quân giải phỏng cầm súng đi bộ trông rất bình thản. Trái với suy nghĩ của tôi là sắp có một cuộc chiến đẫm máu. Mấy anh bộ đội quân giải phóng cứ bình thản đi, không lăm lăm cầm súng đi vào. Súng vác vai, có người còn lau mồ hôi, vuốt mặt có vẻ mệt mỏi. Trong đó có 1 đoàn xe Sài Gòn chở bộ đội rất đông các anh bộ đội trên mui xe thò tay ra vẫy chào. Có những hành động đó, người dân khu phố tôi thấy nhẹ nhàng, cảm thấy yên tâm.”

Đó là nội dung thứ 2 là hình ảnh quân giải phóng được nhiếp ảnh Nguyễn Đạt ghi lại sau khi anh chụp lính Cộng hoà cuối cùng. Lần đầu tiên anh Đạt nhìn thấy quân giải phóng từ Hóc Môn qua Trương Minh Giảng đi vào trung tâm Sài Gòn. Những bức ảnh vẫn được chú thích cẩn thận như 11h00 ngày 30-4 trên đường Trương Minh Giảng quân giải phóng từ Củ Chi và hướng từ miền Tây đi vào trung tâm thành phố. Và hình ảnh biệt động thành xuất hiện đồng loạt trong quần áo người dân Sài gòn, nhưng được trang bị súng AK và B64. Và 12h ngày 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập, lần đầu tiên thấy chiếc xe người dân gọi là Motora.

Nhờ sự thân thiện của những người lính quân Giải phóng, Nguyễn Đạt đã mạnh dạn lấy xe, chạy vòng quanh các đường phố Sài Gòn để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử. Từ tấm ảnh 2 chiến sỹ quân Giải phóng đang chia nhau điếu thuốc tại đường Yên Đổ (Lý Chính Thắng bây giờ) cho tới tấm ảnh bỏ lại bên đường Võ Di Nguy (Phan Đình Phùng bây giờ), chiếc xe tăng M113 bị cháy trên đường Chi Lăng (Phan Đăng Lưu bây giờ), chiếc xe tăng M48 bỏ lại nguyên súng đạn đang bị mấy đứa trẻ leo lên nghịch phá… Các thứ quân trang phục hay vũ khí liên quan đến lính Cộng hoà vứt ngổn ngang khắp các đường.

Hình ảnh quân giải phóng tiến vào Sài Gòn
Hình ảnh quân giải phóng tiến vào Sài Gòn

Đó chính là nội dung thứ 3 bao gồm những hình ảnh thực tế của người dân Sài gòn vào khoảng khắc ngày 30-4-1975.  Với sự cẩn thận ghi chú như 9h ngày 30-4- 197 khi nghe tin quân giải phóng tiến vào Sài Gòn những gì liên quan đến Việt Nam Cộng hoà bị bỏ ra đường ngày 30-4-1975 trên đường Võ Duy Nghi – Phú Nhuận.

Trong máy ảnh duy nhất cuộn phim có 36 kiểu, Nguyễn Đạt phải tiết kiệm từng khuôn hình để ghi lại khoảnh khắc giao thời lịch sử, giữa sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn và sự tiếp quản của đoàn quân Giải phóng. “ Tôi chỉ là người bình thường chụp lại những gì mình tận mắt nhìn thấy của Sài Gòn 30/4. Tôi không nghĩ những tấm ảnh có giá trị gì mà muốn lưu lại những khoảnh khắc đặc biệt đó cho riêng tôi mà thôi” – Nguyễn Đạt chia sẻ.

Hoà bình trở lại với Sài Gòn, như nhiều người dân khác Nguyễn Đạt hoà mình với cuộc sống mới. Anh cùng cha mẹ, anh trai và em gái đi kinh tế mới một thời gian, sau đó xin làm lái xe tại một công ty Nhà nước, sống bình lặng. Anh cho viết: Tôi lái xe cho các lãnh đạo Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Thương mại, sau đó lên chức trưởng phòng kho vận nên có cơ hội đi nhiều nơi. Vì thế tôi vẫn đam mê nhiếp ảnh. Tôi chụp hình và cộng tác cho nhiều báo.

Khi nghỉ hưu Nguyễn Đạt dành nhiều thời gian hơn cho nhiếp ảnh. Không những thế, bao năm lăn lộn với nghề lái xe nên anh thêm thú vui với xe cổ và trở thành một những thành viên CLB xe cổ Sài Gòn. Nhiều lần các thành viên khuyên Nguyễn Đạt triển lãm những bức ảnh của mình chụp về ngày 30-4 nhưng mãi sau này anh mới đồng ý và đưa ra triển lãm.

Từ khi công bố những tấm ảnh của mình, Nguyễn Đạt cũng bỏ công đi tìm những nhân vật hiện diện trong bộ ảnh đó. Với mong muốn gặp lại những người đó để tìm hiểu cuộc sống của họ sau bao năm hoà bình cũng như trao tặng cho mỗi người một tấm ảnh, coi như một món quà nhỏ dành cho họ lưu lại ký ức của khoảnh khắc lịch sử. Nhiều cơ quan thông tấn, các đài truyền hình đã giúp nhiếp ảnh Nguyễn Đạt thực hiện được mong muốn đó của mình. 

Bộ ảnh chụp ngày 30.4.1975 của Nguyễn Đạt được Viện Khoa học lịch sử cùng nhiều cơ quan thông tấn lưu trữ, coi như tài liệu lịch sử quý giá về ngày Thống nhất đất nước. Ông Trần Anh Dũng – Trung tâm UNESCO cho biết: “ Tôi đánh giá cao tính chân thực của bộ ảnh. Người chụp chỉ là người bình thường, ghi lại những khoảnh khắc bình dị của Sài Gòn trong ngày 30.4”

Bởi vậy, những tấm ảnh này được coi là tài liệu quý vì những góc máy chân thật của cuộc chiến góp phần vào lưu giữ tài liệu quý hiếm của dân tộc Việt Nam.

Khác với những bức ảnh của phóng viên chiến trường là những hình ảnh thể hiện sự đông đúc khí thế tiến công, cũng không phải hình ảnh đại quân giải phóng hay sự kháng cự của tàn quân bên kia chiến tuyến, những tấm ảnh của Nguyễn Đạt đơn giản chỉ là bức ảnh ghi lại con người Việt Nam ở hai phía, trong đó có thân phận, cảm xúc của thanh niên buông súng cởi bỏ quân phục, dã từ đời lính từ cuộc chiến. Không đơn thuần là những tư liệu quý, ảnh của Nguyễn Đạt cho chúng ta thấy đôi mắt của anh, góc nhìn của anh về cuộc chiến không nghiêng về bên nào. Anh nhìn lính Cộng hoà với con mắt cảm thương, suy cho cùng đều có dòng máu đỏ da vàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ