Thủ tướng Anh Theresa May ký lá thư gửi Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk để kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, nhằm khởi động tiến trình đưa Anh ra khỏi EU, ngày 28/3 tại Văn phòng Nội các Anh ở London - Ảnh: Reuters.
Hôm nay (29/3), bức thư của Thủ tướng Anh Theresa May về đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, sẽ được chuyển đến Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk, chính thức bắt đầu tiến trình này.
Hãng tin Reuters nhận định rằng động thái nói trên sẽ đưa nước Anh vào một thời kỳ biến động chưa từng có tiền lệ, đồng thời mở ra quãng thời gian đàm phán cam go có thể kéo dài hàng năm trời và thử thách sự bền vững của EU.
9 tháng sau khi người Anh bỏ phiếu chọn Brexit, bà May sẽ gửi thư lên ông Tusk để chính thức thông báo rằng Anh sẽ ra khỏi khối thị trường chung mà nước này gia nhập vào năm 1973.
Tiếp đó, vị Thủ tướng - một người ban đầu phản đối Brexit và lên cầm quyền trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Anh hậu trưng cầu dân ý - sẽ có hai năm để đàm phán các điều khoản cho vụ “ly dị” trước khi việc Anh ra khỏi EU chính thức có hiệu lực vào cuối tháng 3/2019.
Công việc khó khăn
“Quyết định rời EU đã được đưa ra. Giờ là lúc chúng ta đoàn kết lại với nhau”, bài phát biểu trước Quốc hội Anh được chuẩn bị trước của bà May có đoạn viết. “Khi tôi ngồi ở bàn đàm phán trong những tháng sắp tới, tôi sẽ đại diện cho từng con người ở nước Anh - già và trẻ, giàu và nghèo, nông thôn và thành thị”.
Trước giờ khởi động tiến trình Brexit, bà May, 60 tuổi, đối mặt với một trong những công việc khó khăn nhất đối với bất kỳ vị Thủ tướng Anh nào gần đây: giữ nước Anh thống nhất trong bối cảnh Scotland đòi tách riêng, đồng thời đàm phán với 27 quốc gia thành viên EU về tài chính, thương mại, an ninh, và một loạt vấn đề phức tạp khác.
Kết quả của cuộc đàm phán này sẽ định hình tương lai nền kinh tế 2,6 nghìn tỷ USD của nước Anh, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, và quyết định liệu London có thể giữ được vị trí là một trong hai trung tâm tài chính quan trọng nhất thế giới.
Đối với EU, khối đang chật vật xoay sở với những cuộc khủng hoảng nối tiếp nhau về nợ công và người tị nạn, sự ra đi của nước Anh chính là cú sốc lớn nhất sau 60 năm nỗ lực tạo dựng sự đoàn kết của châu Âu sau hai cuộc chiến tranh thế giới.
Lãnh đạo EU nói họ không muốn trừng phạt Anh. Tuy nhiên, trong bối cảnh các đảng theo trường phái dân tộc chủ nghĩa, chống EU đang nổi lên trong khối này, giới chức EU không thể để cho London đạt được những điều khoản hào phóng có khả năng khuyến khích các quốc gia thành viên khác “học” theo Anh và tách khỏi khối.
Lá thư của bà May gửi cho ông Tusk về kế hoạch rời EU của nước Anh theo Điều 50, Hiệp ước Lisbon dự kiến sẽ được ông Tim Barrow, đại diện thường trực của Anh tại EU, trao tận tay cho ông Tusk tại Brussels.
Ngày 28/3, bà May đã đặt bút ký lá thư trên và có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel về các cuộc đàm phán trong tương lai. Bà May sẽ phát biểu trước Quốc hội Anh trong ngày 29/3, trong lúc ông Tusk tiến hành họp báo về Brexit.
Giới chức EU kỳ vọng lá thư của bà May sẽ có giọng điệu tích cực và nhắc lại 12 điểm chính mà bà đặt mục tiêu cho cuộc đàm phán Brexit như đã nêu trong một bài phát biểu hôm 17/1.
Tiến trình khó đoán định
Trong vòng 48 giờ sau khi đọc thư, ông Tusk sẽ gửi cho 27 quốc gia thành viên khác trong EU dự thảo hướng dẫn đàm phán.Tiếp đó, ông Tusk sẽ trình bày quan điểm của mình và đại sứ của 27 nước sẽ gặp ở Brussels để thảo luận về dự thảo của ông Tusk.
Cuộc đàm phán Brexit sẽ là một quá trình khó đoán định. Bà May đã hứa sẽ nỗ lực để đạt được quyền tiếp cận lớn nhất có thể với các thị trường châu Âu, nhưng cũng nói rằng Anh cần đạt thỏa thuận tự do mậu dịch với các quốc gia ngoài châu Âu, và áp đặt hạn chế đối với dòng người nhập cư đến từ châu Âu.
Đang có nhiều câu hỏi được đặt ra lúc này, bao gồm liệu các nhà xuất khẩu của Anh có thể giữ được quyền tiếp cận phi thuế quan đối với thị trường chung châu Âu, và liệu các ngân hàng đặt ở Anh có thể tiếp tục phục vụ khách hàng ở châu Âu, chưa kể đến việc nhập cư và các quyền trong tương lai của công dân EU ở Anh và công dân Anh ở châu Âu.
Nhiều ngân hàng toàn cầu như Goldman Sachs đang cân nhắc chuyển nhân viên khỏi Anh vì Brexit. Một số công ty và ngân hàng lớn khác có thể dùng ngày Anh kích hoạt Điều 50 để cập nhật với các nhà đầu tư về kế hoạch của họ.
Nội bộ nước Anh cũng đang đối mặt với sự chia rẽ. Cuộc trưng cầu dân ý Brexit đã đặt ra câu hỏi đối với tương lai của Vương quốc Anh, bởi Anh và xứ Wales chọn rời EU, nhưng Scotland và Bắc Ireland chọn ở lại.
Phe dân tộc chủ nghĩa của Scotland đã đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý độc lập, nhưng bị Thủ tướng May từ chối và nói rằng chưa phải lúc. Ở Bắc Ireland, khủng hoảng chính trị đã kéo dài 2 tháng qua do mâu thuẫn giữa các chính đảng, trong đó đảng dân tộc chủ nghĩa Sinn Fein đòi Bắc Ireland tách khỏi Anh và hợp nhất với Cộng hòa Ireland.
“Công việc của bà May thật khó khăn, vừa phải giữ nước Anh thống nhất, vừa phải đưa Anh ra khỏi EU. Tôi không chắc là ai có muốn làm công việc này hay không”, một nhà ngoại giao cấp cao ngoài châu Âu đề nghị giấu tên phát biểu. “Sau Brexit, tương lai của mọi thứ đều không rõ ràng, và điều đó rất đáng lo ngại đối với Anh, EU và cả phương Tây nói chung”.
Tỷ giá đồng Bảng đã sụt giảm vào đầu giờ phiên sáng nay tại châu Á do giới đầu tư lo ngại về tiến trình đàm phán Brexit. Theo số liệu từ Bloomberg, tỷ giá đồng Bảng có lúc giảm 0,6%, còn 1 Bảng đổi 1,2377 USD.