Tương lai của Venezuela: Cuộc chiến vì… dầu mỏ?

GD&TĐ - Tương lai của Venezuela đang ở trong tình trạng vô cùng chênh vênh, khi vị tổng thống đương chức phải vật lộn để chống lại một phong trào đang lan rộng trên toàn quốc nhằm thay đổi chế độ. Và cuối cùng, một câu hỏi lớn cũng xuất hiện kèm theo số phận của đất nước: “Ai sẽ là người sở hữu dầu của Venezuela?”.

Mặc dù ông Guaido hứa hẹn sẽ tôn trọng các yêu sách của chủ nợ của Venezuela, nhưng chưa chiếm được trọn vẹn lòng tin từ các chủ nợ
Mặc dù ông Guaido hứa hẹn sẽ tôn trọng các yêu sách của chủ nợ của Venezuela, nhưng chưa chiếm được trọn vẹn lòng tin từ các chủ nợ

Ngồi trên mỏ dầu, vẫn là con nợ

Liệu Tổng thống Nicolas Maduro có củng cố được quyền lực của mình hay lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido sẽ lên nắm quyền kiểm soát chính phủ?

Tầm quan trọng của câu hỏi còn bỏ ngỏ đó càng trở nên rõ ràng hơn vào tháng trước, khi Guaido, Chủ tịch Quốc hội 35 tuổi, đã không thuyết phục được quân đội từ bỏ Maduro. Giờ đây, một trận đấu cờ đang diễn ra trên đấu trường tài chính quốc tế, giữa Mỹ và hơn 50 quốc gia ủng hộ Guaido với tư cách là tổng thống lâm thời hợp pháp của Venezuela, và những quốc gia ủng hộ Maduro.

Để hỗ trợ Guaido, Mỹ đã khởi xướng một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm cản trở việc Maduro bán dầu qua công ty nhà nước PDVSA (Petróleos de Venezuela, S.A) kiểm soát, nhằm lèo lái dòng tiền chảy vào các tài khoản do Guaido kiểm soát.

Trong khi đó, hai chủ nợ lớn nhất của Venezuela là Trung Quốc và Nga đang ủng hộ Maduro và chắc chắn là rất quan tâm đến những gì thuộc sở hữu của họ. Cuba cũng đã củng cố chế độ này bằng cách gửi hàng ngàn lực lượng an ninh để đổi lấy dầu miễn phí.

Tai ương từ trữ lượng dầu khủng

Venezuela nắm giữ trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Đất nước này cũng có một khoản nợ khổng lồ, và sự tranh giành đòi tiền của các chủ nợ là một yếu tố chính trong sự chia rẽ trên toàn thế giới về vấn đề Venezuela.

Lạm phát rầm rộ đã khiến đồng tiền của Venezuela gần như vô giá trị, và dầu là phương tiện trả nợ chủ yếu. Vấn đề là nguồn cung cấp dầu của Venezuela chỉ có giá trị khi nước này có thể khai thác và xử lý thô, nhưng cơ sở hạ tầng đổ nát của đất nước này không thể sản xuất đủ dầu, biến trữ lượng dầu giầu có trở thành tài sản thế chấp.

Dưới sự quản lý yếu kém và tình trạng thiếu điện trên toàn quốc, sản lượng dầu đã giảm từ hơn 3,5 triệu thùng mỗi ngày vào năm 1998 - trước khi Chavez nắm quyền - xuống còn 750.000 thùng mỗi ngày vào tháng 3/2019, theo dữ liệu từ Rystad Energy. Thêm vào đó là các biện pháp trừng phạt cứng rắn ngày càng chồng chất khiến doanh số bán dầu hiện tại của Venezuela tăng không đủ để đáp ứng nhu cầu ngoại hối cũng như nghĩa vụ tín dụng của nước này. Hơn một nửa sản lượng hiện tại đã được định sẵn để trả nợ, do đó, Venezuela cũng không còn dầu lửa để bán trên thị trường thế giới lấy tiền mặt.

“Tổng số nợ nhiều hơn sáu lần so với xuất khẩu hàng năm. Trên thực tế, tỷ lệ này đang trở nên tồi tệ hơn đáng kể trong năm nay với sự sụt giảm trong xuất khẩu. Không ai hy vọng Venezuela sẽ trả nợ và tình hình rất tồi tệ so với số lượng dầu thực sự tạo ra dòng tiền”, Francisco J. Monaldi, Ủy viên Năng lượng Mỹ Latinh tại Viện Baker của Đại học Rice ở Houston, Texas, cho biết.

Ông Monaldi cũng lưu ý rằng ngay cả Nam Sudan, vốn bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, cũng có tỷ lệ nợ xuất khẩu tốt hơn Venezuela một cách đáng kể.

Lời hứa của Guaido

Bất cứ ai kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của Venezuela sẽ phải đối mặt với khoản nợ khổng lồ và rất khó có thể trả hết nợ, ngay cả khi sản xuất dầu tăng nhanh. “Vấn đề với việc tính toán khoản nợ của Venezuela là có những ước tính rất khác nhau. Có cách tính cho thấy đất nước này nợ ít nhất là 130 - 140 tỷ đô la, nhưng cũng có cách tính lên tới 160 tỷ đô la, tùy thuộc vào cách tư duy của các trọng tài, các quyết định chống lại Venezuela, số tiền mà Venezuela nợ các hãng hàng không và những đối tác khác”, Monaldi nói.

Các đại diện của ông Guaido đã cố gắng thuyết phục các nước như Nga và Trung Quốc rằng chế độ mới của họ sẽ tôn trọng yêu sách của các nước này, nhưng cho đến nay, các hành động của chính quyền của Guaido có thể không

giành được niềm tin của các chủ nợ một cách hoàn toàn. Họ cho biết họ sẽ tìm cách hủy bỏ khoản thanh toán gần 9 tỷ đô la cho Conoco-Phillips được trao vào tháng 3 năm ngoái theo quyết định của một trọng tài của Ngân hàng Thế giới.

Tương tự, nhóm pháp lý Guaido đã chỉ ra cho các thẩm phán liên bang và tiểu bang ở Pennsylvania và Del biết rằng họ sẽ tìm cách ngăn chặn Crystallex, một công ty khai thác của Canada buộc bán cổ phần Citgo để thu thập phán quyết trọng tài trị giá 1,2 tỷ USD.

Nếu Maduro được thay thế bởi một chính phủ mới, tính hợp pháp của nhiều thỏa thuận tài chính được đàm phán trong suốt 20 năm qua bởi chế độ Chavez và Maduro có thể bị thách thức trong các thủ tục tố tụng tư pháp quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ