Học sinh Venezuela: Vượt biên giới hiểm nguy để tới trường

GD&TĐ - Tình trạng khủng hoảng kinh tế trầm trọng ảnh hưởng lớn đến các trường học và cả nền GD. Tại Venezuela, việc học tập trở nên khó khăn vì nhiều GV đã di cư hoặc từ chối làm việc vì mức lương quá thấp.

Tại những Trochas, trẻ em luôn gặp nguy hiểm
Tại những Trochas, trẻ em luôn gặp nguy hiểm

Đường tới trường đầy nguy hiểm

Cây cầu Simon Bolivar nối Colombia với Venezuela, cùng với những cây cầu khác, đã bị chặn lại sau khi lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời và cố gắng đưa đoàn xe viện trợ của Mỹ đi qua biên giới.

Tổng thống đương nhiệm Maduro cho rằng những hỗ trợ nhân đạo trên là một mưu kế nhằm lật đổ chính quyền của ông. Sau nhiều ngày diễn ra cuộc biểu tình của các bậc phụ huynh và HS ở biên giới phía Venezuela, một “hành lang nhân đạo” đã được mở ra, nhưng chỉ cho phép HS và những người ốm nặng sang Colombia.

Việc đóng cửa đường biên giới đã dẫn tới sự xuất hiện của những lối đi không chính thức mà người dân địa phương gọi là “trocha” vốn nguy hiểm và do các nhóm vũ trang của cả hai nước kiểm soát. Những nhóm này thu tiền của người muốn qua cầu. Người Venezuela cần sang Colombia để mua các vật dụng cơ bản vốn khan hiếm ở Venezuela như thực phẩm và thuốc thang, hay như trong trường hợp của Cielo là để đi học.

Các nhóm vũ trang kiểm soát những “trocha” – lối đi không chính thức qua biên giới đầy nguy hiểm. Ảnh: Al Jazeera
Các nhóm vũ trang kiểm soát những “trocha” – lối đi không chính thức qua biên giới đầy nguy hiểm. Ảnh: Al Jazeera 

Mặc dù giờ đây cây cầu này đã được mở cho một số nhóm nhất định nhưng Vệ binh Quốc gia Venezuela không để phụ huynh đi qua cùng với con em họ mà các em phải đi một mình. Những người ở đây cũng không được phép vận chuyển các sản phẩm từ Colombia vào Venezuela trên những cây cầu này.

“Cháu vẫn sử dụng trocha, bởi vì mẹ cháu bị khuyết tật nên cháu cần phải đi lấy thực phẩm ở Colombia” - Cielo nói - “Những người lính ở đây không cho ai đi qua và mang theo bất kỳ cái gì, do đó cháu phải tiếp tục dùng trocha để về nhà”.

Cô HS thích môn sinh học và thể thao cho biết, cô không thích sử dụng trocha nhưng quan trọng hơn, cô bé không muốn phải nghỉ học.

“Đôi khi, chúng cháu phải cố gắng để vượt qua các trocha bởi vì họ sẽ ngăn đường” - Cielo nói khi đang đi qua biên giới nhộn nhịp của thị trấn Cucuta sau giờ học trong bộ đồng phục - “Nó rất nguy hiểm. Mọi người nói có dân quân và du kích, đôi khi ở đây xảy ra những cuộc đối đầu”.

“Dẫu tình hình khó khăn như vậy, một số trẻ em vẫn đang đi bộ qua những lối đi không chính thức để tới trường khiến chúng bị nguy hiểm, trong đó có nguy cơ đối mặt với các nhóm vũ trang đang tham gia cuộc xung đột ở Colombia” – Christian Visnes, Giám đốc Hội đồng tị nạn Na uy (NRC) ở Colombia, một nhóm bảo vệ quyền của những người phải đi sơ tán, cho biết.

Khi tới trocha chật hẹp và đông đúc, Cielo len người qua một đám đông đang chen chúc trở về Venezuela kéo theo những chiếc túi nặng và va li mang đầy đồ dùng mua ở Colombia.

Mọi người hét lên “tránh đường!” khi họ lao đi với những bao tải khoai tây trên đầu, trong khi đó những người khác bị xô ngã xuống.

Những trẻ em khoảng 8 tuổi đứng bên bờ sông, thu tiền để giúp mọi người đi qua cùng với những chiếc túi của họ. Mặt khác, những nhóm vũ trang Venezuela cũng thu tiền để cho phép mọi người tiếp tục dùng trocha.

Một người mẹ tên là Dayanera Diaz, 42 tuổi, đã thay phiên nhau cùng chị gái đưa con từ Venezuela tới Colombia để đi học.

“Khi cây cầu được mở cửa, bọn trẻ tự đi một mình, nhưng giờ đây cầu đóng cửa nên rất nguy hiểm” - cô Diaz nói khi đang vác gạo và thịt trên lưng.

Laidy Gomez, Thống đốc khu vực biên giới Tachira, phản đối việc không cho người dân Venezuela đi qua cầu chính thức để lấy thực phẩm và nhu yếu phẩm.

Cielo theo “trường học lớn” ở biên giới với khoảng 2.500 HS khác. Gần một nửa số HS ở đây là người Venezuela hay người Colombia “trở về”. Họ là những người Colombia đã bỏ sang Venezuela trong suốt cuộc xung đột kéo dài 5 thập kỷ và đã trở về nước từ khi kinh tế Venezuela suy sụp.

Số lượng học sinh đến trường suy giảm mạnh

Bà Dayanera Diazd phải chi tiền hối lộ để được phép đưa con và cháu đi học
Bà Dayanera Diazd phải chi tiền hối lộ để được phép đưa con và cháu đi học 

Trong số hàng trăm nghìn trẻ em chạy qua biên giới để vào Colombia, có đến một nửa HS không đi học.

“Chúng đói và sợ hãi. Chúng ốm yếu và suy dinh dưỡng. Nhiều em bị tách khỏi gia đình và bỏ học hàng tháng có khi tới hàng năm” - nhà quan sát Caroline Kennedy của Ủy ban cứu hộ Quốc tế cho biết.

NRC cho biết khoảng 4.000 bé trai và bé gái, những người phải qua biên giới mỗi ngày để tới trường ở Colombia, đã không thể tiếp tục việc học tập của mình vì đường biên giới bị đóng cửa.

“Thật không thể tin được chỉ có 5 trong số 1.200 trẻ em đến lớp sau khi cầu đóng cửa. Trước đó, các em đã qua đây mà không gặp vấn đề gì” - Hiệu trưởng Berbesi của ngôi trường mà Cielo theo học nói - “Đối với một số người, đó là nỗi sợ các nhóm vũ trang hay đội du kích, nhóm bán quân sự không cho các em đi qua”.

Ông Berbesi chỉ trích chính phủ Colombia cũng như phe đối lập Venezuela đã biến mất sau “nỗ lực thất bại” của họ nhằm đưa hỗ trợ vào Venezuela.

Vị hiệu trưởng này cho biết, số HS đi học đã giảm đáng kể từ khi đường biên giới bị đóng cửa và giờ đây có khoảng 850 trong số 1.200 người Venezuela hoặc người Colombia “trở về” đi học. Trước đây, hầu hết HS đều hiếm khi nghỉ học vì nhu cầu chỗ học tại trường rất cao.

“Tại các trocha, HS luôn gặp nguy hiểm. Các bậc phụ huynh gọi điện cho biết họ sẽ không đưa con tới trường vì họ lo sợ. Tôi biết nói sao bây giờ? Tôi không thể buộc họ đưa con đi học, nhỡ có việc gì xảy ra thì sao?” - ông Berbesi nói.

Nhiều trường học phải đóng cửa vài ngày khi các nhà chức trách đối phó với nạn mất điện khiến nhiều nơi chìm trong bóng tối. Sau đó HS bắt đầu quay lại trường học nhưng có tới nửa số HS của cả nước không đi học vì thiếu nước, thực phẩm, phương tiện giao thông và những tác động khác của của nền kinh tế suy thoái.

Giáo viên Rancy Rodriguez ở thủ đô Caracas cho biết “trẻ em không có thực phẩm ở nhà và chúng đi học để ít nhất được ăn một bữa. Nhưng cả năm nay chúng tôi không có thực phẩm ở trường vì bếp đã không còn. Trẻ em thường ngất trong các buổi học thể dục vì dạ dày các em trống rỗng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.