Tạp chí Miami Herald thông tin, đầu tháng này, Chỉ huy trưởng Lực lượng đặc nhiệm của Bộ Quốc phòng Mỹ Raymond Thomas nói rằng lực lượng của ông có tay nghề cao nhưng không thể làm mọi thứ.
"Chúng tôi không phải là thuốc chữa bách bệnh"- ông tuyên bố trước Ủy ban Dịch vụ Vũ khí của Thượng viện Mỹ hôm 4/5. "Chúng tôi không phải là giải pháp cuối cùng cho mọi vấn đề, và quý vị sẽ không nghe thấy điều đó đến từ chúng tôi".
Chỉ huy trưởng Lực lượng đặc nhiệm của Bộ Quốc phòng Mỹ Raymond Thomas.
Quan trọng hơn, việc chiến đấu liên tục suốt 15 năm rưỡi qua đang khiến các binh sĩ Mỹ kiệt sức về tâm lý, dẫn đến tỷ lệ lớn các vụ tự tử.
Vị tướng nhấn mạnh rằng lính đặc nhiệm đang bị khai thác tới "triệt để" cho mọi thể loại trường hợp cần tới quân đội. Hoạt động này gây ra căng thẳng cho lính đặc nhiệm của ông.
8000 lính đặc nhiệm Mỹ hiện nay đang phục vụ tại hơn 80 quốc gia trên toàn thế giới. Lực lượng đặc nhiệm đang đi đầu trong việc tư vấn, thực hiện sứ mệnh ở Syria và Iraq, Afghanistan. Có khoảng 500 lĩnh đặc nhiệm ở Syria.
Chiến đấu chống các nhóm khủng bố, chuẩn bị đáp trả hoạt động có thể ở Bắc Triều Tiên và sứ mệnh ở Đông Âu "trong trường hợp Nga xâm lược" đều là những nhiệm vụ sắp tới của lực lượng đặc nhiệm Mỹ.
Điều này cho thấy lực lượng đặc nhiệm đang bị "khai thác quá mức" với tần suất liên tục trong hàng chục năm qua.
Dù không nói con số cụ thể, ông Thomas khẳng định con số lính đặc nhiệm tự sát ngày càng cao lên.
"Tôi không muốn đưa con số thống kê vào đây nhưng... lực lượng của chúng ta đang kiệt sức" - ông nói.
Hồi tháng trước, ông cũng đã cảnh báo về việc các chiến dịch quân sự đã bị kéo dài hơn so với dự kiến. Điều này thách thức khả năng sẵn sàng cho các chiến dịch trong tương lai nếu quân đội bị ép hoạt động quá nhiều.
Lính đặc nhiệm Mỹ đang kiệt sức.
Tình hình theo vị Chỉ huy trưởng là đặc biệt khó khăn khi 3 nhà điều hành đặc nhiệm đã tử nạn ở Afghanistan, một quốc gia mà quân đội dự kiến sẽ rời khỏi ba năm trước.
"Tại Afghanistan, kỳ vọng là chúng ta sẽ hoàn thành vào năm 2014. Nhưng bây giờ là chúng ta chưa thể kết thúc vào năm 2017 và có thể chiến dịch sẽ kéo dài hơn nữa" - ông Thomas nói.
Trước đó, Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt Mỹ (SOCOM) Joseph Votel hồi năm 2015 cũng từng nhắc đến việc lính đặc nhiệm bị điều đi mọi nhiệm vụ và nhu cầu sử dụng lính đặc nhiệm ngày càng thường xuyên hơn.
Dù vị tướng Mỹ không nói ra con số cụ thể về tỉ lệ lính đặc nhiệm Mỹ tự sát trong quân đội nhưng Sputnik cho biết, các phương tiện truyền thông đã theo dõi và biết được nhiều con số.
Đỉnh cao tự sát trong lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ xảy ra trong năm 2012 là 24 người. Trong năm 2014 có 18 binh sĩ tự sát. Trong năm 2016, theo một đại diện giấu tên, tổng cộng quân đội Mỹ trong năm 2012 có 321trường hợp tự tử được ghi nhận, trong 2016 có 275 trường hợp.
Thực tế đau thương của đội đặc nhiệm Mỹ
Trên thực tế, những điều xảy ra ở chiến trường Mỹ và kết quả các chiến dịch mà lực lượng này thu về đã ghi nhận hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân dẫn tới thất bại trong nhiều chiến dịch không hoàn toàn nằm ở kế hoạch tác chiến của lực lượng này mà nhiều khi phụ thuộc vào lượng thông tin tình báo.
Lính đặc nhiệm thiệt mạng trong chiến dịch đầu tiên của ông Trump.
Trong chiến dịch đột kích chung giữa đặc nhiệm SEAL Mỹ và lực lượng tinh nhuệ Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) được tiến hành chỉ một tuần sau khi ông Trump nhậm chức được tuyên bố thành công nhưng làm một lính đặc nhiệm Mỹ thiệt mạng.
Theo kế hoạch, lực lượng SEAL của Hải quân Mỹ sử dụng trực thăng để tiếp cận khu nhà nằm giữa sa mạc miền nam Yemen, được cho là nơi trú ẩn của thủ lĩnh bộ tộc có liên hệ với al-Qaeda và thu thập các thông tin tình báo có giá trị.
Thế nhưng mọi chuyện nhanh chóng trở nên hỗn loạn bởi đội đặc nhiệm hỗn hợp gặp khó khăn hơn trên thực địa so với dự kiến ban đầu: các tay súng Yemen nhanh chóng nổ súng phản công, bãi mìn dày đặc quanh làng khiến không thể tiến vào sâu hơn và buộc phải đấu súng với kẻ địch rất đông.
Chiếc trực thăng lai MV-22 Osprey và trung đoàn Tác chiến Đặc biệt của Không quân được huy động để giải cứu đội SEAL đã bị trục trặc khi hạ cánh và đâm xuống mặt đất khiến các binh sĩ SEAL bị thương, trong đó Ryan Owens bị thương quá nặng và đã qua đời ngay sau đó.
Theo thông tin từ truyền thông Mỹ, chiến dịch được ông Trump chấp thuận chỉ 1 tuần sau khi nhậm chức. Trong khi cựu Tổng thống Obama trì hoãn kế hoạch bởi lượng thông tin tình báo phục vụ cho chiến dịch này quá ít ỏi.
Mảnh kim loại còn sót lại của V-22 Osprey.
Trước đó, một chiến dịch không thành công nữa là sự thiếu hiệp đồng tác chiến của các lực lượng khác với lực lượng đặc nhiệm Mỹ hồi tháng 8/2016.
Đặc nhiệm Mỹ tiến hành chiến dịch không thành công tại Afghanistan nhằm giải cứu hai giảng viên người Mỹ và người Australia bị bắt cóc trong vụ tấn công khủng bố ở Đại học American.
Theo dữ liệu nguồn thông tin này, chiến dịch đã tiêu diệt 7 tên khủng bố nhưng không tìm thấy các con tin.
Fox News khi đó dẫn nguồn tin nắm được về chiến dịch này cho biết, trước khi thực hiện tấn công những tên khủng bố, đội đặc nhiệm đã được cử tới trước đó nhưng phải rút về vì không nhận được lệnh tiến hành hoạt động từ Nhà Trắng. Một nguồn tin khác tuyên bố rằng, chiến dịch đổ vỡ chỉ vì "thói quan liêu trong Nhà Trắng".