Tuổi trẻ khởi nghiệp, lập nghiệp xây dựng và phát triển đất nước

GD&TĐ - Có thể nói phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên ở trên các lĩnh vực đang phát triển, một thế hệ doanh nhân trẻ xuất hiện, đây là điều rất đáng mừng.

Tuổi trẻ khởi nghiệp, lập nghiệp để xây dựng và phát triển đất nước phát triển hơn.
Tuổi trẻ khởi nghiệp, lập nghiệp để xây dựng và phát triển đất nước phát triển hơn.

Thế hệ trẻ Việt Nam luôn đi đầu trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, là lực lượng nòng cốt, quyết định mọi thắng lợi.

Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay thực hiện khát vọng đất nước phát triển hùng cường, tuổi trẻ cần nhận thức khởi nghiệp, là động lực phấn đấu trong môi trường mới nhằm đáp ứng không chỉ tạo việc làm, có thu nhập mà còn là vì sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, của yêu cầu sự nghiệp đổi mới sáng tạo, mang lại giá trị cho bản thân cũng như lợi ích xã hội cho hôm nay và ngày mai.

Năm 1980 UNESCO chính thức nêu ra khái niệm “Chương trình khởi nghiệp” và từ đây giáo dục khởi nghiệp được nghiên cứu và đưa vào chương trình đào tạo ở rất nhiều trường đại học, cao đẳng trên thế giới.

Mô hình phát triển kinh tế trồng rau thủy canh của đoàn viên thanh niên huyện Tiên Lữ (Hưng Yên). Ảnh: Báo Nhân dân
Mô hình phát triển kinh tế trồng rau thủy canh của đoàn viên thanh niên huyện Tiên Lữ (Hưng Yên). Ảnh: Báo Nhân dân

Ở Việt Nam khái niệm khởi nghiệp xuất hiện từ những năm 2000, nhưng phải đến năm 2010 thì khởi nghiệp mới bắt đầu vào cuộc và có sự phát triển.

Đảng và Nhà nước ta đã nhận thấy rõ vai trò to lớn của khởi nghiệp, lập nghiệp đặc biệt là giáo dục ý thức khởi nghiệp cho thế hệ trẻ, cho học sinh, sinh viên.

Ngày 18/5/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Sau hơn 3 năm triển khai đề án đã có hơn 3000 doanh nghiệp trẻ, tăng gấp đôi số doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp tính đến cuối năm 2015.

Có thể nói phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên ở trên các lĩnh vực đang phát triển, một thế hệ doanh nhân trẻ xuất hiện, đây là điều rất đáng mừng, nhất là từ khi có Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/01/21017 về phê duyệt đề án “Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

Tuy nhiên nhận thức về khởi nghiệp của thế hệ trẻ Việt Nam mới chỉ ở ý thức tìm kiếm việc làm và tăng thu nhập chưa có nhận thức đầy đủ về khởi nghiệp dựa trên nền tảng của ý chí sáng tạo, sự bứt phá để phát triển; cho nên từ việc giáo dục nhận thức khởi nghiệp đến việc tổ chức thực hiện để có hiệu quả, để góp phần vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước là rất cần thiết, để khởi nghiệp không chỉ dừng lại ở phong trào, ở hành vi mà ở kết quả thực chất mang lại.

Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khóa XI, hiện là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp tham quan gian hàng triển lãm các sản phẩm do công ty của anh Ngô Quốc Huy - một thanh niên thế hệ 9X có đam mê khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tự động hóa. Ảnh: Báo Đồng Nai
Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khóa XI, hiện là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp tham quan gian hàng triển lãm các sản phẩm do công ty của anh Ngô Quốc Huy - một thanh niên thế hệ 9X có đam mê khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tự động hóa. Ảnh: Báo Đồng Nai

Dưới ánh sáng Nghị quyết 10 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng lấy khởi nghiệp gắn với đổi mới và phát triển. Môi trường để khởi nghiệp rộng mở, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ thông tin; phát triển công nghiệp xanh, công nghệ mới; phát triển nông nghiệp sạch, thông minh; các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…

Nhà nước sẽ tạo hành lang môi trường pháp lý phù hợp để hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ, tạo môi trường khởi nghiệp tốt để thế hệ trẻ có động lực và niềm tin khởi nghiệp, lập nghiệp.

Ngành giáo dục và đào tạo kết hợp với Đoàn thanh niên CSHCM giáo dục nhận thức về khởi nghiệp cho thanh niên, học sinh, sinh viên; giáo dục lý thuyết gắn với thực hành, với thực tiễn. Đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình giáo dục phổ thông, các trường đại học để có ý thức trong việc tìm kiếm, tự trang bị kiến thức tạo tiền đề cho ý định khởi nghiệp khi ra trường bước vào đời. Điều quan trọng là có được tinh thần tự chủ, ý thức và quyết tâm tìm kiếm học hỏi, trải nghiệm trên bước đường khởi nghiệp.

Cần đưa các môn học về khởi nghiệp vào chương trình đào tạo không chỉ đối với các chuyên ngành thuộc lĩnh vực kinh tế mà còn ở các ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên. Đoàn thanh niên phối hợp với các trường đại học, các trung tâm dạy nghề mở các lớp lập nghiệp, lập các kênh thông tin nhằm đưa thông tin về hoạt động khởi nghiệp, lập nghiệp, định hướng khởi nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm, những mô hình khởi nghiệp kể cả thành công cũng như chưa thành công.

Kết nối các doanh nghiệp, doanh nhân trẻ thành đạt để tư vấn lập nghiệp, cũng như kết nối các nhà đầu tư, các nguồn quỹ khoa học, quỹ doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ tuổi trẻ khởi nghiệp, các ngân hàng để có điều kiện đảm bảo ban đầu cho thanh niên, sinh viên khởi nghiệp.

Cần có chương trình giáo dục và truyền thông để học sinh, sinh viên khi ra trường có mục tiêu với tinh thần làm chủ, tạo việc làm thu nhập cho mình và cho mọi người bằng khởi nghiệp lập nghiệp chứ không phải chỉ đi làm thuê, làm việc hành chính lĩnh lương.

Do đó, công tác thông tin - giáo dục - truyền thông về hoạt động khởi nghiệp là rất cần thiết nhất là các doanh nhân trẻ khởi nghiệp thành công, các mô hình kinh tế có hiệu quả của thanh niên, để khơi dậy ý thức tinh thần về khởi nghiệp, tự lập nghiệp cho thanh niên một cách thực chất nhất đi từ nhỏ đến lớn, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể.

Đoàn thanh niên cần có những chương trình truyền thông tư vấn, hướng nghiệp, khởi nghiệp, lập nghiệp; biểu dương, tôn vinh các cá nhân và tập thể lập nghiệp làm giàu thành công trên các diễn đàn nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, cảm hứng kinh doanh, khơi dậy sự tự tin, sáng tạo và trách nhiệm cho thế hệ trẻ.

Tiềm năng của khởi nghiệp nói chung và đặc biệt là khởi nghiệp đối với thế hệ trẻ là rất lớn. Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục khởi nghiệp; Đoàn thanh niên cần có một chương trình phát động thành phong trào thi đua khởi nghiệp, lập nghiệp.

Tin chắc rằng thanh niên là lực lượng tiềm năng của đất nước, với đam mê sáng tạo và nhiệt huyết, tinh thần ước ao tìm cái mới; tự chủ, tự lập sẵn sàng đối mặt và chinh phục thử thách, nhất định sẽ khơi nguồn cho ý thức khởi nghiệp sáng tạo và thành một động lực sống để cống hiến.

Đất nước đang thực hiện sự nghiệp đổi mới với khát vọng mới mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, để làm được điều đó yêu cầu thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống vẻ vang của tuổi trẻ là lực lượng tiên phong như đã tiên phong những trong giai đoạn cách mạng trước đây, sẵn sàng tìm tòi sáng tạo để khởi nghiệp, lập nghiệp làm giàu chính đáng cho bản thân và góp phần tạo ra được nhiều việc làm, đóng góp cho xã hội, góp phần đưa đất nước phát triển thịnh vượng và hùng cường, đó cũng là lẽ sống của thanh niên trong thời đại mới.

Mô hình trồng chanh dây của đoàn viên Trương Tự Trị ở xã Phước Hòa, huyện Bác Ái thu hút sự quan tâm của nhiều thanh niên dân tộc thiểu số. Ảnh: Tạp chí Dân vận
Mô hình trồng chanh dây của đoàn viên Trương Tự Trị ở xã Phước Hòa, huyện Bác Ái thu hút sự quan tâm của nhiều thanh niên dân tộc thiểu số. Ảnh: Tạp chí Dân vận

Kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn thanh niên CSHCM thiết thực nhất là khơi dậy lý tưởng sống cao đẹp, ý thức tự lập, sáng tạo, phấn đấu làm giàu từ khởi nghiệp, lập nghiệp. Nắm bắt thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với thế và lực mới của đất nước rộng mở trên con đường hội nhập quốc tế; khởi nghiệp, lập nghiệp hôm nay của thanh niên sẽ là khởi nguồn để góp phần đưa nước nhà “sánh vai cùng cường quốc năm châu”, thành nước phát triển, có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI như mong muốn của Bác Hồ và mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.