Trên cơ sở ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Phiên họp toàn thể lần thứ 14, Ủy ban về các vấn đề xã hội đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật.
Về mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, Ủy ban cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng và tiếp tục đề nghị quan tâm đến ý kiến của Ủy ban khi thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động (năm 2002) và thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (năm 2012).
Mặc dù, trên thực tế, nhu cầu làm thêm giờ là có thật; từ phía người lao động bản chất là do tiền lương và thu nhập chưa bảo đảm trang trải cuộc sống; từ phía người sử dụng lao động là do nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tùy theo từng thời điểm. Bộ luật hiện hành đã quy định nguyên tắc thỏa thuận khi làm thêm giờ, nhưng việc thực hiện rất khó khăn, hạn chế, tình trạng vi phạm về thời giờ làm thêm khá phổ biến.
Ủy ban đề nghị vấn đề này cần phải được Cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ thêm và việc quy định thời gian phải làm thêm giờ phải theo hướng đảm bảo chặt chẽ, giới hạn trong một số trường hợp đối với một số ngành, nghề, công việc nhất định.
Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát kỹ để bảo đảm tính đầy đủ của Danh mục và có dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể, chặt chẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Vấn đề này hiện nay còn có ý kiến khác nhau từ phía Công đoàn, người lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội doanh nghiệp, vì vậy Ủy ban trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo.
Về tuổi nghỉ hưu,Ủy ban nhấn mạnh, việc quy định về tuổi nghỉ hưu cần phải được khẳng định là tuổi nghỉ hưu chung của quốc gia đối với người lao động; Việc quy định quyền được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, cần phải được cân nhắc để điều chỉnh nghỉ hưu sớm hơn 10 năm đối với một số công việc đặc biệt như làm việc khai thác than trong hầm lò, người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn, rủi ro nghề nghiệp;
Việc quy định quyền được nghỉ hưu cao hơn không quá 5 năm so với tuổi nghỉ hưu chung cũng phải được hướng dẫn cụ thể hơn đối với một số ngành, lĩnh vực đang kéo dài tuổi nghỉ hưu cao hơn cả mức 5 năm (giáo dục, y tế…).
Đến nay, Chính phủ vẫn chưa bổ sung tài liệu làm rõ những kiến nghị của Ủy ban đã nêu trong Báo cáo thẩm tra số 2032/BC-UBVĐXH14 như “bổ sung dự thảo Danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm theo quy định”.
Chưa đưa ra được cơ sở, bằng chứng khoa học để quy định về khoảng cách tuổi nghỉ hưu (2 tuổi) giữa lao động nam và lao động nữ. Đề nghị Chính phủ bổ sung các thông tin cần thiết trên để làm cơ sở, căn cứ để quy định độ tuổi nghỉ hưu cụ thể theo lộ trình hợp lý.