Tuổi nào nên dạy con cách quản lý tài chính

GD&TĐ - Việc áp dụng các bước dạy con quản lý tài chính theo từng giai đoạn giúp con phát triển kỹ năng quản lý tài chính từ khi còn nhỏ và chuẩn bị cho những thách thức trong tương lai.

Dạy con quản lý tài chính cần phù hợp theo độ tuổi. Ảnh minh họa.
Dạy con quản lý tài chính cần phù hợp theo độ tuổi. Ảnh minh họa.

Tiền bạc là một phần quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Biết cách quản lý tài chính là kỹ năng cần thiết giúp chúng ta có thể sống thoải mái, hạnh phúc và thành công. Chính vì vậy, việc dạy con quản lý tài chính từ nhỏ là vô cùng quan trọng, giúp trẻ hình thành những thói quen tốt về chi tiêu trong tương lai.

Do đó, cha mẹ cần dạy con hiểu được giá trị của đồng tiền, biết cách phân biệt nhu cầu và mong muốn, đồng thời ưu tiên những nhu cầu thực sự cần thiết. Khi hình thành được thói quen chi tiêu hợp lý từ nhỏ, trẻ sẽ có thể quản lý tài chính tốt hơn trong tương lai.

Theo chuyên gia Nguyễn Trung Thành - Giám đốc Công ty TNHH tư vấn du học Hà Nội, cha mẹ cần lưu ý từng giai đoạn của con để có cách dạy về quản lý tài chính cho phù hợp. Trong đó, bước đầu tiên để quản lý tiền chính là biết phân biệt các tờ tiền. Mỗi loại tiền sẽ có mệnh giá quy đổi khác nhau, bé cần biết giá trị của nó là bao nhiêu để tránh bị gian lận lừa mất tiền. Trẻ còn nhỏ nên ba mẹ chỉ nên đưa những tờ tiền có mệnh giá nhỏ nhưng bé cũng nên biết các loại tiền còn lại.

Giai đoạn mẫu giáo (3 - 5 tuổi)

Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu nhận thức về thế giới xung quanh và cảm nhận mọi thứ bằng đầy đủ các giác quan, bao gồm cả tiền bạc. Cha mẹ có thể cho con tiếp xúc dần với tiền bằng cách cho con xem trực tiếp các tờ tiền, cầm tiền, giải thích cho con rằng tiền là gì, có thể dùng để mua những gì.

Giai đoạn tiểu học (6 - 10 tuổi)

Ở giai đoạn này, trẻ đã bắt đầu hiểu được khái niệm về tiền. Cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng một ít tiền mặt, giải thích các mệnh giá khác nhau và giá trị của chúng.

Đồng thời, phụ huynh cần nhấn mạnh sự khác biệt giữa nhu cầu và mong muốn, giúp trẻ hiểu rằng nhu cầu là thiết yếu để tồn tại, như thức ăn và chỗ ở, trong khi mong muốn là những điều có thể trì hoãn hoặc bỏ qua.

Điều quan trọng là con cần biết chi tiêu như thế nào cho hợp lý với tình hình tài chính của gia đình và tránh lãng phí tiền bạc vào những mong muốn không cần thiết.

Để khuyến khích tính tiết kiệm ở trẻ, cha mẹ có thể bắt đầu bằng việc mua cho con lợn đất và dạy trẻ thiết lập những mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như mua một món đồ chơi mới hoặc dành dụm tiền cho một chuyến đi đến sở thú. Điều này sẽ giúp con có động lực để tham gia vào quá trình tiết kiệm cũng như hiểu được giá trị của đồng tiền trong cuộc sống hàng ngày.

Ở giai đoạn này, cha mẹ có thể áp dụng một số hoạt động giáo dục trẻ giai đoạn tiểu học về quản lý tài chính như chơi trò chơi bán hàng giúp con hiểu cách giao dịch mua bán bằng tiền, các kỹ năng mua hàng và giá trị của hàng hóa tương ứng với tiền; Cho con làm việc nhà để nhận được một khoản thù lao nhỏ từ cha mẹ giúp con hiểu được giá trị của lao động và tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền; Mua cho con một quyển sách về tài chính dành cho trẻ em giúp con học hỏi về tài chính một cách vui vẻ và dễ hiểu.

day-con-quan-ly-tai-chinh-phu-hop-lua-tuoi-2.jpg
Ảnh minh họa.

Giai đoạn trung học cơ sở (11 - 15 tuổi)

Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu sử dụng tiền nhiều hơn, chẳng hạn như mua sắm, ăn uống, đi chơi... Cha mẹ có thể dạy con những kiến thức về tiền bạc, bao gồm cả việc giới thiệu các khái niệm như tài khoản ngân hàng, thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng. Đồng thời giải thích cách sử dụng hợp lý các phương thức thanh toán và hậu quả tiềm ẩn của việc sử dụng sai mục đích.

Song song với đó, phụ huynh cần khuyến khích trẻ đưa ra những lựa chọn sáng suốt trong việc mua sắm, biết cách cân nhắc nhu cầu, mong muốn và giới hạn ngân sách mỗi lần chi tiêu.

Ở giai đoạn này, cha mẹ có thể cùng con lập kế hoạch chi tiêu hàng tuần. Dạy con phân bổ tiền bạc cho các khoản chi tiêu cần thiết, chẳng hạn như ăn uống, học tập, giải trí… Đồng thời, tạo cho con thói quen tiết kiệm tiền từ những khoản thu nhập nhỏ. Ví dụ, bạn có thể cho con mở một tài khoản tiết kiệm riêng hoặc khuyến khích con góp tiền vào quỹ tiết kiệm chung của gia đình.

Khuyến khích con tham gia các hoạt động từ thiện giúp con hiểu được giá trị của việc chia sẻ và giúp đỡ người khác.

Giai đoạn trung học phổ thông (16 - 18 tuổi)

Ở giai đoạn này, trẻ đã có những hiểu biết tương đối đầy đủ về tài chính. Cha mẹ cần tiếp tục củng cố và phát triển những kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính cho con.

Phụ huynh nên dành thời gian để trò chuyện với trẻ về cách kiếm tiền, bao gồm việc giải thích các khái niệm công việc cũng như cách người lớn kiếm tiền để nuôi sống bản thân và gia đình. Hãy để trẻ tham gia thảo luận về chi phí sinh hoạt của cả gia đình, từ đó giúp con nhận thức được trách nhiệm tài chính chung của mỗi cá nhân.

Theo đó, cha mẹ nên dạy con cách lập ngân sách chi tiêu hàng tháng cho các khoản chi tiêu cần thiết, chẳng hạn như học phí, sinh hoạt phí, chi tiêu cá nhân... Tư vấn cho con về các kế hoạch tài chính trong tương lai chẳng hạn như kế hoạch du học, kế hoạch mua nhà… Bên cạnh đó, khuyến khích con tìm hiểu về tài chính qua các kênh thông tin uy tín như sách báo, Internet…

Theo chuyên gia Nguyễn Trung Thành, phụ huynh cần lưu ý một số điểm trong quá trình dạy con quản lý tài chính. Trước hết, cha mẹ cần kiên nhẫn và nhẹ nhàng khi dạy con, không nên quát mắng hay ép buộc con học, mà nên tạo cho con hứng thú và tự giác học hỏi. Cha mẹ cũng không nên dạy con những kiến thức quá cao siêu hoặc quá phức tạp, mà nên chia nhỏ kiến thức thành những phần nhỏ, dễ hiểu. Bên cạnh đó, người lớn không nên chỉ dạy lý thuyết, mà nên thực hành cùng để con hiểu rõ hơn các kiến thức đã học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ