Nên dạy trẻ cách tiêu tiền từ mấy tuổi?

Nên dạy trẻ cách tiêu tiền từ mấy tuổi?

Mỹ: Trẻ 3 tuổi đã có thể làm quen với tiền

Bà Neale S.Godfrey, Giám đốc Điều hành ngân hàng dành cho trẻ em đầu tiên trên thế giới (The First Children's Bank) cho rằng, lứa tuổi lên 3 các bé đã có thể nhận thức được những điều mình mong muốn, và đây là thời điểm thích hợp để cho trẻ làm quen với tiền.

Theo bà, trước hết bố mẹ hãy giúp trẻ hiểu được phương thức “làm thì mới được trả công”. Điều này có nghĩa là phụ huynh sẽ phân ra hai loại công việc giao cho trẻ. Một loại là việc mà con phải tự làm và không được nhận tiền như đánh răng, ăn uống, học giỏi… bởi đây là các hoạt động liên quan trực tiếp tới cá nhân trẻ bắt buộc phải tự làm.

Loại việc bố mẹ sẽ trả tiền cho con như giao việc tưới cây, cho thú ăn, dọn dẹp phòng... nhằm khuyến khích tinh thần lao động và trách nhiệm của chúng với đồng tiền.

Số tiền mà cha mẹ cho nên căn cứ vào số tuổi, chẳng hạn trẻ 3 tuổi thì mỗi lần hoàn thành tốt công việc được giao thì cho chúng 3.000 đồng, với trẻ 5 tuổi sẽ là 5.000 đồng...

Khi đã cho trẻ tiền, bố mẹ sẽ tiến hành bước tiếp theo là giúp con lập ngân sách một cách hợp lý và nên chia thành 4 khoản: Để dành (30%), đầu tư (30%), giúp đỡ người khó khăn hơn mình (10%) và chi tiêu (30%).

Do Thái: Dạy theo từng giai đoạn

Ngay khi trẻ biết nói, các bà mẹ Do Thái sẽ dạy trẻ cách phân biệt tiền xu và tiền giấy, nguồn gốc tiền từ đâu mà có và tiền có thể mua được những gì.

Khi lớn hơn một chút, trẻ sẽ được giao một khoản tiền để con tự quản lý. Bằng cách này, trẻ sẽ học được cách mua sắm như thế nào cho đúng và cách tự chịu trách nhiệm về hành vi tiêu sài của mình.

Bước vào giai đoạn thứ ba, cha mẹ cần bồi dưỡng cho con cách kiếm tiền. Đây cũng chính là giai đoạn giúp con hiểu về giá trị đồng tiền, về những quy tắc kinh doanh như quay vòng vốn, lấy công làm lãi… Từ đó, trẻ sẽ hình thành tư duy tài chính linh hoạt.

Giai đoạn tiếp theo là dạy con cách quản lý tài sản thông qua các lựa chọn như gửi tiền vào ngân hàng để có lãi hay đầu tư vào một việc gì đó.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.

Nhật: Trẻ phải tự tính toán chi tiêu

Các trẻ em ở Nhật thường được bố mẹ cho tiền tiêu vặt vào ngày đầu tiên của tháng mới. Mức tiền tiêu vặt trẻ được nhận sau khi cha mẹ đã tính toán chi tiết mức chi tiêu, các khoản cần mua sắm cũng như mức sống tại khu vực họ đang sống.

Trẻ phải tự lên kế hoạch chi tiêu trong khoản tiền bố mẹ cho. Nếu muốn mua những món đồ có giá trị, trẻ sẽ phải tiết kiệm và cắt giảm những khoản chi không cần thiết. Bằng cách này, trẻ sẽ hiểu được rằng: tiền không phải là vô hạn, mỗi chúng ta cần phải biết tự chi tiêu trong khả năng của mình và hài lòng với nó.

Bố mẹ Nhật sẽ hướng dẫn các em ghi chép các khoản chi trong tháng, được cho bao nhiêu? mua cái gì? giá bao nhiêu?… Để các em tự hệ thống lại cái gì đáng mua và không đáng mua để tháng sau chi tiêu hợp lý hơn.

Singapore: Hỏi ý kiến con khi mua sắm

Tại Singapore, thay vì mua cho con những thứ mà con thích, các bà mẹ cùng con lập một danh sách những thứ mà con thích và tính toán từng khoản tiền cho từng hạng mục.

Theo đó, mỗi tuần các con sẽ được trích 1/2 số tiền được bố mẹ cho để tiết kiệm cho kế hoạch lớn. Số còn lại các bé sẽ được tự quyết định để mua sắm những thứ mà mình thích. Bằng cách này, trẻ sẽ có trách nhiệm hơn khi sử dụng số tiền mà mình có được.

Mặt khác, thông qua việc lập kế hoạch chi tiêu, các mẹ Singapore muốn con phải học được thứ tự ưu tiên khi mua đồ cũng như biết được đâu là cái mình cần và đâu là cái mình muốn để không rơi vào tình trạng lãng phí.

Để dạy con biết tiêu tiền một cách tiết kiệm, những bậc làm cha mẹ tại Singapore luôn luôn làm gương cho trẻ. Mỗi khi đi siêu thị mua đồ cho gia đình, trẻ luôn được hỏi ý kiến xem nên mua và không nên mua đồ gì? Cái gì thực sự cần thiết và hữu ích? Làm như vậy sẽ khiến cho trẻ cảm thấy mình được tôn trọng và là “một thành viên lớn” trong gia đình.

Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên đã tổ chức giờ học dạy trẻ em cách chi tiêu dành cho trẻ em từ 7 - 11 tuổi, nằm trong chương trình giáo dục tài chính cá nhân. Các em được làm bài tập theo nhóm về cách quản lý chi tiêu.

Lần đầu tiên, tự các em đưa ra kế hoạch mua sắm, biết như thế nào là mua sắm cần thiết, như thế nào là mua sắm theo sở thích. Sau những chuẩn bị ở lớp học là đến lúc mua sắm tại siêu thị. Mỗi đứa trẻ được nhận 50.000 đồng, bắt đầu mua sắm dưới sự quan sát của các giáo viên tổ chức lớp học.

Các em được học cách lựa chọn, cân nhắc... cuối cùng, đã có nhiều em lựa chọn mua những món hàng cần thiết cho việc học tập, không như trước đây, nếu có tiền là dành hết để mua đồ chơi. Đồng thời trẻ biết tiết kiệm, biết cách chi tiêu và biết sẻ chia những đồng tiền để giúp người khác. Đây thực sự là bài học cần thiết đối với những đứa trẻ để sau này không phải lúng túng khi quản lý tài chính cá nhân.

Thực tế cho thấy, nếu hướng dẫn các em cách sử dụng đồng tiền thì sau này các em mới có được khả năng quản lý tài chính cá nhân. Cũng cần nhắc lại, theo khảo sát của các tổ chức tài chính, trong 140 nước được khảo sát thì Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ người trưởng thành hiểu biết tài chính thấp.

Tỷ lệ này chỉ là 24%. Trong khi đó các nước trong khu vực, tỷ lệ người trưởng thành hiểu biết tài chính khá cao như Indonesia là 32%, Malaysia: 36%, Singapore là 59%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.