Tuổi hồng trong tranh Mường Mán

GD&TĐ - Hội họa chiếm phần lớn cảm xúc của nhà văn Mường Mán - sau khi ông đã đóng góp cho làng văn gần 30 tác phẩm văn học.

Bức tranh “Nguyệt cầm trắng”.
Bức tranh “Nguyệt cầm trắng”.

Nhà văn – họa sĩ Mường Mán vừa ra mắt triển lãm mỹ thuật mang tên “Mùa chim gọi cưới”. Ở tuổi 75, nhưng sức sáng tạo của ông không kém người trẻ. 56 bức tranh chủ yếu bằng chất liệu sơn dầu đang thu hút người yêu hội họa đến với không gian quán Ruốc.

Những bức tranh thơ

Tại không gian quán Ruốc – một địa chỉ văn hoá quen thuộc với giới văn nghệ sĩ Thành phố Hồ Chí Minh, người xem có dịp chiêm ngưỡng các tác phẩm mới của Mường Mán.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cho rằng, mỗi tác phẩm ở đây như một bức tranh thơ: “Lối vẽ diễn ý, đậm cấu tứ. Có lẽ Mường Mán vẽ tranh cũng giống như việc viết một bài thơ hoặc truyện ngắn vậy, sau khi đã lập ý lập tứ rõ ràng thì mới bắt đầu”.

Nhà văn Mường Mán tên thật Trần Văn Quảng, sinh năm 1947 tại Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Hương vị cố hương được ông gửi gắm ở nhà hàng Ruốc - rất nổi tiếng với những đặc sản xứ Huế, còn thương nhớ cố hương được ông truyền tải trong những tác phẩm văn chương.

Nhà văn Mường Mán chia sẻ: “Sinh thời, khi biết tôi viết văn, làm thơ đăng báo có nhuận bút, in sách và viết kịch bản phim được trả tiền tác quyền, mẹ tôi hết sức ngạc nhiên. Bà nghiêm giọng: “Chữ nghĩa của Thánh hiền, sao con dám mang đi bán? Tội chết!”.

Cha tôi vốn là người đã khai tâm, dạy mẹ học chữ quốc ngữ nên bà rất kính trọng chữ nghĩa. Tôi giải thích, mẹ mới vỡ lẽ, thì ra viết văn cũng là một cái nghề lương thiện. Dẫu vậy, tôi thường nhớ câu bảo ban ấy của mẹ, mỗi lần bắt đầu viết một tác phẩm”.

Theo nhà nghiên cứu Lý Đợi, Mường Mán vốn mê vẽ từ thời học cấp ba ở Trường Quốc học Huế, nhưng không được gia đình ủng hộ. Rồi cuộc đời và văn chương kéo đi, kinh qua nhiều nghề, trong đó có làm bìa sách và vẽ minh họa, mãi sau này mới quay lại vẽ tranh.

Từ tác phẩm đầu tay “Lá tương tư” in năm 1974 đến nay, nhà văn Mường Mán đã xuất bản gần 30 cuốn sách, bao gồm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim... Trong đó, có nhiều tác phẩm được bạn đọc yêu mến như: “Chiều vàng hoa cúc”, “Khóc nữa đi sớm mai”, “Trăng không mùa”, “Muối trăm năm”...

Cách nay 18 năm, khi quyết định nghỉ hưu non ở quãng tuổi quá nửa đời người. Mường Mán rẽ ngang vào hội họa bằng cách chuyển thể các bức tranh minh họa. Suốt gần 15 năm trình bày bìa và vẽ minh họa cho sách báo, Mường Mán còn giữ được hơn 300 tranh và phác thảo, nên giờ túc tắc “chuyển soạn” chúng lên vải bố và sơn dầu.

Nhà văn – họa sĩ Mường Mán.

Nhà văn – họa sĩ Mường Mán.

Tình yêu tuổi hồng

“Về kỹ thuật, tranh của Mường Mán pha trộn tinh thần lãng mạn với biểu hiện và một chút hiện thực huyền ảo. Về bảng màu, tranh của ông vừa có nét quen thuộc của trường phái Huế, thâm trầm, mơ mộng, vừa có nét lãng mạn của mỹ thuật Gia Định trước 1975, với chút man mác buồn đặc trưng” – Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi.

Với 65 tác phẩm đủ kích cỡ khác nhau, cho thấy nhà văn – họa sĩ Mường Mán ở tuổi 75 vẫn còn dồi dào sức sáng tạo và rất đắm đuối với những sắc màu cuộc sống.

Ông vẽ khá nhiều màu sắc hạnh phúc của đôi lứa và cho rằng, đấy cũng là một hiện thực. Ông trân trọng điều đó khi nhìn về quãng đời tuổi trẻ.

Tranh ông đậm màu sắc tuổi hồng, bởi ông coi đó là giai đoạn đẹp nhất của đời người. Nhưng cách ông thể hiện lại thật trong sáng, ngay cả một nỗi buồn cũng đẹp đến nỗi người ta phải nhìn thẳng để thấu hiểu.

“Nhưng cũng có những tranh mang tựa y chang tên các tiểu thuyết hoặc truyện ngắn của tôi như “Bèo nước long đong”, “Tuần trăng mê hoặc”... cũng có bức vẽ từ cảm xúc của một bài thơ, hoặc tứ thơ nào đó mà tôi đã viết”, họa sĩ Mường Mán cho hay.

“Bèo nước long đong” lấy tên từ một tác phẩm mà ông viết, thể hiện thân phận con người với cuộc đời trôi nổi không bến đỗ. Con mèo đậu trên đầu, với gam màu xanh đen trầm buồn. Một bố cực thật đơn giản nhưng chiều sâu thì dường như chỉ cần được biểu lộ qua ánh mắt - của con người lẫn con mèo.

“Bông hồng từ cõi trăng xa”, theo Mường Mán lúc đầu ông chỉ định vẽ hai chị em cô bé và chú mèo trên tay, nhưng khi đang hoàn thành thì chợt có một ý tưởng vẽ thêm một bông hồng đến từ vầng trăng phía xa để thêm phần huyền ảo.

Cũng có trường hợp ý tưởng từ đầu là một vấn đề thời sự, nhưng Mường Mán lại chọn thủ pháp huyền ảo để thể hiện. “Mộng” là một ví dụ, nếu không được giới thiệu, sẽ ít ai hình dung đây là nhà thơ dùng chất liệu hội họa để vẽ bức tranh về nạn phá rừng.

Mường Mán còn chăm chút cho từng dòng chú thích. Chính ở đây, người xem đôi khi bắt gặp cả thơ, cả vè, cả đồng dao. Như bức tranh “Chợ” được ông chú thích thế này: “Đen trắng được thua/ mày mua tao bán/đắng cay hóa mật/mày bán tao mua/qua một giấc mơ/mày thăng tao biến”. Hay “Bông hồng từ cõi trăng xa/chúc em trần thế mặn mà sắc duyên”, “Cõi xanh ươm lại mộng/từ lớp lớp mơ phai”.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho rằng, nét vẽ của Mường Mán mang phong cách của nhà thơ. Điểm khác biệt ở sự chỉn chu, bố cục đâu ra đó và cách phối màu cũng khác giới họa sĩ thường có những khoảng phóng túng nhất định.

Xem tranh của Mường Mán, công chúng như thấy mình trong đó, thấy thời tuổi hồng đẹp đẽ với tình yêu và khát vọng.

Như bài thơ ông viết: “Vẽ gương không bóng ai soi/vẽ má vắng tựa, vẽ vai thiếu kề/ vẽ cửa han rỉ bản lề/vẽ bướm lạc lối đi về từ khi… vẽ xuân trăng tròn đầy khuôn/vẽ thu xiêm lộng dưới nguồn sương sa/vẽ tục lụy vẽ phù hoa/thênh thang cõi mộng bao la cõi đời/vẽ thiên hạ chẳng vẽ tôi/bởi lòng em xóa tôi rồi còn đâu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cờ Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc Kharkov

Cờ Nga tung bay ở Kharkov

GD&TĐ - Lá cờ của Liên bang Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc vùng Kharkov hôm 4/5/2024.
Công cụ trí tuệ nhân tạo giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.

Singapore thận trọng sử dụng AI

GD&TĐ - Các trường đại học Singapore áp dụng cởi mở nhưng thận trọng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và thực hành.
Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

GD&TĐ - An ninh trật tự Haiti liên tục phải chịu những biến cố, từ vụ ám sát tổng thống đến động đất và tình trạng bạo lực từ các băng đảng.