Phim truyện về Chiến dịch Điện Biên Phủ: Những nỗ lực đã xứng tầm?

GD&TĐ - Năm 1959, bộ phim ‘Chung một dòng sông’ được sản xuất, đánh dấu sự ra đời và phát triển của phim truyện điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Một cảnh trong phim 'Sống cùng lịch sử'. Ảnh: ITN.
Một cảnh trong phim 'Sống cùng lịch sử'. Ảnh: ITN.

Từ đó, hàng loạt tác phẩm phim truyện phản ảnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nối tiếp nhau ra đời, trong đó không thể thiếu những bộ phim về Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, số lượng phim còn ít ỏi cũng như chưa có tầm vóc tương xứng với đề tài.

Từ lịch sử đến những câu chuyện phim

“Lá cờ chuẩn”, “Hoa ban đỏ”, “Ký ức Điện Biên”, “Sống cùng lịch sử” là những tác phẩm phim truyện điện ảnh Việt lấy đề tài, nguồn cảm hứng từ chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

“Lá cờ chuẩn” được sản xuất năm 1965, do đạo diễn người Nga Uda đảm nhiệm, NSND Nguyễn Khắc Lợi làm phó đạo diễn. Là tác phẩm sớm nhất về Điện Biên Phủ, “Lá cờ chuẩn” được thực hiện với phương tiện kỹ thuật còn thô sơ, song cấu tứ, sự phát triển của tuyến truyện chặt chẽ, chắc chắn.

Để lấy tọa độ cho pháo binh bắn chính xác, chiến sĩ Lục đã xung phong đi cắm lá cờ chuẩn tại cứ điểm Nà Noọng nhưng cắm xong cờ lại bị địch bắn đổ. Lục dũng cảm vượt làn đạn lên cắm cờ lần thứ hai và lần này thành công. Pháo ta nã đạn chính xác vào trận địa địch, yểm trợ cho bộ đội xông lên tiêu diệt cứ điểm cuối cùng.

Bối cảnh phim “Lá cờ chuẩn” chân thực sống động. Diễn xuất của diễn viên dù ở buổi đầu của điện ảnh nước nhà nhưng khá tự nhiên, nhuần nhuyễn. Tiếc là do thời gian và công tác bảo quản nên đến nay hình ảnh và âm thanh phim bị ảnh hưởng nhiều, công chúng cũng ít người biết đến. Đó dường như là số phận chung của phần nhiều phim đen trắng xưa.

“Hoa ban đỏ” (đạo diễn NSND Bạch Diệp) ra mắt năm 1994 nhân kỉ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Truyện phim khai thác mối quan hệ gần gũi giữa những người lính chiến với chiến sĩ văn công và dân công phục vụ chiến dịch, khắc họa tình yêu quê hương, tinh thần quả cảm, tình yêu tuổi trẻ giữa khói lửa chiến trường đồng thời cũng nhẹ nhàng phê phán thói ích kỷ thực dụng ở một số cá nhân.

Hai diễn viên chính Trần Lực và Thu Hà được khán giả yêu mến bởi ngoại hình đẹp, trẻ trung. “Hoa ban đỏ” đi theo mạch truyền thống, mang âm hưởng anh hùng ca và cảm hứng lãng mạn. Sự hồn nhiên và tình người trong trẻo là sức mạnh nâng đỡ quân và dân ta trên chiến trường, làm nên chiến thắng vĩ đại.

10 năm sau, “Ký ức Điện Biên” (đạo diễn NSUT Đoàn Minh Tuấn) được thực hiện với quy mô rộng hơn cả về bối cảnh, đường dây câu chuyện và ý đồ nghệ thuật.

Trên nền mối quan hệ giữa ba nhân vật chính là người lính Điện Biên tên Bạo, y tá Mây và Bernard – một hàng binh Pháp, chuyện phim tái hiện không khí chiến dịch gian khổ, lòng yêu nước yêu hòa bình của nhân dân ta mong muốn khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. “Ký ức Điện Biên” được Nhà nước đầu tư kinh phí hơn 13 tỉ đồng - mức đầu tư rất lớn ở thời điểm đó.

Cũng lại 10 năm sau, “Sống cùng lịch sử” (đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân) với kinh phí hơn 20 tỉ đồng – mức đầu tư chưa từng có dành cho phim Nhà nước. Với độ lùi 60 năm sau chiến thắng lịch sử, bộ phim không che giấu tham vọng trở thành một tác phẩm lớn, hướng tới đối tượng khán giả trẻ nhằm tạo sự kết nối giữa thế hệ hôm nay với quá khứ hào hùng của cha ông.

Một tác phẩm khác không thể không nhắc đến, đó là “Điện Biên Phủ” của điện ảnh Pháp. Tác phẩm ra mắt năm 1992, đạo diễn Pierre Schoendoerffer vốn là cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch này. Phim thành công về hình ảnh và âm thanh, tái hiện những lát cắt trong cuộc giằng co 56 ngày đêm giữa quân Pháp và bộ đội ta ở các cứ điểm thuộc lòng chảo Điện Biên Phủ.

Song song với trải nghiệm tồi tệ tại chiến trường là những hình ảnh Hà Nội - chốn phồn hoa ăn chơi của người Pháp, nơi cánh nhà báo quốc tế không bỏ qua một động thái nào trong diễn biến quân sự và chính trị giữa hai bên. Với cái nhìn khách quan, phim khắc họa không khí chán nản, rã rời, tuyệt vọng nơi binh lính Pháp trước những họng kìm tấn công của Việt Minh đang ngày càng siết chặt.

Một cảnh trong phim 'Ký ức Điện Biên'. Ảnh: ITN.

Một cảnh trong phim 'Ký ức Điện Biên'. Ảnh: ITN.

Nỗ lực nhưng chưa xứng tầm

Khó khăn luôn là điều được nhà làm phim tính đến khi bắt tay vào các dự án phim truyện lịch sử - chiến tranh, bởi những yếu tố đặc thù của dòng phim đòi hỏi sự tái hiện chân thực, chính xác đến từng chi tiết nhỏ.

Mặt khác, được lựa chọn tham gia tác phẩm điện ảnh về đề tài này cũng là vinh dự của người làm phim. Đó là dịp để họ được trổ hết năng lực, tài nghệ, là dịp tri ân Tổ quốc, dân tộc và những người đã ngã xuống.

Đến bây giờ, “Ký ức Điện Biên” vẫn là một phim tốt về chiến tranh của điện ảnh Việt. Bên cạnh câu chuyện về cuộc chiến, tình yêu, tác phẩm còn gợi mở những vấn đề của quá khứ - hiện tại và tương lai giữa hai dân tộc.

Trong cuộc chiến phi nghĩa mà phía Pháp là những kẻ đi xâm lược vẫn có những người lính thấu hiểu và yêu chuộng hòa bình, tự nguyện rời bỏ hàng ngũ để đi về phía chính nghĩa. Họ là những hạt nhân, những cầu nối tuy bé nhỏ mà ý nghĩa để hai dân tộc xích lại gần nhau trong ánh sáng của thời đại mới.

Cũng vậy, các thế hệ người Việt sau này, người ảnh hưởng bởi dư chấn chiến tranh, người lãng quên quá khứ, mỗi thế hệ có lẽ cần một phương thức “chữa lành” khác nhau để hoàn thiện về tâm hồn và cảm xúc.

Được đầu tư khá chỉn chu, song “Ký ức Điện Biên” chưa phải một tác phẩm tầm vóc. Dụng công trong lối kể chuyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại, số phận cá nhân gắn với lịch sử, những khoảng bình yên đi cùng với bom đạn chiến trường, song bộ phim vẫn không giấu được những đoạn dài dòng tẻ nhạt, loay hoay với mối quan hệ giữa ba nhân vật chính.

Trong khi không khí ngoài trận địa nóng lên từng giờ thì Bạo, y tá Mây và hàng binh Bernard ở trong tình trạng “dùng dằng” sống chậm với các tình huống áp giải tù binh, rồi bị thương, bị lạc, giận dỗi hiểu nhầm… Các chi tiết xoay quanh mối quan hệ của ba nhân vật này “chiếm sóng” khá nhiều, làm nhạt bầu không khí chiến tranh.

“Ký ức Điện Biên” nếu để tên ban đầu là “Người hàng binh” có lẽ hợp lý hơn, đúng với mạch truyện chính, giúp cho đạo diễn mạnh tay khai thác những tình huống vừa éo le vừa khác biệt chỉ có nơi đạn bom cũng như bồi đắp cho tính cách của ba nhân vật chính sắc nét hơn.

Đến “Sống cùng lịch sử”, không nói chuyện thất bại ngoài rạp chiếu thương mại thì bản thân tác phẩm này đã không đáp ứng được như kỳ vọng ban đầu là “tạo ra bước đột phá cho mảng phim lịch sử”.

Đạo diễn, biên kịch và quay phim đều là những gương mặt “có số má” của điện ảnh phía Bắc, các diễn viên chính trẻ đẹp, phim được đầu tư về kỹ xảo, các tình huống có hùng, có bi, có yếu tố cá nhân chứ không đi theo mô-típ chủ nghĩa anh hùng cách mạng chung chung… Đạo diễn cũng không ngần ngại sử dụng cảnh nóng, lời thoại của đôi lứa yêu nhau nhằm thu hút khán giả trẻ.

Song phim vẫn không hấp dẫn, ý đồ kết nối giới trẻ “sống cùng lịch sử” bị thất bại ngoài đời thực. Vì sao? Nguyên nhân chính bởi vì đường dây câu chuyện không đủ thuyết phục, chưa nói nó gượng gạo, có phần “giả trân” với những lời thoại cũ kỹ và sáo rỗng, lối diễn phải gồng mình lên của diễn viên, cùng những chi tiết minh họa lịch sử đơn giản, như các chi tiết gợi nhắc đến người anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, Phan Đình Giót lấp lỗ châu mai, hay đoạn cuối có sự xuất hiện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp giống như minh họa từ một cuốn truyện tranh bước ra.

Phim truyện điện ảnh Việt, nhất là với phim về lịch sử và chiến tranh luôn mắc các lỗi muôn thuở về phục trang, hóa trang như quần áo mới quá, nhân vật “có da có thịt”, trắng trẻo quá, không phù hợp với hoàn cảnh khắc nghiệt thiếu ăn thiếu mặc và phải chiến đấu, đào hầm hào cả ngày lẫn đêm.

Những lỗi đó người xem dễ dàng nhận ra song vẫn vui lòng bỏ qua. Vả lại, khán giả cũng luôn thấu hiểu và chia sẻ với người làm phim những khó khăn mà họ phải đối diện trong suốt quá trình quay, dựng, làm hậu kỳ cho phim… Sau tất cả, bộ phim đó diện mạo như thế nào?

Ở góc độ này, các phim truyện điện ảnh lấy đề tài Chiến dịch Điện Biên Phủ đều chưa được như kỳ vọng của người xem. “Hoa ban đỏ” giàu chất thơ, “Ký ức Điện Biên” và “Sống cùng lịch sử” đưa ra những thông điệp có tính thời đại. Nhưng tất cả chưa vượt lên trở thành tác phẩm xuất sắc.

Các nhân vật trong phim, từ nhân vật chính đến nhân vật phụ đều có tính minh họa cho các lực lượng bộ đội, y tế, dân quân, anh nuôi… là những lực lượng có mặt ở chiến trường Điện Biên Phủ. Phim nào cũng có cảnh chiến hào, máy bay địch thả dù, pháo và đạn, thương vong giữa hai bên, cảnh mưa dầm, đường trơn dốc, cảnh kéo pháo vào trận địa, cảnh ăn cơm nắm…

Những hình ảnh rất điển hình rất riêng biệt chỉ có ở Điện Biên Phủ 56 ngày đêm. Song điều ấy cũng khiến cho phần tạo bối cảnh của từng phim na ná nhau. Và từng phim cũng chỉ tái hiện một góc, một phần nhỏ của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những đại cảnh chưa đủ tầm vóc gợi mở sự kỳ vĩ, hào hùng, bi tráng, vĩ đại, có một không hai của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Một cảnh trong phim 'Lá cờ chuẩn'. Ảnh chụp từ màn hình.

Một cảnh trong phim 'Lá cờ chuẩn'. Ảnh chụp từ màn hình.

Lịch sử đòi hỏi nhiều hơn thế

Lịch sử luôn lặng im bởi còn nhiều vấn đề lớn chưa thể giải quyết, chưa thể thấu đáo. Nhưng khán giả đòi hỏi. Đòi hỏi một tác phẩm xứng với tầm vóc Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Và đòi hỏi ấy là xác đáng.

Các tài liệu từ phía Pháp cũng như các nghiên cứu về lịch sử và quân sự của nước ta đã giúp thế hệ sau hiểu được mục đích chính của thực dân Pháp khi xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bất khả xâm phạm, tầm quan trọng của cứ điểm này đối với toàn Đông Dương. Và thực tế, trận Điện Biên Phủ không chỉ là trận đánh lớn nhất trong chiến tranh Đông Dương. Đó là trận đánh lớn của thế giới.

Ở thời điểm 1954, Việt Nam là một đất nước lạc hậu, nghèo đói, vừa trải qua đêm dài nô lệ lại bước vào trường kỳ kháng chiến. Việt Nam đã chiến thắng bằng sức mạnh của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, bằng ý chí và quyết tâm của một dân tộc luôn lấy chính nghĩa để vượt qua bão tố phong ba hàng nghìn năm lịch sử. Hạt nhân của sức mạnh ấy là ngọn lửa yêu nước không bao giờ tắt.

Một cảnh trong phim 'Hoa ban đỏ'. Ảnh chụp từ màn hình.

Một cảnh trong phim 'Hoa ban đỏ'. Ảnh chụp từ màn hình.

Điện Biên Phủ kết nối Việt Nam với quá khứ và tương lai. Từ đây, cả thế giới biết đến Việt Nam, cả thế giới ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và vị Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp - một trong những danh tướng của thế giới, thiên tài quân sự lỗi lạc thế kỷ 20.

Có quá nhiều chất liệu để xây dựng những tác phẩm bề thế về Điện Biên Phủ, về những nhân vật đặc biệt gắn với sứ mệnh thiêng liêng mà dân tộc đã giao phó.

Và khi chưa đủ kinh phí cũng như tài năng, kinh nghiệm để thực hiện một bộ phim lớn về chiến tranh như các nền điện ảnh thế giới đã thực hiện, thì cần chọn cách khai thác, cách tiếp cận lịch sử mới mẻ sâu sắc hơn ở những tác phẩm có quy mô và kinh phí vừa phải, tránh cái nhìn minh họa, một chiều.

70 năm đã qua. Bãi bể nương dâu. Đời người chớp mắt.

Điện ảnh Việt còn nợ lịch sử ít nhất một tác phẩm xứng tầm!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.