Từng bước hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự

Từng bước hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự

(GD&TD)-Ngày 22/12, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã họp phiên thứ ba, dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo.

Cần
Cần từng bước kết hợp và chuyển mô hình tố tụng hình sự từ thẩm vấn hiện nay sang mô hình tố tụng tranh tụng (ảnh MH)

Phiên họp lần thứ 3, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương lần này trung thảo luận cho ý kiến về hai đề án đó là: Đề án “Nghiên cứu việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện Công tố” và đề án “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam” do Viện Kiểm soát Nhân dân tối cao xây dựng.

Đây là hai đề án công đã được xây dựng công phu, nghiêm túc, tập hợp trí tuệ và ý kiến đóng góp của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh việc nghiên cứu về mô hình tố tụng hình sự Việt Nam và chuyển Viện Kiểm sát thành Viện Công tố là những vấn đề lớn cần được tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng bảo đảm đúng các Văn kiện của Đảng, bám sát tình hình cụ thể về chính trị, kinh tế - xã hội của Việt Nam, có sự tham khảo các mô hình của quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Tờ trình của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho biết, cải cách tư pháp hình sự là một trong những nội dung quan trọng của cải cách tư pháp nhằm mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

Chủ trương cải cách nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong chức năng và hoạt động của các cơ quan tư pháp, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, bảo đảm việc xử lý kịp thời và nghiêm minh, thực hiện dân chủ hơn nữa trong hoạt động tố tụng hình sự, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đồng thời, thể chế hóa các chủ trương đường lối của Đảng như Nghị quyết 48/NQ-TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đén năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49/NQ-TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Vì vậy, việc xây dựng mô hình tố tụng hình sự Việt Nam lấy Tòa án làm trung tâm cải cách tư pháp. Từng bước kết hợp và chuyển mô hình tố tụng hình sự từ thẩm vấn hiện nay sang mô hình tố tụng tranh tụng, tăng cường tối đa vai trò của luật sư và hệ thống giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu mô hình tổ chức của Viện Kiểm sát sao cho đáp ứng tốt nhất yêu cầu cải cách tư pháp. Tuy nhiên, theo ông Lê Hữu Thể - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khi trao đổi về đề án chuyển Viện Kiểm sát thành Viện Công tố cho rằng việc chuyển đổi mô hình là chưa phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta, do đó cần giữ nguyên mô hình Viện Kiểm sát hiện nay nhưng phân định rõ nhiệm, vụ quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan tố tụng; đồng thời tăng cường thêm chức năng của Viện Kiểm sát đặc biệt là kiểm sát tuân theo pháp luật.

Qua nghiên cứu, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, cần thiết tiếp tục duy trì và phát huy những ưu điểm vốn có của mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn, tiếp thu những hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng hình sự tranh tụng, phù hợp với các điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Ông Phạm Quốc Anh - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng nên thực hiện mô hình Viện kiểm sát hỗn hợp đó là thực hiện quyền công tố và chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Về mô hình tố tụng hình sự cần nâng cao vai trò của luật sư, hội thẩm nhân dân để tăng tính tranh tụng tại các phiên tòa.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh cho rằng cần nghiên cứu thay đổi mô hình tố tụng, bởi theo Nghị quyết 08 và 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp cũng đã nhấn mạnh đến vấn đề tranh tụng để đảm bảo tính dân chủ trong mỗi phiên tòa và phải coi tòa án là vai trò trung tâm của quá trình tố tụng.

Nguyễn Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ