Túi ni lông tự phân hủy, gậy nhặt rác - sáng chế hữu ích của các em nhỏ

GD&TĐ -  Bằng niềm đam mê với khoa học cùng với tình yêu thiên nhiên, các em đã tạo ra những sản phẩm độc đáo, thân thiện với môi trường. Tuy vẫn còn nhiều điểm hạn chế hoặc chưa được ứng dụng rộng rãi, nhưng các em đã biết cách biến ý tưởng thành hiện thực và truyền cảm hứng cho cộng đồng trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Túi ni lông tự phân hủy, gậy nhặt rác - sáng chế hữu ích của các em nhỏ

Túi ni lông từ tinh bột cán mỏng

Vốn có niềm đam mê với khoa học nên 2 nữ sinh Nguyễn Cẩm Bình Minh và Nguyễn Cẩm Kiều Khanh (lớp 12 trường THPT chuyên Quốc học Huế) đã cùng nhau tìm hiểu, thực hiện rất nhiều ý tưởng sáng tạo, giúp ích cho cuộc sống, trong đó nổi bật là sáng chế dùng tinh bột cán mỏng thành màng và tạo thành túi sinh học kháng khuẩn có khả năng phân hủy thay thế túi ni lông.

tui ni long tu phan huy, gay nhat rac - sang che huu ich cua cac em nho hinh anh 1

Hai nữ sinh say mê khoa học của trường Quốc học Huế với sáng chế túi ni lông tự phân hủy, thân thiện với môi trường.

Nguyễn Cẩm Bình Minh cho biết: “Túi ni lông rất tiện lợi nhưng lại đang là vấn nạn môi trường. Người ta tính rằng, vứt bỏ một túi ni lông chỉ tốn 1 giây, nhưng nếu không có sự tác động bởi nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời thì phải mất từ 500 - 1.000 năm mới có thể phân hủy được. Nhận thức được điều này nên 2 đứa em đã nghĩ đến việc tìm ra một loại chất có thể phân hủy để tạo thành túi thay thế túi ni lông”.

Bình Minh cho hay nguyên liệu để các em chế tạo túi sinh học kháng khuẩn là dung dịch bạc nano 100 ppm, Polyvinyl anlcol (PVA) tinh khiết dạng bột, tinh bột sắn và glyxerol 99%. Kiều Khanh cũng cho biết thêm rằng ý tưởng này xuất phát từ việc em vô tình phát hiện bột lọc có khả năng tạo được màng mỏng có độ bền nên em nghĩ đến việc dùng tinh bột cán mỏng thành màng rồi từ màng tạo thành túi. 

Để tạo túi, các phần tử tinh bột dàn phẳng ra sắp xếp lại và tương tác trực tiếp với nhau nhờ liên kết hydro và gián tiếp qua phân tử nước, PVA có khả năng tạo túi, túi PVA có độ bền kéo đứt tốt.

Sự kết hợp của PVA và tinh bột sẽ tạo ra một sản phẩm giúp cải thiện các tính chất của các nguyên liệu để tạo túi. Ngoài ra, các em còn sử dụng các nguyên liệu phụ gia cần thiết như glyxerol trong chế tạo màng từ nano bạc và tinh bột sắn để làm tăng khả năng gia công của tinh bột.

Thầy Lê Đại Vương (Giáo viên hướng dẫn) 2 em đánh giá cao tinh thần làm việc của hai em Minh và Khanh, các em chủ động tìm đề tài, có khả năng diễn đạt ý tưởng tốt và đam mê khoa học.

“Túi sinh học có khả năng phân hủy trong thời gian 2 tháng, có độ an toàn, bền, trong thành phần có tổ hợp nano bạc nên có khả năng kháng khuẩn. Sản phẩm bảo quản được các sản phẩm khô, còn ướt thì chưa bảo quản được nên trong thời gian tới hai em sẽ khắc phục hạn chế này”, thầy Đại Vương chia sẻ.

Gậy nhặt rác chỉ với 100.000 đồng

Cũng là sáng chế bảo vệ môi trường nhưng Lê Huỳnh Đức, học sinh lớp 12 Trường THCS - THPT Phú Quới, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) lại có ý tưởng sáng tạo rất đơn giản lại hiệu quả, đó là dụng cụ giúp mọi người thuận tiện hơn trong việc nhặt rác.

tui ni long tu phan huy, gay nhat rac - sang che huu ich cua cac em nho hinh anh 2

Biến tấu từ gậy tự sướng, cậu học trò Lê Huỳnh Đức đã sáng chế chiếc gậy nhặt rác tiện lợi, giá rẻ.

Đức kể: rất nhiều người thường đả kích và phê phán các bạn trẻ vì ý thức giữ gìn môi trường kém, hiểu điều này, Đức đã nghĩ đến việc chế tạo ra 1 dụng cụ có thể thu gom rác dễ dàng, tiện lợi, lại sạch sẽ. Chính vì vậy đầu năm lớp 12, Đức bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình. Sau mấy tháng mày mò nghiên cứu, lắp ráp thử nghiệm, cúng cùng Đức cũng hoàn thành sản phẩm như ý muốn.

“Gậy môi trường” có kích thước gọn nhẹ, phần thân chính là gậy chụp hình “tự sướng” kết nối với một tay thắng xe đạp, dây thắng được đưa vào bên trong gậy, phần cuối dây sẽ nối hai càng gắp. Đức lý giải: “Khi muốn nhặt rác chỉ cần bóp tay thắng sẽ tạo ra lực kéo làm gập càng gắp, giúp giữ chặt được rác”.

Ngoài hỗ trợ việc nhặt rác, Đức còn lắp thêm công tắc điều khiển ở tay cầm của gậy nhằm trang bị cho gậy tính năng mới là hút bụi và giấy vụn trong môi trường lớp học. Trên đầu gậy còn gắn nam châm từ nên có thể dễ dàng hút sạch được cả bụi kim loại...

Điểm thú vị là Đức tận dụng những vật liệu đã qua sử dụng như gậy chụp hình tự sướng, hộp phấn viết bảng, đèn pin sạc nhiều lần, dây thắng xe đạp, nam châm... để tạo ra chiếc “gậy môi trường” đa năng nhưng kinh phí chỉ vỏn vẹn 100.000 đồng.

Theo Dân Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ