Tục ngủ duông của người Cơ Tu

GD&TĐ - Với người Cơ Tu xưa, trai gái đến tuổi xây dựng gia đình sẽ tìm hiểu tính cách và lối sống của nhau qua tục ngủ duông.

Múa tung tung za zá của người đồng bào Cơ Tu tại Đà Nẵng. Ảnh: Khánh Nguyên - Hoàng Vinh.
Múa tung tung za zá của người đồng bào Cơ Tu tại Đà Nẵng. Ảnh: Khánh Nguyên - Hoàng Vinh.

Trong thời gian ngủ duông, nếu thấy hợp nhau thì xin phép già làng để tiến đến hôn nhân…

Ngủ duông để chọn ý trung nhân

Ông Lê Văn Nghĩa - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) cho hay, ngủ duông hay còn được gọi là “lướt zướng” là tập tục lâu đời của người Cơ Tu. Đó là hình thức trai gái tìm hiểu nhau một cách công khai, hợp pháp trong mắt làng bản, không phải giấu giếm, lén lút.

Theo ông Nghĩa, trong quá trình sinh sống và làm lụng, nam nữ Cơ Tu nếu tìm được một người hợp ý mình thì bắt đầu làm nhà ngủ duông. Nói là ngủ, nhưng với ngủ duông không có nghĩa là đến để ngủ, mà là tâm sự, trò chuyện để tìm hiểu về nhau.

“Để ngủ duông phải làm nhà ngủ duông. Gọi là nhà ngủ duông nhưng thực chất đây là những chòi nhỏ ở nương rẫy hoặc các nhà trên tán cây. Chàng trai nào có điều kiện thì dựng căn nhà tương đối kiên cố, có đầy đủ vật dụng không thua gì một ngôi nhà nhỏ trong làng. Nhưng cũng có nhiều chàng trai chỉ chọn cách dựng một cái chòi nhỏ làm bằng cây lá có sẵn trong rừng, chủ yếu sao che được mưa nắng và mọi người không nhìn thấy.

Tuy nhiên, trước khi ngủ duông phải xin phép già làng. Sau khi được sự đồng ý của già làng, theo luật Cơ Tu, con trai muốn đi duông với các cô gái thì phải mang lễ vật gồm: Vòng đeo cổ, hạt cườm và một số đồ vật có giá trị đến nhà gái để xin phép.

Nếu cha mẹ cô gái đồng ý thì đôi trai gái chính thức được qua lại và ngủ duông với nhau. Trường hợp cô gái không đồng ý nhưng ba mẹ đã nhận lễ vật của nhà trai thì cô gái ấy cũng phải ngủ duông”, ông Nghĩa chia sẻ.

Theo Bí thư Chi bộ thôn Phú Túc, trong luật Cơ Tu rất rõ ràng, người ngủ duông phải từ 18 tuổi trở lên và thời gian ngủ duông diễn ra trong 5 đến 10 tối hoặc cũng có thể lâu hơn.

Người con trai, sau khi ngủ duông với một cô gái, thấy không ưng cái bụng, có thể lại mang lễ đến nhà cô gái khác để xin được ngủ duông. Có chàng trai ngủ duông với rất nhiều cô gái. Ngược lại cũng có nhiều cô gái ngủ duông với rất nhiều con trai.

Nếu cả hai đồng ý thì tiến đến hôn nhân, tuy nhiên điều cấm kỵ nhất đó là không được để có thai trong quá trình ngủ duông.

“Luật tục Cơ Tu cũng quy định rất rõ, trong đó nghiêm khắc trừng trị những trường hợp quan hệ tình dục bừa bãi và có thai trước khi cưới. Tùy vào mức độ vi phạm, chàng trai bị phạt rất nặng, có thể bị đuổi ra khỏi làng hoặc làng bắt người con trai đó phải giết lợn, có khi là trâu, bò, mang từng phần đến từng gia đình trong làng để tự thú tội và chia cho cả làng cùng ăn. Ngoài ra có thể nhà trai phải đền bù cho nhà gái gồm: Ché, chiêng, đồ trang sức quý... hoặc phải chịu nợ truyền kiếp từ đời này sang đời khác và bị cộng đồng ruồng bỏ không ai tiếp xúc.

Trong khi đó, cô gái sẽ chịu cảnh bị chửi rủa, hoặc suốt đời phải sống một mình. Hình phạt nặng này từ xa xưa đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây cho nên trai gái Cơ Tu khi tiếp xúc, quan hệ tình cảm với nhau đều luôn có ý thức giữ gìn, tôn trọng đạo đức. Người con trai phải thực sự bản lĩnh và sáng suốt, không được đi quá giới hạn cho phép”, ông Nghĩa thông tin.

Khi đôi trẻ đồng ý với nhau, hai bên gia đình cũng có vài lần tiếp xúc, trao đổi để hiểu nhau hơn.

Sau đó, nhà trai nhờ một người trung gian mà ở đây chính là ông mai hoặc bà mối, người Cơ Tu gọi là Bhrla, đến nhà gái đặt vấn đề. Khi đi, nhà trai sắm cho người Bhrla một con gà làm lễ vật đến xin già làng và nhà gái. “Lúc này, già làng bên gái giết con gà để báo với thần linh và đôi bên làm tiệc, uống rượu mừng, bàn bạc cho những việc tiếp theo”, ông Nghĩa nói.

Ông Lê Văn Nghĩa - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) trò chuyện với phóng viên.

Ông Lê Văn Nghĩa - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) trò chuyện với phóng viên.

Lưu truyền trong tâm trí

Bí thư Chi bộ thôn Phú Túc cho hay, tục ngủ duông giờ đây trong đời sống của người Cơ Tu không còn nữa. Bởi vì nó lạc hậu và tốn kém tiền của và không phù hợp với đời sống hiện đại.

“Trước đây, nếu nhà nào có nhiều con gái thì sau này nhất định nhà đó sẽ giàu. Vì lễ cưới xin của người Cơ Tu chúng tôi rất nghiêm ngặt, phải biện đầy đủ lễ vật. Vì sao tôi nói nhà có nhiều con gái sẽ giàu bởi gia đình nhà gái có quyền thách cưới và đặt ra những món đồ cưới cao sang. Nếu nhà trai muốn cưới thì phải đáp ứng đầy đủ đồ thách cưới bên nhà gái”, ông Nghĩa giải thích.

Ngoài ra, khi tổ chức lễ cưới, nhà trai và nhà gái phải xin phép già làng, khi già chấp thuận sẽ cho ngày tháng cụ thể để tổ chức. Lúc này đám cưới sẽ diễn ra và được tổ chức khá thịnh soạn. Không chỉ trong phạm vi của một gia đình mà cả một làng nơi người con trai, con gái đó đang sinh sống. “Nhiều đôi trai gái rất yêu nhau, muốn nên duyên vợ chồng nhưng vì gia đình nhà trai nghèo khó không thể lo được lễ cưới đành phải ngậm ngùi chia tay”, ông Nghĩa nói tiếp.

Chính vì những lý do đó, cùng với sự phát triển của xã hội và sự tiến bộ trong nhận thức, giờ đây tục ngủ duông của người Cơ Tu đã không còn nữa. Tục ngủ duông giờ đây chỉ còn trong tâm trí của những người lớn tuổi như ông Nghĩa. Dẫu vậy, song nét văn hóa ấy vẫn được lưu truyền trong mỗi câu chuyện của gia đình cũng như lời kể về tập tục người Cơ Tu xưa để thế hệ trẻ được biết.

Nhà gươl của đồng bào Cơ Tu thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Vinh.
Nhà gươl của đồng bào Cơ Tu thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Vinh.

“Tục ngủ duông của người Cơ Tu chúng tôi lúc trước đó là sự hội tụ của những nét đẹp văn hóa đặc sắc. Nó còn bảo lưu nhiều yếu tố truyền thống trong nghi thức đám cưới truyền thống của người Cơ Tu.

Và với yếu tố này, lễ tục vừa phản ánh đặc điểm tộc người, vừa có ý nghĩa giáo dục cộng đồng về hôn nhân được họ giữ gìn trân trọng từ bao đời. Giờ đây tục ngủ duông không còn nữa, nhưng phong tục mang đậm bản sắc của một cộng đồng cư dân miền núi nhiều năm qua vẫn được lưu truyền qua những câu chuyện kể. Chúng tôi kể để con cháu được biết tập tục cha ông xưa và ý thức về cội nguồn của cộng đồng dân tộc Cơ Tu”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ