Người Cơ Tu bớt đi rừng, chuyển hướng làm du lịch

GD&TĐ -Nguồn di sản, làng nghề, văn hóa đồng bào Cơ Tu, du lịch sinh thái với nhiều tiềm năng… đang góp phần phát triển du lịch bản làng ở Đà Nẵng.

Khách du lịch trải nghiệm văn hóa tại đồng bào Cơ Tu.
Khách du lịch trải nghiệm văn hóa tại đồng bào Cơ Tu.

Nguồn di sản, làng nghề, văn hóa đồng bào Cơ Tu phong phú, du lịch sinh thái với nhiều tiềm năng… đang là “mỏ vàng nguyên chất” góp phần phát triển du lịch bản làng ở Đà Nẵng.

Homestay giữa núi rừng

Cách đây khoảng 3 năm, anh Đinh Văn Như (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã bỏ vốn đầu tư mô hình Homestay A Lăng Như trên chính mảnh đất vườn gia đình.

Theo lời anh Như, đất đai ở khu vực Hòa Vang vốn khô cằn, thiếu nước. Cây trồng không mang lại hiệu quả kinh tế. Theo đề án phát triển du lịch cộng đồng của huyện, anh Như vay vốn đầu tư làm homestay với hy vọng đem lại nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống.

Theo quan sát, ngoài homestay chính, mảnh vườn của anh Như sau khi được cải tạo xuất hiện những chiếc lều bạt để phục vụ khách du lịch. Homestay của anh Như không chỉ là nơi vui chơi, nghỉ ngơi, du khách đến đây còn được trải nghiệm các nét đẹp truyền thống văn hóa bản làng như dệt thổ cẩm, đan lát, tắm suối và thưởng thức ẩm thực do chính đồng bào làm ra. Nhờ mạnh dạn đầu tư nên hiện tại nguồn kinh tế của gia đình anh đã bắt đầu được cải thiện.

Anh Như cho hay, sau khi gián đoạn vì dịch Covid-19, vài tháng trở lại đây, khách bắt đầu đặt tour vào các ngày cuối tuần. “Dù chưa thật sự đông, nhưng cũng mang lại nguồn thu tạm ổn. Các nông sản bà con làm ra cũng được du khách mua, giúp bà con tăng thêm thu nhập đáng kể”, anh Như chia sẻ.

Những lều du lịch cộng đồng của homestay A Lăng Như tại mảnh vườn.

Những lều du lịch cộng đồng của homestay A Lăng Như tại mảnh vườn.

Không chỉ anh Như, nhiều người dân trong thôn Giàn Bí cũng bắt đầu thực hiện mô hình du lịch cộng đồng nhằm giới thiệu văn hóa, sản phẩm địa phương đến với du khách.

Già làng Bùi Văn Siêng (72 tuổi) cho biết, khi có du khách đến thăm quan, già kể về truyền thống của bản làng cho du khách nghe. Dẫn khách đi thăm nhà Gươl. “Mỗi câu chuyện kể là một niềm tự hào về những nét văn hóa đặc trưng đồng bào Cơ Tu ở đây, vì thế cần trao truyền và chung sức gìn giữ cội nguồn”, già làng Bùi Văn Siêng nói.

Già làng Bùi Văn Siêng nói: “Trước đây cuộc sống của bà con rất khó khăn, chủ yếu đi rừng, làm nương rẫy không có thu nhập. Từ khi tham gia làm du lịch cộng đồng, bà con có thêm công việc mới để làm.

Người dân không phải dầm mưa dãi nắng ngoài trời, thỉnh thoảng dẫn khách đi tham quan, nấu nướng trong nhà, đỡ vất vả hơn rất nhiều. Hơn nữa, con gà, con cá, mớ rau, quả mít của người dân cũng bán được. Mừng hơn nữa là nhờ du lịch mà quảng bá được văn hóa của dân tộc Cơ Tu đến với khách quốc tế”.

Tìm cách “hút” khách nước ngoài

“Theo đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của UBND TP Đà Nẵng, địa phương sẽ hình thành 5 cụm, điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn kết hợp với sinh thái có khả năng cạnh tranh với các tỉnh, thành trong nước”.

Người dân tham gia vào mô hình cho rằng, trước đây cuộc sống của họ rất khó khăn, chủ yếu dựa vào nương rẫy. Từ khi có du lịch cộng đồng, họ có thêm công việc mới. Đặc biệt, thông qua du lịch, văn hóa người Cơ Tu được du khách khắp nơi biết đến.

“Tuy nhiên, việc nhận các tour khách du lịch nước ngoài không dễ. Và rào cản ngôn ngữ là điều khó nhất để mình giới thiệu bản sắc văn hóa đặc trưng của mình đến với họ.

Đoàn nào có phiên dịch viên thì dễ, đoàn không có thì cả chủ lẫn khách đều chỉ bập bẹ được vài tiếng rồi nhìn nhau ra dấu bằng tay là chủ yếu”, anh Đinh Văn Như (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bộc bạch.

“Nếu các cháu thanh niên có học ngoại ngữ, về lại bản làng tự mình làm cầu nối cho du khách với bà con dân bản thì việc thu hút khách nước ngoài không còn là vấn đề”, già làng Bùi Văn Siêng nói.

Khách du lịch trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm tại thôn Giàn Bí.

Khách du lịch trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm tại thôn Giàn Bí.

Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, homestay của anh A Lăng Như là công trình tiên phong đã giải quyết lao động tại chỗ là 5 người, còn lao động cộng đồng gián tiếp là khoảng 50 người.

Ông Tân cho rằng, để khuyến khích mọi người cùng làm du lịch thì tất cả đều phải vào vào cuộc, song hành chỉ bảo, hỗ trợ người dân từ những hoạt động ban đầu. Việc tiếp cận cộng đồng là không nói lý thuyết, không văn bản giấy tờ, mà chỉ luôn cho bà con cách làm.

Việc tiếp cận là đưa mô hình kiến trúc cho người dân thi công, dạy cách nấu ăn, trình bày đẹp đãi khách. Như vậy chỉ cần một thời gian ngắn là người dân sẽ thành thạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ