Cần đổi mới đào tạo ngành sư phạm
Trước mỗi vấn đề, chúng ta cần đặt nó ở góc nhìn đa diện. Rõ ràng hiện tượng “đánh học sinh” không phải là phổ biến. Tuy nó có thể gây ảnh hưởng ít nhiều đến hình ảnh chung của đội ngũ nhưng nhất định không nên đánh đồng và quy chụp vấn đề đạo đức hay kỹ năng của người giáo viên.
“Không thể vì một vài hiện tượng mà đánh giá cả một hệ thống. Hàng triệu giáo viên đang hành nghề, có người này người nọ, như bao ngành nghề khác. Tuy nhiên, phải thừa nhận, kỹ năng của đại đa số giáo viên hiện nay còn nhiều lỗ hổng cần bồi dưỡng, lấp đầy để họ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển chung của giáo dục nước nhà.”, chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên nhận định.
Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên cho biết: Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển mà điển hình là nước Mỹ - không có trường đào tạo Sư phạm riêng mà chỉ có các khoa Sư phạm trong trường Đại học. Để có một giáo viên tốt, một trong những vấn đề quan trọng đầu tiên là tuyển lựa được những sinh viên – người học Sư phạm xuất sắc.
Ở các nước phát triển, sinh viên học Đại học xong mới chuyển ngành Sư phạm và sẽ học tiếp các khoá học nghiệp vụ để theo nghề giảng dạy. Các sinh viên xuất sắc nhất của các chuyên ngành, yêu thích ngành Sư phạm sẽ được tuyển lựa để đào tạo.
Khi đặt vấn đề về đầu vào ngành Sư phạm, cần nói thêm rằng, về chế độ đãi ngộ thì giáo viên khắp thế giới đều khó khăn. Giáo viên ở các nước chủ yếu theo nghề là do yêu thích và đam mê, trong khi ở nước ta vẫn còn hiện tượng chọn Sư phạm để cho có một việc làm chứ không hẳn là do yêu thích.
Xuất phát điểm, động cơ và mục đích cũng là yếu tố làm nên thành công của mỗi người với nghề nghiệp của mình. Bởi khi có đam mê và yêu thích, họ sẽ vượt qua mọi khó khăn, có nguồn năng lượng tích cực để hoàn thành công việc.
Giáo viên cần học tập suốt đời
Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia đào tạo, tập huấn cho giáo viên khắp mọi miền đất nước, chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên chia sẻ: Tôi nhận thấy giáo viên ta còn nhiều kiến thức và kỹ năng cần bồi dưỡng. Kể cả những giáo viên mới ra trường thì vẫn tồn tại tình trạng thiếu cập nhật về kiến thức và phương pháp. Đặc biệt là kỹ năng vận dụng các hiệu ứng tâm lý vào việc giáo dục học sinh. Các kỹ thuật dạy học thì chỉ chủ yếu về lý thuyết và sử dụng thì chưa hiệu quả.
Chương trình đào tạo và các môn học đối với giáo viên thế kỷ 21 cần đáp ứng đủ các yêu cầu: Kiến thức về nội dung; Kiến thức về công nghệ và Kiến thức về phương pháp. Đó là 3 vòng tròn lồng nhau, thuật ngữ này được gọi là mô hình TpaCK. Đây là yêu cầu cần và đủ của một giáo viên thời 4.0. Tất cả các kiến thức này không thể tách rời mà hỗ trợ nhau.
Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ thuật dạy học tích cực trong phần Kiến thức về phương pháp của giáo viên. Sức mạnh của phương pháp sẽ tối ưu hóa năng lực tư duy cho người học và làm người học tích cực chủ động hơn. Giáo viên cần có khả năng tự học, tự bồi dưỡng và ý thức học tập suốt đời để cập nhật các kiến thức, phương pháp hiện đại vào giảng dạy. Chỉ khi giáo viên có động lực và năng lượng tốt mới truyền cảm hứng tích cực tới các học sinh và khiến quá trình học tập trở nên hứng thú, nhẹ nhàng, không bị áp lực.
Quay trở lại câu chuyện về kỷ luật học sinh, Chuyên gia Tô Thuỵ Diễm Quyên cho rằng: Nếu giáo viên được trang bị tốt kiến thức về chuyên môn và kỹ năng xử lý tình huống bằng cách vận dụng các hiệu hứng tâm lý từ khi còn trên ghế trường Sư phạm thì sẽ hạn chế được tối đa các câu chuyện đáng tiếc trong ứng xử tình huống sư phạm và kỷ luật học sinh. Để thế hệ người Việt trẻ có khả năng tư duy tốt, biết kiểm soát hành vi tiêu cực thì các em phải được học điều đó từ người thầy của mình. Vì vậy nhà giáo không được phép biến mình thành người thiếu kiểm soát hành vi và nóng giận đến mất bình tĩnh trước học sinh của mình.