Từ vụ cô giáo nhảy lầu: Sự tôn trọng của phụ huynh sẽ hóa giải bất đồng

GD&TĐ - Những áp lực công việc khiến các giáo viên đôi khi quên rằng họ còn có sự hỗ trợ hiệu quả từ phụ huynh học sinh. Khi giáo viên có mối quan hệ tích cực với cha mẹ HS thì những bất đồng trở nên dễ giải quyết hơn.

 Một giáo viên tốt là người nắm được những phản hồi trung thực. Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Một giáo viên tốt là người nắm được những phản hồi trung thực. Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

Từ phản ứng dại dột của cô giáo trẻ

Vụ việc nghi vấn cô giáo K. 26 tuổi (giáo viên Trường tiểu học Phú Tài, TP Phan Thiết, Bình Thuận) nhảy lầu sau khi bị phản ánh đánh học sinh đang xôn xao dư luận. Sự việc diễn ra vào khoảng 15h ngày 9/3, cô giáo K. được các đồng nghiệp phát hiện nằm dưới sân trường nên đã đưa đi cấp cứu. Tại bệnh viện, cô K. được chẩn đoán là gãy tay, vỡ xương chậu nên đã được chuyển viện vào TP.HCM phẫu thuật.

Được biết, vào chiều ngày 9/3, một phụ huynh có con học lớp cô K. dạy đến tố cáo với hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Tài việc cô K. liên tục đánh con mình. Hiệu trưởng đã mời phụ huynh và cô K. làm việc, lập biên bản. Trong khi đang làm việc, cô K. xin ra ngoài đi vệ sinh thì xảy ra sự việc trên.

Nhưng cũng có nguồn thông tin cho rằng trong quá trình làm việc, giữa cô K. và vị phụ huynh trên có xảy ra cãi vã dẫn đến việc cô K. bức xúc nhảy lầu chứ không phải tự té ngã.

Do có nhiều thông tin liên quan đến vụ việc nên Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Phan Thiết đang phối hợp với cơ quan công an điều tra xác minh, làm rõ. Vì vậy, sáng ngày 10/3, các ngành chức năng của TP Phan Thiết đã đến Trường tiểu học Phú Tài để khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai của những người liên quan để làm rõ nguyên nhân cô giáo K. nhảy lầu.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

Cần nuôi dưỡng mối quan hệ tích cực với phụ huynh học sinh

Cô Đỗ Thị Luyến giáo viên Trường tiểu học Đại Yên (Hà Nội) cho rằng, có lẽ lợi ích lớn nhất của mối quan hệ chặt chẽ với phụ huynh học sinh là giáo viên có thể thu nhận ý kiến phản hồi từ họ về nhiều vấn đề liên quan đến học sinh, lớp học của mình. Một giáo viên tốt là người nắm được những phản hồi trung thực. Qua đó, giáo viên sẽ biết được những gì đã hiệu quả và cả những gì cần khắc phục, cải thiện. Việc thu nhận phản hồi từ phụ huynh có thể giúp giáo viên có sự phối kết hợp cùng phụ huynh giáo dục học sinh ngày càng tốt lên.

Mỗi ngày trôi qua đều là những ngày bận rộn với các bài kiểm tra, soạn giáo án, các loại kế hoạch và đôi khi là “đối phó” với hơn 50 học sinh. Những áp lực công việc khiến các giáo viên đôi khi quên mất rằng họ có thể có được sự hỗ trợ hiệu quả từ phụ huynh và gia đình.

Hơn 30 năm trong nghề, cô Ngô Thị Bích Phượng giáo viên Trường tiểu học Bạch Sam (Hưng Yên) nhận thấy rằng không phải phụ huynh nào cũng đồng tình ủng hộ quyết định của giáo viên nhưng khi họ tôn trọng giáo viên thì những bất đồng trở nên dễ giải quyết hơn.

Cô Phượng cho rằng, nếu giáo viên có được sự tôn trọng của phụ huynh học sinh, những quyết định khó khăn sẽ thuận lợi hơn một chút. Sự tôn trọng sẽ tạo đường lui cho giáo viên nếu quyết định của họ không thành công. “Giáo viên trẻ nên có sự đầu tư thời gian để tạo dựng mối quan hệ với phụ huynh học sinh. Nếu phụ huynh tôn trọng giáo viên, học sinh cũng sẽ tôn trọng giáo viên”, cô Phượng nói.

Cô Nguyễn Hương Lan - nguyên giáo viên Trường tiểu học Bần Yên Nhân 1 (Thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên) với hơn 35 năm kinh nghiệm và luôn được phụ huynh, học sinh yêu quý cho rằng, trong cuộc đời dạy học, có được niềm tin của phụ huynh học sinh đôi khi là điều khó nhất. Phụ huynh học sinh thường hay hoài nghi. Họ muốn biết rằng giáo viên có đem lại lợi ích tốt nhất cho con họ không. Niềm tin nảy sinh khi phụ huynh bày tỏ các vấn đề hoặc mối quan tâm với giáo viên và biết rằng chúng sẽ được giải quyết.

“Lợi ích của việc có được lòng tin nơi phụ huynh học sinh là rất tuyệt vời. Lòng tin đem đến cho bạn sự tự tin để đưa ra quyết định mà không cần phải nhìn trước ngó sau, lo lắng bị xét nét”, cô Hương Lan chia sẻ.

Theo thầy Lê Duy Thắng, phó trưởng phòng Kiểm định chất lượng đào tạo (Trường Cao đẳng Đường sắt), công việc của giáo viên rất áp lực, không lường trước được điều gì. Mỗi ngày mang lại những thách thức và bất ngờ mới. Khi giáo viên có mối quan hệ tích cực với phụ huynh học sinh, điều đó chỉ đơn giản là khiến công việc của giáo viên thuận lợi hơn. Ví dụ gọi điện thoại cho phụ huynh về vấn đề kỷ luật học sinh cũng trở nên dễ dàng hơn khi giữa hai bên có một mối quan hệ tích cực.

“Nói chung, các quyết định trở nên suôn sẻ hơn khi giáo viên biết rằng phụ huynh học sinh tôn trọng và tin tưởng mình, đủ để không phản đối quyết liệt hay chất vấn mình mỗi ngày”, thầy Lê Duy Thắng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một tiết học Lịch sử tại Trường Tiểu học số 223, Warsaw, Ba Lan.

Tranh cãi bỏ bài tập về nhà

GD&TĐ - Chính phủ Ba Lan quy định những quy định mới về việc giao bài tập về nhà, trong đó cấm giao bài tập cho học sinh lớp 1 - 3.