Tư vấn tuyển sinh: Lựa chọn ngành “hot” và “khát” nhân lực

GD&TĐ - Rất nhiều phụ huynh và HS lớp 12 quan tâm đến việc lựa chọn trường ĐH, CĐ đào tạo kỹ năng thực hành và gắn với thực tiễn, trong đó có Du lịch - một ngành vẫn được cho là “hot” và hấp dẫn giới trẻ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo PGS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngoài việc đào tạo kiến thức về nền tảng thì hiện nay các trường đã chú trọng đến đào tạo kỹ năng cho SV. Lâu nay, SV Việt Nam vẫn bị cho là hạn chế về kỹ năng mềm.

Khắc phục nhược điểm trên, các trường ĐH, CĐ đã tăng cương đào tạo kỹ năng thực hành và kỹ năng sống cho SV như: Làm việc nhóm, thuyết trình... trong đó đặc biệt chú trọng đến kỹ năng sử dụng Ngoại ngữ. Theo đó, nhiều trường đã tăng cường số giờ trao đổi bài tập, gắn đào tạo với doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đơn cử như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã làm tốt yêu cầu này.

Trao đổi về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc chia sẻ: Ở khối CĐ, nguyên tắc đào tạo nghề sẽ tập trung chính vào kỹ năng và thực hành. Trung bình khoảng 70% tổng thời gian đào tạo về nghề, còn 30% là dạy lý thuyết. “Lý thuyết cũng gắn với nội dung bài thực hành. Vì vậy nội dung lý thuyết không thuộc kiến thức hàn lâm, ngược lại sẽ hỗ trợ các em khả năng tư duy và kỹ năng thực hành, gắn với thực tiễn” - ông Đồng Văn Ngọc cho biết.

Liên quan đến lĩnh vực du lịch, tại “Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp”, nhiều phụ huynh và HS có nguyện vọng theo học ngành này, nhưng chưa có đủ thông tin. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ GD ĐH (Bộ GD&ĐT) cho hay: Đối với 5 ngành trong lĩnh vực du lịch, năm 2017 Bộ GD&ĐT đã có Công văn hướng dẫn riêng, trong đó đảm bảo cơ chế các trường có đào tạo ngành Du lịch sẽ kết hợp với doanh nghiệp và Hiệp hội Du lịch để đào tạo một tỷ trọng lớn. Theo đó, các chỉ tiêu đối với ngành này rất rộng rãi, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Du lịch.

Hiện nay, không chỉ nhà trường có nhu cầu gửi SV đến doanh nghiệp thực tập, mà doanh nghiệp cũng có nhu cầu đến các trường để nhận SV theo hình thức vừa làm, vừa học gắn kết đào tạo ở các doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ hội lớn cho SV. Cơ chế tuyển sinh, tuyển dụng giữa nhà trường với doanh nghiệp đang thực hiện rất tốt, giúp SV cọ xát với thực tế…

Cho rằng, ngành kinh tế du lịch đang được xem là trụ cột của nước ta, ông Đỗ Văn Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Theo công bố của Tổng cục, nước ta đang cần 40.000 nhân lực khác nhau cho ngành này, nên thực thế du lịch vẫn rất “khát” nhân lực.

Cũng theo ông Giang, ở khối trường nghề, đào tạo 70% thời lượng thực hành, 30% lý thuyết và đào tạo gắn với thực tiễn đã mang lại nhiều lợi thế, trong đó có ngành Du lịch. Chẳng hạn như ngành đào tạo du lịch - khách sạn đang thí điểm đào tạo theo chương trình chuẩn của Úc, dự kiến cuối năm nay sẽ có khóa đầu tiên được cấp bằng. Ngoài ra, đã có thêm chương trình đào tạo của Đức. Qua đó, giúp các em có cơ hội du học và trao đổi kinh nghiệm từ các nước cũng như cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ