Tư vấn học đường dường như vẫn chưa theo kịp yêu cầu và được các nhà trường đặt đúng tầm quan trọng, cần thiết.
Thời gian qua, ghi nhận một số trường ở Hà Nội đã triển khai có hiệu quả mô hình tham vấn tâm lý như: THPT bán công Nguyễn Tất Thành; Trường THCS Ngô Sĩ Liên; Trung tâm tham vấn học đường Trường THPT Trần Hưng Đạo; Phòng tâm lý học đường của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm và song ngữ liên cấp Wellspring…
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, điều kiện của Việt Nam hiện nay không chỉ cần tăng thêm về số lượng, củng cố về chất lượng đội ngũ tham vấn tâm lý học đường mà còn nên có mô hình văn phòng tham vấn học đương đa nhiệm mới có thể đạt được các mục tiêu tư vấn học đường và đem lại hiệu quả thiết thực. Cần xây dựng và thiết lập một văn phòng tham vấn theo đặc thù cấp học. Chẳng hạn cho một cụm từ 4 - 5 trường THCS, THPT hoặc 4 - 5 trường tiểu học trên cùng một địa bàn.
Cùng đó, cần thực hiện tốt các lớp bồi dưỡng đại trà và cấp chứng chỉ tham vấn học đường quốc gia cho các giáo viên làm công tác kiêm nhiệm từ đầu năm học.
Phương thức đào tạo đội ngũ tư vấn, tham vấn học đường cần chuyên nghiệp, được ưu tiên và các cơ sở đào tạo chủ động triển khai. Kết hợp với nâng cao và siết chặt chất lượng hoạt động của đội ngũ giáo viên làm kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý học đường.
Trong quá trình hoạt động công tác tư vấn học đường mỗi cán bộ, giáo viên cần có ý thức chủ động nâng cao chất lượng hoạt động thông qua việc tự tìm hiểu, tham chiếu và ứng dụng những mô hình phù hợp với học sinh ở từng địa phương, vùng miền.
Bản thân các nhà trường, địa phương cần có sự sàng lọc định kỳ, phân loại chất lượng chuyên môn, kĩ năng của đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn học đường để từ đó có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng hàng năm phù hợp.
Nhiều ý kiến từ các nhà tâm lý giáo dục cũng cho rằng, cần thiết phải bồi dưỡng đào tạo đội ngũ giáo viên chủ nhiệm làm tốt công tác tư vấn tâm lý học đường. Bởi với ưu thế bao quát tình hình lớp, nắm bắt dễ dàng hơn với sự biến đổi hoàn cảnh sinh hoạt học tập, những phản ứng tâm lý… của học sinh thì sự tác động, tư vấn tâm lý và tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề giúp học sinh ở họ sẽ nhanh và hiệu quả.
Hoạt động tư vấn tâm lý học đường không còn sớm để phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong đổi mới giáo dục. Mà để hoạt động này đạt hiệu quả, thiết thực thì đội ngũ cán bộ, giáo viên đang làm công tác này cần là những người nhìn nhận đúng trách nhiệm của mình, làm việc bằng chuyên môn và cả ý thức, tinh thần trách nhiệm. Tránh để hoạt động này diễn ra như một hình thức cho có, cho đủ.