Từ trang sách: Đả kích tật xấu từ tiếng cười

GD&TĐ - Bộ truyện 'Truyện cười dân gian Việt Nam' gồm mười cuốn và đều đón chào độc giả với hình ảnh bìa thấy ngay sự tiếu lâm.

Bộ 'Truyện cười dân gian Việt Nam' gồm 10 cuốn. Ảnh: Tấn Quyết
Bộ 'Truyện cười dân gian Việt Nam' gồm 10 cuốn. Ảnh: Tấn Quyết

Khi đọc “Truyện cười dân gian Việt Nam”, sau những thư giãn vui vẻ mỗi người còn phải chau mày suy ngẫm về ý nghĩa, thông điệp được cha ông gửi gắm trong mỗi câu chuyện.

Cười sảng khoái

Bộ truyện gồm mười cuốn và đều đón chào độc giả với hình ảnh bìa thấy ngay sự tiếu lâm. Thay vì trình bày tên bộ truyện theo lối nghiêm túc, đứng đắn, ở đây, các chữ cái lại được biến hóa thành hình ảnh hết sức sinh động.

Đó là chữ “T” được thể hiện dưới dạng một người đang dang tay ra còn con rắn được viết thay cho chữ “C”, hay với hình dáng của mình, con gà cũng được đưa lên hình ảnh bìa dưới dạng chữ “U”. Sự thay đổi đầy sáng tạo này đã tạo ra cảm giác thoải mái, hài hước, thú vị đang đón chờ mọi người bước vào các trang sách tiếp theo.

Đó có thể là tiếng cười đến từ sự nhanh trí của kép Sáu Đá khi diễn tuồng mà quên mang râu: “Đêm ấy kép Sáu Đá đóng vai Trương Phi, không hiểu vì lí do gì bỗng quên mang râu”.

Tưởng chừng đó sẽ là một lỗi kĩ thuật đáng quên, nhưng kép Sáu Đá đã tài tình cứu vãn bằng cách hạ giọng để tạo nên cái tên Trương Phì cùng với câu nói: “Con của Trương Phi đây! Hôm nay có việc ta vô tâu lại với cha ta đã”.

Để rồi từ câu nói ấy, không những Sáu Đá cũng có cơ hội quay vào đeo râu nghiêm chỉnh trước khi diễn lại vai Trương Phi, mà còn cứu cho lớp diễn không bị “sượng”.

Hay đó là một buổi đi chúc Tết chung quan trên đầy thú vị của “cai, phó tổng, lý trưởng một huyện nọ”. Sau khi đã hoàn tất việc chúc Tết, quan lớn đánh đố các thầy cai, lý bằng một câu đối “thể hiện được thâm ý của mình”: “Bay sống, văn lợi giấy”.

Để rồi khi chưa ai nghĩ ra, đã có người dám đứng lên để đối lại: “Dạ bẩm quan, “bay” xin đối với “tung”, vì ta hay nói tung bay, “sống” xin đối với “chết”, “văn” xin đối với “điển”, vì văn chương phải có điển tích, còn “lợi” xin đối với “tốn”, “giấy” xin đối với “tờ” ạ”.

Câu đối lại “Tung chết, điển tốn tờ” ấy sẽ chẳng có ý nghĩa gì cho đến khi người ấy giải thích một cách thật láu lỉnh: “Vì “Tung chết, điển tốn tờ” nói lái lại là “Tết chung đỡ tốn tiền” ạ” – một cách tả thực không thể nào độc đáo hơn, và độc giả chắc chắn khó có thể nhịn được cười.

tu trang sach da kich tat xau tu tieng cuoi.png
Minh họa hài hước trong bộ truyện. Ảnh: Tấn Quyết

Ẩn ý sâu xa

Bên cạnh mục đích tạo ra tiếng cười, những câu chuyện trong bộ sách còn mang ý nghĩa đả kích những thói hư tật xấu trong đời sống xã hội. Lần đọc đầu tiên, độc giả có thể cười nghiêng ngả, nhưng khi đọc lại lần thứ hai, độc giả sẽ phải suy ngẫm về ẩn ý sâu xa của nó.

Chẳng hạn như trong “Thi nói khoác”, dân gian mong muốn đả kích tới những người thích nói khoác, thông qua hình tượng của bốn ông quan. Ở đây, sau khi kể chuyện khoác của riêng mình, các ông quan đắc chí, tự khen lẫn nhau. Từ đó, có thể thấy rằng, các kẻ thích nói khoác chỉ thích được khen và sống trong những lời tung hô, tán tụng, những điều giả dối.

Và cũng chỉ có kẻ hay nói khoác mới có “tật thì giật mình” khi anh lính giả giọng quan lớn dọa: “Đồ nói láo cả! Lính đâu? Tóm cổ chúng nó lại cho ta!”. Nếu các quan đều có thái độ nghiêm túc thì việc gì lại phải sợ cuống cuồng trong hoàn cảnh như vậy?

Hay trong câu truyện “Mèo lại hoàn mèo”, con mèo chỉ có một chức năng duy nhất đó chính là bắt chuột, nhưng lại được chủ đặt cho cái tên là hổ – một cái tên phóng đại khả năng của nó.

Để rồi các ông khách khi đến nhà chơi cũng gán cho con mèo những khả năng “trên trời dưới biển” của các loài vật như rồng, chuột hay các sự vật tường, mây, gió,… Và cuối cùng, con mèo lại trở về đúng cái tên mèo của nó sau một chuỗi các cái tên của các ông khách và chủ nhà.

Từ đó, mỗi người có thể rút ra bài học: Nên biết tự lượng sức mình, không nên tự gán cho mình những điều mà mình không thể làm được, để rồi chẳng thể thay đổi được gì, thậm chí trở thành trò cười trong mắt mọi người.

Có thể thấy, những câu chuyện cười trong dân gian ẩn chứa nhiều bài học vẫn có giá trị trong cuộc sống ngày hôm nay. Những tật xấu này vẫn luôn hiện hữu trong mỗi con người, nhưng nếu biết cách kiềm chế có thể vừa giúp bản thân trở nên hoàn thiện hơn. Đồng thời mỗi người cần góp phần lan tỏa lối sống đẹp để cùng thay đổi, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Với bộ truyện “Truyện cười dân gian Việt Nam”, độc giả sẽ có cơ hội được thư giãn thật thoải mái. Bên cạnh đó, mỗi câu chuyện ở đây đều gửi gắm tới độc giả những bài học sâu sắc về phong cách, lối sống, cách ứng xử đáng để suy ngẫm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ