Từ trang sách: Cùng khám phá núi đèo huyền bí

GD&TĐ - Trong phần đất liền của nước ta, đồng bằng chỉ chiếm 1/4, còn 3/4 là địa hình đồi núi luôn ẩn chứa rất nhiều điều huyền bí thú vị.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Bạn đọc có thể khám phá về điều đó khi đọc cuốn sách “Kì vĩ núi đèo”.

Thiên nhiên tươi đẹp

Tác phẩm được bắt đầu với hình ảnh bìa rất ấn tượng, giúp người đọc có thể dễ dàng nhận thấy sự hùng vĩ của những ngọn núi nơi đây: Những ngọn núi cao, sừng sững xếp nối liền nhau, trùng trùng điệp điệp.

Hiện lên trên những ngọn núi ấy là những con đèo ngoằn nghèo như những sợi chỉ nối liền chúng với nhau. Tất cả gợi lên một khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, tráng lệ.

Thật bất ngờ làm sao trước khi con người xuất hiện trên Trái Đất này, “toàn bộ địa hình đất nước ta khi ấy chìm trong biển cả”. Để rồi sau khi trải qua rất nhiều cuộc vận động tạo núi, hoạt động “Tân kiến tạo”, đất nước ta mới có được hình dáng như ngày hôm nay.

Hay đó là nguồn gốc thú vị của cái tên “Hoàng Liên Sơn”: “Trên dãy núi này có rất nhiều cây hoàng liên – một loại thảo dược quý và thông dụng, nên người ta gọi là “núi Hoàng Liên”, tên chữ là Hoàng Liên Sơn”. Dãy núi Hoàng Liên Sơn còn ban tặng rất nhiều cảnh đẹp.

Từ đỉnh Phan Xi Păng có thể thấy: “Phía Đông thấy cao nguyên đá Đồng Văn cho tới núi đồi trung du Phú Thọ. Phía Bắc nhìn thấy cả một dải đất của Vân Nam, Trung Quốc…”. Đó còn là thị xã Sa Pa – một điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng bởi khí hậu mát mẻ quanh năm.

Bên cạnh dãy núi Hoàng Liên Sơn, Việt Nam còn có dãy núi Trường Sơn “là cột xương sống nối liền hai miền Nam – Bắc nước ta”. Tại Trường Sơn Bắc, thiên nhiên đã ban tặng nhiều loài động vật quý hiếm như loài chim trĩ Lophura hatinhensis, sao la,… cùng với đó là món “đặc sản” gió Lào và các trận lũ lụt ào ạt vào mùa mưa.

Trái với Trường Sơn Bắc với những dãy núi dốc, Trường Sơn Nam chỉ còn là những cao nguyên. Vùng Tây Nguyên được tạo nên từ bốn cao nguyên xếp tầng lại với nhau, đó là: Cao nguyên Kon Tum – Pleiku, Cao nguyên Đắk Lắk, Cao nguyên Lang Biang và Cao nguyên Di Linh. Trong đó, cao nguyên Lang Biang tọa lạc “thành phố ngàn hoa” Đà Lạt rất thích hợp để du lịch và nghỉ dưỡng.

Minh họa/INT.

Minh họa/INT.

Bảo vệ thiên nhiên

Bên cạnh giới thiệu những cảnh đẹp trên đất nước ta, tác giả cũng không quên nhắc nhở độc giả cần có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền đất nước, tài nguyên thiên nhiên. Bởi lẽ, vấn đề này mang tính cấp thiết, quan trọng, ảnh hưởng tới cuộc sống hôm nay và cả mai sau.

Cuốn sách nêu rõ, từ thời phong kiến, các vị vua đã rất quan tâm tới vấn đề bảo vệ chủ quyền. Điển hình như, bản di chúc của vua Trần Nhân Tông có viết rằng: “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”. Hay vua Lê Thánh Tông cũng căn dặn các quan trong triều rằng: “Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, tội phải tru di”.

Non sông, đất nước chúng ta có được bây giờ là công lao của biết bao thế hệ đi trước đã khai phá và giữ gìn. Nếu như để mất đất vào tay giặc, thì khác nào ta đang bán rẻ quyền lợi quốc gia, không biết tôn trọng công lao của các thể hệ đi trước? Chính vì vậy, việc bảo vệ và giữ gìn chủ quyền đất nước là công việc quan trọng mà muôn đời luôn cần ghi nhớ và thực hiện.

Hay còn là việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên khoáng sản. Đất nước Việt Nam được thiên nhiên ưu ái khi nằm giữa hai vành sinh khoáng thế giới nên có rất nhiều khoáng sản quý như than, thiếc, vàng, kẽm… Tuy nhiên, thật đáng buồn làm sao khi việc khai thác quá mức không có sự kiểm soát đang dần khiến nguồn tài nguyên bị cạn kiệt.

Chẳng hạn như bể than ở Quảng Ninh sau hơn một thế kỉ khai thác giờ đây đang có dấu hiệu nghèo nàn. Hay những quặng bauxit, cát đen tuy có trữ lượng rất nhiều nhưng lại chỉ dừng ở ngưỡng quặng thô, khiến cho chúng ta không thể thu lợi bởi giá của thành phẩm đắt gấp hàng chục, hàng trăm lần.

Bên cạnh đó, việc khai thác khoáng sản khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm, thế hệ mai sau là người phải gánh chịu hậu quả. Tất cả những điều đó đều được “Kỳ vĩ núi đèo” đề cập tới và góp phần cảnh báo vấn đề khai thác tài nguyên mang tính cấp thiết cần được toàn xã hội quan tâm.

Tác phẩm “Kì vĩ núi đèo” được viết bởi nhóm tác giả Nguyễn Như Mai, Nguyễn Huy Thắng, Nguyến Quốc Tín và Nxb Kim Đồng ấn hành. Đọc cuốn sách, độc giả được chiêm ngưỡng cảnh đẹp núi non của đất nước và khâm phục trước sức mạnh chinh phục thiên nhiên của con người: Tuy hiểm trở, heo hút là vậy, nhưng những con đèo vẫn được mở để giúp đời sống của con người trở nên thuận tiện hơn. Không chỉ thế, tác giả còn truyền tới thông điệp thật mạnh mẽ về bảo vệ chủ quyền đất nước, cũng như bảo về tài nguyên môi trường cho thế hệ mai sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Shipper trở thành cầu nối giữa đơn vị kinh doanh với khách hàng trong thời buổi bùng nổ công nghệ số và thương mại trực tuyến.

Nỗi niềm nghề shipper

GD&TĐ - Mạng lưới viễn thông cùng với công nghệ ngày càng phát triển, tạo điều kiện cho các sàn thương mại điện tử dần gắn liền với đời sống sinh hoạt.