Từ trang sách: Có thể bay trên bầu trời?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Con người vốn dĩ không có cánh như các loài chim nên không thể bay lượn tự do trên bầu trời.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Con người vốn dĩ không có cánh như các loài chim nên không thể bay lượn tự do trên bầu trời. Song khi đọc cuốn sách “Khoa học thật đơn giản: Bay lượn”, độc giả sẽ có cơ hội tìm hiểu nguồn gốc và công dụng của những thứ có thể giúp thỏa mãn giấc mơ ấy.

Thông tin lý thú

Cuốn sách đón chào độc giả với bố cục trình bày bìa bắt mắt. Tiêu đề của cuốn sách - “Khoa học thật đơn giản: Bay lượn” - không còn bố trí ở giữa bìa nữa, mà được sắp xếp chiếm 1/3 diện tích trên cùng. 2/3 phần còn lại được sử dụng với mục đích giới thiệu nội dung của cuốn sách.

Đó là hàng chữ “Khám phá khoa học qua những câu chuyện sống động”, cùng với đó là các câu hỏi, hình ảnh minh họa như: “Ai đã phát minh ra diều?”, “VTOL là gì?”, “Tại sao khinh khí cầu lại bay được?”… Tất cả đã gợi lên sự tò mò của độc giả, thúc giục họ nhanh chóng lật mở các trang sách tiếp theo để tìm hiểu, khám phá.

'Khoa học thật đơn giản: Bay lượn' truyền tới độc giả nguồn cảm hứng về sự sáng tạo bất tận của con người. Ảnh: Tấn Quyết.

'Khoa học thật đơn giản: Bay lượn' truyền tới độc giả nguồn cảm hứng về sự sáng tạo bất tận của con người. Ảnh: Tấn Quyết.

Và càng lật mở trang sách, lại hiện ra thật nhiều thông tin thú vị liên quan tới chủ đề bay lượn dành cho độc giả. Đó có thể là vì sao chúng ta không thể nhảy một phát lên tới vũ trụ được: “Tầng khí quyển khá nặng và nó đè xuống chúng ta. Sức đè này được gọi là áp suất khí quyển”. Hay đó là câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao chim bay được?”.

Thì ra: “Cánh chim cong theo hình dạng khí động học, thuôn mượt. Khi chuyển động trong không khí, nó chia không khí thành hai dòng, một chuyển động phía trên cánh và một ở dưới. Hai dòng khí chuyển động khác nhau và chính điều này đã giúp “nâng” cánh chim lên”.

Đó còn là sự ra đời đầy thú vị của máy bay: “Hai anh em người Mỹ là Orville và Wilbur Wright kiếm sống bằng nghề làm xe đạp, nhưng bay mới là niềm đam mê của họ”.

Thông qua việc nghiên cứu loài chim ó, họ tìm ra được hình dạng của chiếc cánh, cũng như phải có một động cơ để vận hành cánh quạt. Để rồi vào năm 1903, họ đã thành công trong việc chế tạo nên chiếc máy bay đầu tiên trong lịch sử.

Kể từ đó cho đến nay, rất nhiều loại máy bay khác nhau đã được sản xuất và chế tạo, có thể kể đến như: Những chiếc máy bay siêu thanh - có thể bay với tốc độ nhanh hơn âm thanh, trực thăng - loại máy bay VTOL (Vertical Take - Off and Landing) có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng…

Sự sáng tạo vô hạn

Thông qua những phát minh liên quan tới sự bay lượn, tác giả còn muốn gửi gắm tới độc giả thông điệp về sự sáng tạo vô hạn của con người. Qua những sáng tạo ấy, con người đã từng bước chinh phục thế giới này, và xa hơn nữa, tiến về khoảng không vũ trụ bao la.

Đó là nhà bác học Leonardo da Vinci thiên tài với thật nhiều ý tưởng sáng tạo liên quan tới bay lượn: “Ông đã vẽ phác thảo nhiều loại máy móc mà trước đó chưa ai từng nghĩ ra và cho tới hàng trăm năm sau mới có người chế tạo được”.

Vào thời điểm ấy, tuy con người hầu như vẫn không có bước tiến nào liên quan tới bay lượn, nhưng ông đã có cái nhìn đi trước thời đại với máy bay “trông giống một tàu lượn hiện đại”, trực thăng “dùng một dạng cơ chế cánh quạt để nâng máy bay lên khỏi mặt đất”. Hay đó còn là những sự nhận xét, cải tiến phương tiện có sẵn để vượt qua giới hạn được đặt ra trước đó.

Trang sách được trình bày cuốn hút. Ảnh: Tấn Quyết.

Trang sách được trình bày cuốn hút. Ảnh: Tấn Quyết.

Từ chiếc máy bay đầu tiên của anh em nhà Wright, những chiếc máy bay sau này được thiết kế có hình dáng “khí động học” hơn, giúp máy bay có thể bay nhanh hơn. Một thời gian sau, nhân loại đã phát minh ra động cơ phản lực, giúp máy bay có thể bay với vận tốc nhanh hơn vận tốc âm thanh.

Và cuối cùng, giới hạn mang tên bầu khí quyển được vượt qua khi những chiếc tên lửa đã thành công đưa con người ra ngoài vũ trụ. Lịch sử gọi tên năm 1969 khi con người chính thức đặt chân tới Mặt trăng và trở về Trái đất.

Thông qua nhà bác học Leonardo da Vinci, hay sự cải tiến qua thời gian của phương tiện bay, độc giả có thể cảm nhận được rằng, trí tưởng tượng và sáng tạo của con người là không có giới hạn, và có thể trở thành cơ sở để nhân loại phát triển nên những loại phương tiện tiên tiến, hiệu quả hơn trong tương lai.

Với “Khoa học thật đơn giản: Bay lượn”, tác giả Gerry Bailey giúp độc giả được biết thêm thật nhiều thông tin thú vị liên quan tới chủ đề bay. Không chỉ thế, cuốn sách còn truyền tới độc giả nguồn cảm hứng về sự sáng tạo bất tận của con người. Bởi lẽ, chính những sự sáng tạo ấy đang góp phần giúp thế giới này trở thành nơi tốt đẹp và đáng sống hơn.

Độc giả Việt có thể đọc tác phẩm “Khoa học thật đơn giản: Bay lượn” của tác giả Gerry Bailey thông qua lời dịch đầy hóm hỉnh, ấn tượng của Nguyên Hương. Cuốn sách bao gồm 14 chương, giới thiệu tới độc giả từ định nghĩa của việc bay lượn cho tới cơ chế hoạt động của những chiếc diều, khinh khí cầu, dù lượn, máy bay…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một buổi học tại lớp học tình thương tại phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: Minh Anh.

Rộn ràng lớp học hè miễn phí

GD&TĐ - Dịp hè năm 2024, nhiều lớp học miễn phí được mở ra giúp HS ôn tập, củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng chuẩn bị vào năm học mới với tâm thế vững vàng.