Bên cạnh ca dao, tục ngữ, những giai thoại được lưu truyền luôn góp một phần quan trọng trong việc phản ánh thực trạng xã hội cũng như đời sống văn hóa dân gian. Khi được tập hợp trong cuốn sách “Giai thoại Việt Nam”, độc giả vừa được giải trí vừa thấm thía nhiều bài học về lối sống, cách ứng xử…
Bộ sách có nhiều tập cùng những trang bìa màu đỏ mang lại cảm giác tươi vui, truyền thống cùng những nét vẽ, họa tiết tinh nghịch thể hiện nhân vật quen thuộc trong các giai thoại như cô thôn nữ, thầy đồ, đứa trẻ, viên quan…
Mỗi tập sách khá mỏng dù kể khoảng 40 câu chuyện là các giai thoại trong nhiều thời kì được phân loại theo nội dung: Câu đối, Truyện Kiều, sân khấu dân gian. Tuy các giai thoại đa phần đều rất ngắn, có tác phẩm chưa đến 100 chữ, nhưng đều “sống động, hấp dẫn, nửa thực, nửa hư”.
Tập sách mang tên “Đánh trống qua cửa nhà sấm” (giai thoại về thơ) có lẽ là một trong những tập để lại nhiều ấn tượng nhất khi khắc họa khá rõ nét sự muôn màu muôn vẻ của văn hóa, xã hội Việt Nam nhiều thế kỉ trước.
Dưới góc nhìn của dân gian, anh hùng luôn được ghi nhớ công lao; người có khí phách, tài năng luôn được lưu truyền, nhưng những kẻ xấu sẽ bị “nguyền rủa truyền đời”, “ đóng đinh vào cây thánh giá lịch sử”.
Bày tỏ ý chí, tài năng
Cuốn sách 'Đánh trống qua cửa nhà sấm' có nhiều bài thơ thú vị. Ảnh: Anh Sơn |
Trong số những giai thoại được giới thiệu trong tập “Đánh trống qua cửa nhà sấm”, có rất nhiều câu chuyện, vần thơ thể hiện được tài năng, ý chí của nhân vật. Qua đây, độc giả không khó để cảm nhận được cái tài, cái chí của con người, ở mọi lứa tuổi, giai cấp, hoàn cảnh sống luôn được quý trọng, lưu truyền rộng rãi trong dân gian.
Đó là giai thoại về “Bài thơ tự trách mình” của Lê Quý Đôn khi còn bé. Từ câu trách mắng “là thằng rắn mày, rắn mặt” của bố, Lê Quý Đôn đã vịnh ra bài thơ tự trách mình sử dụng tên của các loài rắn: “Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà/ Rắn mà biếng học chẳng ai tha/ Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ/ Nay thét mai gầm rát cổ cha…”.
Xiển Ngộ thì mượn bốn chữ “điên, cuồng, ngu, ngộ” tưởng chừng chỉ được sử dụng để chê bai, tạo ra bốn câu thơ “để tỏ chí khí của mình”: “Cao Tổ điên cuồng người hào kiệt/ Vũ Đế giác ngộ chuyện thần tiên/ Tăng Điểm ngông cuồng với trời đất/ Nhan Tử ngu ngơ mà thánh hiền”.
Người xưa, bên cạnh việc sùng bái, kính trọng những tín ngưỡng về yếu tố siêu nhiên như trời, đất, thần thánh thì còn bộc lộ tư tưởng “Nên ở người ta, há ở trời”.
Được thần báo mộng rằng khoa này chưa chắc đã thành danh, người học trò đã ngâm thơ cự thần, thể hiện cái chí cũng như sự tự tin vào tài năng của bản thân. Cũng có học trò đạt được thành công liền ngâm thơ, chứng minh rằng thần báo mộng sai: “Tiến sĩ khoa này quyết lấy tươi!/ Cớ chi còn đợi đến ba mươi?/ Thần nhân nói thế là sao vậy?/ Nên ở người ta, há ở trời”.
Thơ luôn là một phương tiện quan trọng truyền tải nội dung cũng như những giá trị tinh thần trong xã hội, văn hóa Việt Nam. Qua những giai thoại về thơ, những cái hay, cái đẹp đã được gìn giữ và lan truyền muôn đời.
Minh họa dí dỏm theo những câu thơ hài hước mà sâu cay. Ảnh: Anh Sơn |
Đả kích cái sai, cái ác
Thơ không chỉ thể hiện những cái đẹp, cái tốt mà cũng là một thứ vũ khí để dân gian chống lại nhiều điều sai trái, vô lí. “Hạc chi huyền bài/ Khuyển bất thức tự/ Cầm thú tương thương/ U nhân hà dự?” (tạm dịch: “Hạc kia đeo bài/ Chó không biết chữ/ Cầm thú hại nhau/ Người sao can dự?”). Đây là lời tuyên án đanh thép, dũng cảm của quan án họ Đỗ bênh vực lẽ phải trước cái ác.
Chẳng là, lão đại thần trí sĩ họ Tạ lợi dụng quyền thế của mình để hống hách, sách nhiễu dân lành. Thậm chí lão còn nuôi hạc “chân hạc đeo vòng vàng, cổ hạc lại đeo một chiếc bài ngà, có đề mấy chữ “Ai đánh chết hạc, phải đền mạng”.
Một lần, con hạc đó vào phá vườn của dân bị con chó cắn chết. Trước yêu cầu đòi đền mạng của tên đại thần, vị quan họ Đỗ đã dứt khoát, vượt qua sức ép của quyền thế để trả lại công bằng cho người dân.
Chỉ cần bốn câu thơ được nhắc đến, người dân sẽ nhớ đến ngay hình tượng vị quan thanh liêm, chính trực cùng tên đại thần trí sĩ ác độc hống hách đáng bị chê cười, phê phán.
Hay có thơ rằng: “Khỉ ơi, tỉnh dậy đi thôi!/ Đừng chờ cây đổ đi đời nhà mi…” khiến Đặng Kim toát mồ hôi hột. Cũng vì, ông ta vốn làm quan tới tước hầu, nhưng vì muốn lấy lòng chúa liền xin làm con mày (con nuôi) và đổi theo họ Trịnh, tự đặt tên là Trịnh An. Khi đọc được câu thơ này, ông ta đã vội từ quan, chỉ chăm chú vào đọc sách ngâm thơ…
“Giai thoại Việt Nam” là bộ sách do Nxb Kim Đồng ấn hành, gồm nhiều tập chứa đựng những câu chuyện lưu truyền trong dân gian được sưu tầm và biên soạn từ nhóm tác giả Trần Đình Nam, Lê Thanh Nga Nguyễn Thị Hường Lý, Nguyễn Thị Huế, Bùi Thị Thiên Thai, Nguyễn Huy Bỉnh. Nằm trong tủ sách “Di sản” bộ sách giới thiệu văn hóa, văn học dân gian đến với thế hệ độc giả trẻ một cách mới mẻ, cuốn hút, nhất là qua tinh thần trào phúng, đả kích sâu cay.