Từ thủ môn Tiến Dũng, nghĩ về đường lập thân của bạn trẻ

Bạn muốn làm thủ môn như Tiến Dũng, nhưng chiều cao và sức bật "khiêm tốn", vậy bạn có nên khăng khăng chọn theo con đường của anh?

Từ thủ môn Tiến Dũng, nghĩ về đường lập thân của bạn trẻ
Từ thủ môn Tiến Dũng, nghĩ về đường lập thân của bạn trẻ - Ảnh 1.

Thủ môn Bùi Tiến Dũng (giữa) trước trận chung kết lịch sử chiều 27-1 - Ảnh: N.KHÔI

Trong thành công của đội tuyển U23 Việt Nam tại Giải vô địch U23 châu Á 2018, thủ môn Tiến Dũng là cái tên nóng nhất trên các phương tiện truyền thông. Anh đang là thần tượng của hàng triệu người Việt Nam và trở thành hình mẫu thành công của giới trẻ.

Từ thành công của thủ môn Tiến Dũng, các bạn trẻ sẽ học được gì trên con đường lập thân của mình?

Chọn đúng ngành học

Điều đầu tiên là chọn đúng ngành phù hợp với tố chất của bản thân. Nếu thủ môn Tiến Dũng thấp hơn một chút thì 99% khoảnh khắc anh vươn hết người để đẩy quả penalty cuối cùng trong trận bán kết gặp U23 Qatar sẽ không thể xảy ra. 

Chọn ngành học cũng giống như đặt nền móng của một ngôi nhà, bạn có phát triển được đến đỉnh cao hay không phụ thuộc rất nhiều vào "viên gạch đầu tiên" này. 

Các bạn chọn ngành quản trị kinh doanh, yêu cầu đầu tiên phải có tố chất lãnh đạo và mong muốn được gánh vác công việc lãnh đạo. Các bạn làm kỹ sư, nhất định phải có tư duy logic, phân tích rõ ràng, mạch lạc. 

Đặc biệt với các bạn chọn các ngành có yếu tố nghệ thuật như mỹ thuật, thanh nhạc… thì yếu tố năng khiếu phải đặt lên hàng đầu, không thể sản sinh ra một kiến trúc sư thành công nếu bạn không có năng khiếu hội họa.

Khổ luyện - kiên trì

Những thành công của thủ môn Tiến Dũng hôm nay không phải là từ trên trời rơi xuống, không phải chỉ dựa vào tài năng thiên phú, mà đó là kết quả của một quá trình khổ luyện. 

Để bắt chính xác quả bóng penalty bay nhanh như chớp, hàng ngày thủ môn Tiến Dũng đã phải rèn luyện bằng cách bắt những quả bóng tennis nhỏ hơn rất nhiều lần. Như Thomas Edison đã phát biểu: "Thiên tài 1% là tài năng và 99% trăm là mồ hôi - Genius is one percent inspiration and ninety-nine percent perspiration". 

Bởi vậy, vượt qua cách cửa đại học/cao đẳng mới chỉ là chặng đầu tiên của con đường lập thân. Các bạn phải nỗ lực và bỏ ra rất rất nhiều công sức nữa mới có thể hoàn thành tốt chặng đường đầu tiên này.

Môi trường làm việc phù hợp

Cuối cùng, sẽ không có thủ môn Tiến Dũng hôm nay nếu không có đội trẻ FLC Thanh Hóa đã cho anh cơ hội được ra sân và tích lũy kinh nghiệm cùng trái bóng tròn. Để rồi sau đó ít lâu anh được tung hoành trong khung gỗ của đội U19 Việt Nam, được cọ xát cùng các anh hào thế giới tại Fifa World Cup U20 năm 2017. 

Và hôm nay anh trở thành ngôi sao sáng nhất trong "dải ngân hà" U23 Việt Nam. Đó cũng là điều mà các bạn trẻ cần có sau khi lấy được tấm bằng đại học/cao đẳng: một môi trường làm việc phù hợp mà tôi hay gọi là "thực chiến". 

Một môi trường mà các bạn có thể cống hiến hết sức lực, mài giũa những kỹ năng mềm và tích lũy kinh nghiệm thực tế. Đừng bao giờ chọn công việc chỉ dựa vào mức lương, đừng bao giờ đặt câu hỏi "tại sao lương của tôi thấp" mà hãy hỏi "tôi đã xứng đáng với mức lương đó chưa". 

Nếu bạn đã tích lũy đủ kinh nghiệm, bản lĩnh và câu trả lời là mức lương hiện tại chưa tương xứng, thì chúc mừng bạn, con đường thành công thênh thang đang chờ bạn.

Tôi bỗng nhớ đến câu nói "Life is too short to be small" (Cuộc sống rất ngắn ngủi, hãy cố sức vươn đến thành công). Chúc các bạn trẻ thành công trong các cuộc thi sắp tới!

Theo tuổi trẻ online

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ