Từ 'tay trắng' vươn lên thành tỷ phú ở vùng sơn cước

GD&TĐ - Từ đôi bàn tay trắng và lặn lội đường sá xa xôi lên vùng sơn cước lập nghiệp, ông Nguyễn Đức Hữu đã thoát nghèo và vươn lên thành tỷ phú.

Nhờ chịu khó, ham học hỏi, ông Hữu đã thoát nghèo và có "của ăn, của để".
Nhờ chịu khó, ham học hỏi, ông Hữu đã thoát nghèo và có "của ăn, của để".

Mô hình phát triển kinh tế ao - chuồng của ông Nguyễn Đức Hữu ở bản Ban (xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) thành công nhờ tinh thần ham học hỏi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Khi nhắc đến ông Hữu, nhiều người trong xã đều cảm phục trước nghị lực vượt khó, vươn lên làm giàu của người nông dân không khuất phục trước cái nghèo "bủa vây".

Gian truân tìm hướng thoát nghèo

Ông Nguyễn Đức Hữu (SN 1966) quê ở Phú Thọ. Năm 2003 ông xách ba lô đi tìm nơi làm ăn phát triển kinh tế và được bạn bè giới thiệu đến xã Chiềng Mai. Nhận thấy vùng đất bản Ban trong xã có nước suối chảy quanh năm, thuận lợi cho việc làm ao nuôi thả cá. Vì thế, năm 2006 ông Hữu và gia đình quyết định lên định cư tại đây để phát triển kinh tế trang trại. Ông vay tiền ngân hàng và bạn bè đấu thầu đất, ký hợp đồng 5 năm/lần với UBND xã Chiềng Mai với giá 12 triệu/năm, để thuê 2 ao tù rộng khoảng 2ha nuôi cá.

Ông Hữu nhớ lại: “Thời gian đầu mới lên lập nghiệp, 2 ao tù lúc đó rất nông và nhếch nhác. Không những vậy, ao còn nhiều rác, cây cỏ mọc um tùm. Tôi phải thuê máy xúc và nhân công cải tạo lại toàn bộ ao”. Ông bắt đầu thả cá rô phi đơn tính, mè, chép, trôi... và tận dụng mặt nước ao nuôi thêm hơn 2.000 con vịt để tăng thu nhập cho gia đình.

Theo ông Hữu kể, năm 2007, hai ao cá sắp đến mùa thu hoạch, bỗng nhiên bị chết trắng hoàn toàn, vịt thì bị dịch bệnh H5N1. Ông và gia đình lâm vào hoàn cảnh nợ nần, khó khăn chồng chất, khi mà số tiền lớn bỏ ra đầu tư ban đầu đã bị mất trắng. Trong lúc khó khăn tưởng như phải buông xuôi tất cả mọi thứ đã dày công vun xới, ông Hữu luôn nhận được sự ủng hộ động viên từ người vợ. Đây chính là điểm tựa, động lực lớn thôi thúc ông kiên trì vượt qua tất cả mọi khó khăn mà ông đang phải đối mặt.

Ông Hữu thuê 2 ao tù rộng khoảng 2ha để cải tạo, nuôi cá tại bản Ban.

Ông Hữu thuê 2 ao tù rộng khoảng 2ha để cải tạo, nuôi cá tại bản Ban.

“Để tìm lối đi trước sự bế tắc đó, tôi phải chạy ngược chạy xuôi, vay mượn tiền anh em họ hàng. Cùng với đó, vay nóng bên ngoài khoảng 200 triệu đồng để cải tạo lại ao, mua thêm con giống về tiếp tục nuôi vịt và thả cá. Vừa làm, tôi vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ các mô hình thành công khác ở trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy kết quả đã khả quan lên nhiều”, ông Hữu chia sẻ.

Để chăm sóc đàn cá, hàng ngày ông Hữu thường xuyên kiểm tra môi trường nước, theo dõi trọng lượng cá và các bệnh phát sinh. Thức ăn cho cá được ông chia ra từng giai đoạn rất khoa học, cá từ 60 ngày tuổi thì được ông cho ăn cám viên công nghiệp. Khi cá hơn 3 tháng tuổi thì ông chuyển sang cho cá ăn cám ngô. Đồng thời ông còn lên internet đọc báo, tìm hiểu thêm kiến thức về kỹ thuật chăm sóc cá để áp dụng vào mô hình trang trại của mình.

Sau những vất vả...

Đến năm 2008, thành công đã "mỉm cười" với gia đình ông Hữu. Ông bắt đầu thu hoạch lứa cá và vịt đầu tiên, cho lãi hơn 60 triệu đồng. Khoảng 3 năm tiếp theo, giá cá thương phẩm trên thị trường bắt đầu tăng vọt, ông có lãi hơn 200 triệu đồng. Năm 2016, ông thu nhập hơn 800 triệu đồng từ nuôi cá và thả vịt trên ao. Những năm tiếp theo ông liên tục có lãi, riêng năm 2022 vừa rồi ông lãi hơn 1 tỷ đồng.

Hàng ngày, ông Hữu đều xuống ao theo dõi quá trình phát triển của đàn cá.

Hàng ngày, ông Hữu đều xuống ao theo dõi quá trình phát triển của đàn cá.

Ngoài ra, ông Hữu còn tận dụng diện tích bờ ao, xây thêm chuồng nuôi vịt với số lượng lớn. Trung bình một năm ông nuôi 3 lứa vịt, sau khi trừ chi phí ông lãi hơn 120 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn tạo thuận lợi cho những nông dân có hoàn cảnh khó khăn ở bản Ban bằng cách tạo việc làm, nuôi ăn ở và mỗi tháng trả tiền công hơn 3 triệu đồng/người/tháng.

Ông Hữu cho biết: “Cứ đến tháng 1 - 2 âm lịch hàng năm, gia đình tôi bắt đầu thu hoạch cá. Các thương lái đã quen nên sản phẩm đầu ra của gia đình tôi lúc nào cũng ổn định và không lo rớt giá. Giờ các con tôi đều trưởng thành và có nghề nghiệp ổn định. Đời sống của gia đình đã khá giả hơn trước và có của ăn của để. Tôi nói không phải khoe khoang, giờ cuộc sống của gia đình tôi không thiếu thứ gì, cho nên tôi trân trọng những tháng ngày vất vả đã đi qua lắm”.

Ông Lò Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Mai cho biết: “Gia đình ông Hữu là gương tiểu biểu của xã trong phát triển kinh tế. Nhờ nuôi cá và vịt, ông đã đưa gia đình thoát nghèo và có của ăn của để. Không chỉ làm giàu tại địa phương, ông Hữu còn nhiệt tình hỗ trợ kỹ thuật giúp các hộ dân nào có nhu cầu. Ngoài ra, ông Hữu còn tạo công ăn việc làm cho một số người dân tại xã từ mô hình trang trại này. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền vận động bà con chuyển đổi mục đích cây trồng trên đất dốc, chăn nuôi các con vật mang lại giá trị kinh tế cao như: Bò, dê, cá… để phát triển kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo tại địa phương”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.