Chính sách giảm nghèo đóng vai trò vô cùng quan trọng, xuyên suốt trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước ta.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội bằng Nghị quyết số 24 năm 2021 đã phê duyệt chủ trương đầu tư “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025”.
Sau đó, bằng Quyết định số 90/QĐ-TTg, Thủ tướng đã phê duyệt thực hiện Chương trình này. Tính đến năm nay, chúng ta đã đi được nửa chặng đường giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025.
Nhờ đó, sự nghiệp giảm nghèo nói chung đã đạt được nhiều thành tựu tích cực, được quốc tế ghi nhận.
Đây cũng là một điểm sáng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, tạo ra sự thay đổi, diện mạo của vùng nông thôn.
Giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, bình quân giảm 2%/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo đã giảm từ 58,33% cuối năm 2010 xuống 50,97% cuối năm 2011 (giảm 7,36%), 43,89% cuối năm 2012 (giảm 7,08%), 38,2% cuối năm 2013 (giảm 5,69%), 32,59% cuối năm 2014 (5,61%) và còn 28% cuối năm 2015 (giảm 4,59%); bình quân giảm trên 6%/năm.
Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011 (riêng các hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi tăng gấp 2,5 lần) đạt mục tiêu đề ra.
Sự nghiệp giảm nghèo nói chung đã đạt được nhiều thành tựu, được quốc tế ghi nhận. (Ảnh minh hoạ) |
Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ nghèo cả nước giảm từ 9,88 (2015) xuống còn 5,23% (2018). Bình quân mỗi năm giảm 1,55% đạt và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Tỷ lệ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân 5,5%/năm, vượt mục tiêu (giảm 4%). Các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 3 - 4% trở lên mỗi năm, đạt mục tiêu.
Với Quyết định số 90/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã nêu lên các mục tiêu giảm nghèo được Quốc hội phê duyệt, đề ra các biện pháp cụ thể thực hiện các dự án, tiểu dự án… nhằm đạt các mục tiêu trên.
Quyết định cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện dựa trên nguồn vốn đã được Quốc hội phân bổ theo Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 cũng như vốn ngân sách Trung ương các năm 2021, 2022 và 2023.
Hiện Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đã được thành lập để chỉ đạo chung cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đồng bộ, thống nhất từ trung ương tới các địa phương.
“Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo”.
(Trích một trong các chỉ tiêu của Quyết định số 90/QĐ-TTg)
Nhờ đó, công tác thông tin tuyên truyền, truyền thông về Chương trình được quan tâm nhiều hơn, việc đổi mới phương thức thực hiện đã tạo nên hiệu ứng tốt về giảm nghèo trong mọi tầng lớp nhân dân.
Ngoài ra, công tác giám sát đánh giá giảm nghèo qua các dự án, tiểu dự án đã được chú trọng, tăng cường để đạt hiệu quả cao nhất.
Vì thế, trong nửa chặng đường thực hiện Chương trình đã góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo mà Nghị quyết 24 đã đề ra.
Theo lãnh đạo Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), người dân đã có ý thức nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chủ động tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, tạo thu nhập phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương.
Tính đến hết tháng 3 năm nay, cả nước đã có 8 địa phương ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, cao hơn chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.
Đó là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Quảng Ninh.