Hôm 5/9, công an TP Tân Uyên (Bình Dương) đã bắt được hai người trong vụ trộm chó hi hữu: Một nhóm 4 người từ 30 - 35 tuổi đi xe ô tô để bắt chó, khi bị công an truy đuổi, bọn chúng đã “ngăn cản” lực lượng chức năng bằng việc… rải đinh suốt dọc đường tẩu thoát.
Một chiếc xe đặc dụng của công an đã bị thủng lốp từ những chiếc đinh ba cạnh sắc nhọn mà bọn trộm chó rải dọc đường, suýt nữa thì các anh công an bổ nhào từ việc thủng lốp đột ngột này.
Như vậy là, bọn “cẩu tặc” khi bị người dân và lực lượng chức năng phát hiện và truy đuổi, trên đường tẩu thoát, chúng đã chuyển từ việc rải ớt bột sang rải đinh! Đây là hành vi cố ý giết người chứ không đơn thuần là chuyện ngăn cản người truy đuổi để tẩu thoát. Ai cũng biết sự nguy hiểm một khi ớt bột bay vào mắt hoặc giẫm đinh khi chạy xe với tốc độ cao là như thế nào rồi.
Kể cũng lạ, ở độ tuổi còn rất khỏe mạnh, lại đi bằng xe ô tô, tức là không phải nghèo khó gì, số người này hoàn toàn có thể lao động kiếm sống bằng sức lực của mình một cách tử tế; thế nhưng họ lại chọn cách kiếm tiền bằng việc bắt trộm chó và chống trả những người truy đuổi bằng hình thức rất nguy hiểm như thế, thì là trộm chuyên nghiệp rồi. Dân gian gọi là “ăn trộm có nghề”.
Từ nhiều chục năm nay, nạn trộm chó đã gây phẫn nộ rất lớn trong dân chúng. Với vật nuôi như loài chó thì không thể tính bằng số tiền cụ thể thông qua trọng lượng của nó. Nó là tình cảm giữa người với loài vật, thân thương đến mức nhiều người coi con chó như một thành viên trong gia đình với tất cả sự yêu thương và chăm sóc như con cái trong nhà. Chính vì thế, người dân vô cùng bức xúc khi bọn “cẩu tặc” chỉ bị xử lý hành chính khi bị bắt quả tang.
Không phải cơ quan chức năng bao che cho tội trộm chó mà họ phải làm đúng theo quy định. Mà luật thì chỉ phạt tối đa cho hành vi trộm chó từ 3 triệu đến 5 triệu đồng là “hết khung”. Luật không xử thì người dân tự xử.
Đã có những vụ tự xử khiến những kẻ trộm chó bị cả làng đánh cho nhừ đòn, thậm chí bị đánh chết, xe máy thì bị đốt sạch. Cơ quan điều tra từng khởi tố vụ án đánh chết người - là những kẻ trộm chó, khiến cả làng ai cũng xung phong làm bị can!
Đánh chết người do bức xúc trước hành vi trộm chó là sai nhưng xử phạt của luật pháp dành cho đám “cẩu tặc” này như lâu nay cũng không thỏa đáng. Ai đã từng nuôi chó, từng xem nó như người thân trong nhà thì mới thấu hiểu nỗi bức xúc khi con chó của mình bị bắt trộm. Vì vậy, việc xử lý những kẻ trộm chó cũng cần phải thay đổi bằng một hình thức khác chứ không nên cứng nhắc như lâu nay.
Chỉ có áp dụng hình phạt thật nặng, nhất là những kẻ trộm chó mà sử dụng ớt bột hoặc rải đinh dọc đường như ở Bình Dương thì cần phải truy tố thì đám cẩu tặc mới chùn tay mà thôi.
Nhưng có lẽ giải pháp căn cơ nhất vẫn là… không ăn thịt chó nữa. Thuở đói khổ, thịt chó như một liệu pháp chống suy nhược cơ thể chứ bây giờ, hiếm gì các loại thực phẩm bổ dưỡng mà ăn thịt chó làm gì, vô tình người ăn thịt chó khuyến khích cho hành vi trộm chó của đám “cẩu tặc” mà thôi.