Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc này giống như “vừa đá bóng, vừa thổi còi” và thế giới chưa có tiền lệ.
Không đúng với tính chất của kiểm định
Trước đề xuất trên, TS Phạm Thị Tuyết Nhung - giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) - nêu quan điểm, điều này không đúng với tính chất của kiểm định. Các trường đại học không có chức năng tự kiểm định và trên thế giới cũng không làm như vậy. Các trường có thể thực hiện đánh giá bảo đảm chất lượng bên trong. “Vẫn cần tổ chức kiểm định ngoài tham gia và độc lập với trường được kiểm định”, TS Phạm Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh.
TS Lê Thị Kim Dung – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) - cho rằng, không phải ngẫu nhiên vấn đề kiểm định chất lượng được đưa vào trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của công tác này và cần thiết phải có trung tâm kiểm định độc lập.
Theo TS Lê Thị Kim Dung, nếu các trường “tự quyết” về kiểm định chương trình đào tạo thì chẳng khác gì “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Do vậy, để thực sự khách quan, minh bạch, rất cần sự vào cuộc của tổ chức kiểm định độc lập. Khi đó, các chuyên gia đánh giá ngoài sẽ đưa ra khuyến nghị, giúp mỗi trường cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng uy tín với xã hội và thị trường lao động.
Ở góc nhìn khác, ông Đào Phong Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý chất lượng (Trường ĐH Cần Thơ) - cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học cần đầu tư cho giai đoạn tự đánh giá để công tác này thực chất hơn. Hãy xem đơn vị đào tạo giống như nhà máy sản xuất, có bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm nội bộ để luôn đảm bảo sản phẩm của mình làm ra ngày càng tốt, đủ cạnh tranh với các đối thủ kinh doanh khác.
Công tác tự đánh giá sẽ hiệu quả hơn rất nhiều khi mỗi đơn vị xây dựng được hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong vững mạnh. Hệ thống này vận hành trên cơ sở đội ngũ chuyên trách và cộng tác viên nắm vững chuyên môn, văn bản hướng dẫn thực hiện, biểu mẫu báo cáo dữ liệu, thông tin và các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ lưu trữ, trích xuất dữ liệu.
Lễ trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ của Trường ĐH Cần Thơ. Ảnh: INT |
Làm thật, kết quả thật
Trước ý kiến về cơ chế tự công nhận chất lượng, ông Đào Phong Lâm trao đổi, tự công nhận (Self-accreditation) là thực hành tại nhiều cơ sở giáo dục đại học của Úc. Các trường thực hiện tự đánh giá chất lượng theo nội dung trong tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và thông báo kết quả đến lãnh đạo trường. Khi đăng ký kiểm định chất lượng, báo cáo tự công nhận là một phần trong hồ sơ đăng ký kiểm định chất lượng gửi đến cơ quan tiêu chuẩn và chất lượng giáo dục đại học Úc (TEQSA).
Hoạt động đánh giá để tự công nhận do các trường lập kế hoạch thực hiện, sử dụng đội ngũ chuyên gia của trường và có thể thuê chuyên gia, tư vấn có chứng nhận chuyên môn kiểm định chất lượng. Tùy theo bối cảnh nhà trường mà các hoạt động rà soát, phỏng vấn, kiểm tra được lập kế hoạch và bố trí nguồn lực thực hiện.
Hoạt động đánh giá để tự công nhận về cơ bản không khác nhiều so với quy trình kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, theo ông Lâm, tự công nhận hướng đến việc hoàn thiện hệ thống và bảo đảm sự thống nhất về chất lượng đào tạo và các dịch vụ do nhà trường cung cấp.
Một hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong vững mạnh, giúp ích, bảo đảm tính chính xác và hiệu quả của hoạt động tự công nhận. “Thực tế chỉ ra rằng, sau một vài đợt khảo sát sơ bộ và chính thức, các chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo sẽ định hình được công tác đánh giá ngoài và đáp ứng được các yêu cầu của đoàn đánh giá ngoài”, ông Lâm nhìn nhận và nêu quan điểm:
Đội ngũ tham gia cơ chế tự đánh giá chất lượng chính là lực lượng chuyên gia và làm công tác chuyên môn bảo đảm chất lượng được nhà trường đào tạo, phối hợp với các chương trình, dự án để bồi dưỡng chuyên môn. Để tăng tính thuyết phục, đơn vị có thể mời thêm các kiểm định viên, đánh giá viên trong và ngoài nước tham gia. Đội ngũ này có kinh nghiệm, uy tín và thấm nhuần các quy tắc và đạo đức nghề nghiệp.
Cũng theo ông Lâm, Bộ GD&ĐT và các bên liên quan có thể phối hợp với nhà trường lập kế hoạch kiểm tra ngẫu nhiên một vài chương trình đào tạo được công nhận theo cơ chế tự đánh giá. Kết quả kiểm tra sẽ quyết định việc điều chỉnh tỷ lệ chương trình đào tạo buộc phải thực hiện kiểm định chất lượng theo quy định hiện hành. Kết quả kiểm tra này nên công khai, bảo đảm việc làm thật, kết quả thật, tránh dư luận về việc “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Từ những phân tích trên, ông Lâm nhấn mạnh, xu thế tất yếu, các trường sẽ ý thức được việc bảo đảm chất lượng đào tạo gắn chặt với sự tồn tại và phát triển. Khi đó, bảo đảm chất lượng của cơ sở đào tạo không chỉ mang tính hình thức, đối phó. Cơ chế tự công nhận chất lượng cũng sẽ mang lại hiệu quả như mong đợi. Việc hiểu rõ và thực hiện tốt cơ chế tự công nhận giúp giảm áp lực đối với các trường, trung tâm kiểm định chất lượng và giải bài toán về kinh phí, tổ chức khiến nhiều trường gặp khó khăn như thời gian qua.
Theo Báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 30/6, có hơn 1.200 chương trình đào tạo hoàn thành báo cáo tự đánh giá; trong đó có 997 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài; 849 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn Bộ GD&ĐT ban hành. Nếu theo tiêu chuẩn nước ngoài, có 393 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín.