Kiểm định chất lượng - nhiều vấn đề đặt ra

GD&TĐ - Hiện phần lớn cơ sở giáo dục đại học đạt kiểm định; tuy nhiên, còn nhiều tiêu chí mức chất lượng thấp.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Điều này đặt ra yêu cầu mạnh mẽ đối với các cơ sở giáo dục đại học trong việc xây dựng văn hóa chất lượng, hoàn thiện và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong.

Yếu tố quyết định

Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), đến ngày 31/7/2023, cả nước có 183 cơ sở giáo dục đại học và 11 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước. 9 cơ sở giáo dục đại học được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài. Về chương trình đào tạo, có 864 chương trình được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước, 399 chương trình tiêu chuẩn nước ngoài. Như vậy, số cơ sở giáo dục đại học thực hiện kiểm định chiếm khoảng 76%.

TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam (CHLB Đức) nhận định, số lượng lớn cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo được kiểm định và đạt kiểm định phản ánh bước phát triển của hệ thống kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Đó là kết quả của các chính sách, biện pháp thúc đẩy phát triển đại học ở Việt Nam trong những năm gần đây theo hướng tăng cường tự chủ, phù hợp với xu hướng quốc tế trong giáo dục đại học.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Cường cũng cho rằng, kết quả đánh giá cho thấy còn nhiều tiêu chí đạt mức chất lượng thấp. Cụ thể, tiêu chí của bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục gồm 7 mức tương ứng với thang đo từ 1 đến 7 điểm; tiêu chí được đánh giá ở mức 4 là mức đạt.

Qua thống kê từ 122 đơn vị đạt kiểm định, có 47 cơ sở (38,5%) thuộc nhóm có từ 2 - 10 tiêu chí chưa đạt mức 4; 75 cơ sở (61,5%) có trên 10 tiêu chí chưa đạt mức 4 điểm. Tương tự với chương trình đào tạo, còn nhiều tiêu chí đạt mức dưới 4… Điều này phản ánh bức tranh chất lượng giáo dục và các cơ sở giáo dục đại học cần làm nhiều hơn nữa việc đảm bảo và phát triển chất lượng.

“Phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đại học là yếu tố quyết định chất lượng. Mỗi cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng riêng, với những tiêu chí, quy định, quy trình rõ ràng. Các cơ sở giáo dục đại học thường xuyên tự đánh giá và có chiến lược, biện pháp phù hợp để cải thiện chất lượng bên trong với trọng tâm từng giai đoạn dựa trên dữ liệu tự đánh giá và đánh giá ngoài. Năng lực tự đánh giá của các cơ sở giáo dục đại học cần được tăng cường”, TS Nguyễn Văn Cường chia sẻ.

Trong khi đó, TS Phạm Thị Tuyết Nhung, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) cho rằng, kết quả trên không khác thường so với kinh nghiệm quốc tế. Đặc biệt khi có cải tiến bộ tiêu chí, các cơ sở giáo dục không thể đạt được trong chu kỳ đầu.

TS Phạm Thị Tuyết Nhung tham gia tập huấn đánh giá mức độ đạt được chuẩn đầu ra theo kinh nghiệm quốc tế cho các chương trình đào tạo kế toán của Việt Nam. Ảnh: NVCC

TS Phạm Thị Tuyết Nhung tham gia tập huấn đánh giá mức độ đạt được chuẩn đầu ra theo kinh nghiệm quốc tế cho các chương trình đào tạo kế toán của Việt Nam. Ảnh: NVCC

Làm gì để xây dựng văn hóa chất lượng?

Khẳng định cơ sở giáo dục đại học chỉ thực sự phát triển bền vững khi xây dựng được văn hóa chất lượng, theo TS Nguyễn Văn Cường, điều đó không đơn giản là ban hành hệ thống văn bản, tiêu chí, quy định, quy trình mà phụ thuộc vào sự thấu hiểu, đồng thuận và cùng thực hiện của các thành viên trong mọi hoạt động nhà trường.

Cùng quan điểm, TS Phạm Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh, để xây dựng văn hóa chất lượng bên trong, sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt giảng viên có vai trò then chốt trong quá trình duy trì, cải tiến chất lượng. Ví dụ, bộ tiêu chí kiểm định của Hoa Kỳ hiện nay yêu cầu cơ sở giáo dục cung cấp minh chứng các giảng viên tham gia hoạt động bảo đảm chất lượng. Từ quy trình đến các cuộc họp, thông tin về chất lượng đào tạo đều minh bạch với giảng viên và họ có tiếng nói trong đề xuất giải pháp cải tiến chất lượng đào tạo.

TS Phạm Thị Tuyết Nhung đồng thời cho rằng, để thực hiện quá trình cải tiến liên tục, kinh nghiệm quốc tế là cập nhật chính sách và có các hoạt động hỗ trợ thông qua hội thảo, chương trình tập huấn.

Về chính sách, Việt Nam có thể cập nhật quy trình kiểm định chú trọng vào cải tiến liên tục các tiêu chí kiểm định chưa đạt. Hiện nay, trong quy định yêu cầu các cơ sở giáo dục viết báo cáo giữa kỳ, tuy nhiên việc giám sát còn hạn chế. Cùng đó, cần có quy định bổ sung về kiểm định giữa chu kỳ, như: Viết báo cáo với tiêu chí chưa đạt; trung tâm kiểm định sẽ thẩm định, đánh giá báo cáo xem đạt hay chưa và các trường phải trả phí cho hoạt động đánh giá giữa chu kỳ.

Với hoạt động hỗ trợ thông qua các hội thảo kiểm định hằng năm. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ là tổ chức hội thảo để bồi dưỡng chuyên môn kiểm định trong 1 - 2 ngày đầu; 3 - 4 ngày sau chia sẻ kinh nghiệm thực hiện tại cơ sở giáo dục để đáp ứng 1 tiêu chuẩn nào đó trong bộ kiểm định. Những chia sẻ này giúp cơ sở giáo dục khác học hỏi kinh nghiệm triển khai hoặc cải tiến quy trình.

“Việt Nam đang thiếu các hội thảo kiểm định hằng năm để cơ sở giáo dục có thể chia sẻ kinh nghiệm thực tế, lan tỏa các thực hành tốt đến cơ sở giáo dục trong cả nước. Ngoài ra, bộ tiêu chí kiểm định của Việt Nam có nhiều tương đồng với bộ tiêu chí của các nước Đông Nam Á. Hội thảo kiểm định có thể mở rộng cho đồng nghiệp trong khu vực đến trình bày, chia sẻ kinh nghiệm để đạt bộ tiêu chí. Hoạt động này nên làm ở tầm quốc gia, thường niên mới có tính bền vững”, TS Phạm Thị Tuyết Nhung cho hay.

Kết quả nghiên cứu từ trên 700 phiếu khảo sát và 30 cuộc phỏng vấn các giảng viên, nhà quản lý giáo dục đại học cho thấy, khó khăn lớn nhất hiện nay để duy trì hoạt động bảo đảm chất lượng là thiếu nguồn kinh phí định kỳ. Các nhà giáo dục được khảo sát đã đề xuất nên có kinh phí cố định cho hoạt động này.

Tương tự như trích 5% cho hoạt động nghiên cứu khoa học, các nhà chính sách có thể xem xét đưa ra quy định trích 3% cho hoạt động bảo đảm chất lượng. Chỉ khi có nguồn kinh phí bền vững, cơ sở giáo dục mới có khoản chi phù hợp để hoạt động này phát triển bền vững. - TS Phạm Thị Tuyết Nhung

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ