Chuẩn hóa chất lượng các tổ chức kiểm định

GD&TĐ - Thông tư số 13/2023/TT-BGDĐT quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD&ĐT mới được ban hành.

Sinh viên Trường ĐH Đà Nẵng trong tiết học thực hành.
Sinh viên Trường ĐH Đà Nẵng trong tiết học thực hành.

Đây được coi là bước phát triển mới của công tác kiểm định giáo dục đại học ở Việt Nam.

Kiểm định các tổ chức kiểm định

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), Thông tư số 13/2023/TT-BGDĐT ban hành đáp ứng yêu cầu theo các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục 2019.

Nội dung của Thông tư là căn cứ để Bộ GD&ĐT thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động ở Việt Nam. Qua đó, tăng cường công khai, minh bạch cho xã hội biết và giám sát nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục.

“Triển khai Thông tư quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm ở Việt Nam dựa trên các tiêu chuẩn sẽ góp phần nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và uy tín của các tổ chức kiểm định ở Việt Nam. Thông tư này cũng là công cụ giúp Bộ GD&ĐT trong quản lý công tác kiểm định đại học. Thông qua đánh giá các cơ quan kiểm định, Bộ nắm bắt thực trạng chất lượng và có biện pháp phù hợp trong quản lý, đảm bảo chất lượng công tác kiểm định”, TS Nguyễn Văn Cường nhận định.

Nhận định của TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam (CHLB Đức), Thông tư số 13/2023/TT-BGDĐT thể hiện bước phát triển mới của công tác kiểm định giáo dục đại học ở Việt Nam. Theo kinh nghiệm quốc tế, trước khi được trao thẩm quyền kiểm định thì bản thân tổ chức này cần được thẩm định. Kiểm định các tổ chức kiểm định là biện pháp cần thiết để đảm bảo chất lượng của cơ quan kiểm định cũng như công tác kiểm định của các tổ chức này.

Cũng đưa ra đánh giá tích cực, ThS Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), cho rằng: Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT ra đời đáp ứng yêu cầu về luật định, cũng như đòi hỏi của xã hội về việc giám sát, đánh giá trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Trong thời gian qua, xã hội đặt nhiều câu hỏi về tính độc lập của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, cũng như năng lực và chất lượng kiểm định.

Vẫn còn tồn tại trung tâm thuộc một đại học, trường đại học, hay trung tâm tổ chức hoạt động kiểm định trong khi chưa được cấp phép gia hạn hoạt động. Thông tư 13 ra đời là cấp thiết để đưa hoạt động kiểm định nói chung và hoạt động của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục nói riêng đi vào quy lát, tạo niềm tin cho cơ sở giáo dục đại học và xã hội.

Sau khi Thông tư 13 có hiệu lực, chắc chắn các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục sẽ phải có những điều chỉnh, bổ sung, thậm chí tái cơ cấu để đáp ứng được yêu cầu về giám sát, đánh giá theo bộ tiêu chuẩn được ban hành. Nói cách khác, trung tâm kiểm định cũng sẽ được kiểm định để khẳng định chất lượng của mình.

Phải chú trọng đến yếu tố nhân sự

Theo ThS Nguyễn Vinh San, nội dung của Thông tư 13 tập trung vào 2 hoạt động: Giám sát và đánh giá trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Trong đó hoạt động đánh giá với 5 tiêu chuẩn và 25 tiêu chí được xem là cốt lõi, các trung tâm phải đạt được 21/25 tiêu chí bắt buộc.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Bộ tiêu chuẩn đã cơ bản bao phủ được yêu cầu để một trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục có thể hoạt động như: Cơ cấu tổ chức, hệ thống văn bản pháp quy; nhân sự; cơ sở vật chất; hoạt động kiểm định và công khai thông tin. Các tiêu chuẩn 1 và 3 có tính ổn định cao. Tiêu chuẩn 5 tương đối đơn giản đối với một trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Tiêu chuẩn 2 là tiêu chuẩn cốt lõi, tác động đến kết quả của tiêu chuẩn 4.

Vì vậy, để Thông tư 13 đạt hiệu quả trong triển khai cần chú trọng đến yếu tố “nhân sự” quy định tại tiêu chuẩn 2. Cần quy định rõ với quy mô nhân sự như thế nào thì số lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo được kiểm định tương ứng hằng năm.

Điều này tương tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh của trường đại học dựa trên quy mô người học và số lượng giảng viên. Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ngoài việc đánh giá ngoài cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo còn có trách nhiệm theo dõi báo cáo cải tiến, giám sát các đơn vị đã được đánh giá trong chu kỳ 5 năm.

Bên cạnh việc giám sát, đánh giá, ThS Nguyễn Vinh San cho rằng, cũng cần “cởi trói” cho các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục về thời gian cấp phép hoạt động. Trung tâm khi được cấp phép hoạt động phải đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc theo Thông tư 13; được phép tổ chức hoạt động kiểm định theo quy định của pháp luật, chịu sự giám sát và đánh giá theo chu kỳ 5 năm.

Kết quả đánh giá đạt thì giấy phép hoạt động tự động gia hạn, không còn tình trạng trung tâm bị “treo” hoạt động do chờ giấy phép. Bộ GD&ĐT cũng có quyền tạm dừng hoạt động của trung tâm bất kỳ lúc nào nếu phát hiện sai phạm. Ngoài ra, cũng cần xác định rõ, hoạt động đánh giá nhằm kiểm tra trung tâm có đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Nếu vi phạm 1/21 tiêu chí bắt buộc có thể tạm dừng hoạt động cho đến khi khắc phục được tồn tại.

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Cường cho rằng, để công tác đánh giá/kiểm định các tổ chức kiểm định đạt hiệu quả, điều quan trọng trước tiên là đảm bảo tính chuyên nghiệp của chính tổ chức và cán bộ được giao nhiệm vụ kiểm định các tổ chức kiểm định. Cần có một tổ chức đầu mối cấp Bộ mang tính chuyên nghiệp cao về công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng như kiểm định các tổ chức kiểm định. Khái niệm đánh giá tổ chức kiểm định nên được gọi là kiểm định tổ chức kiểm định để phù hợp với logic là cơ quan kiểm định cần được kiểm định.

“Ở CHLB Đức, tổ chức kiểm định cấp liên bang với Hội đồng kiểm định chịu trách nhiệm chung về hệ thống kiểm định, quy định các quy trình, tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng như thực hiện kiểm định tổ chức kiểm định. Tổ chức kiểm định cần được kiểm định và phải nhận được dấu chất lượng của Hội đồng kiểm định trước khi được cấp thẩm quyền thẩm định chương trình cũng như hệ thống giáo dục đại học. Hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng được điều chỉnh và hoàn thiện qua quá trình thực hiện trong thực tiễn”. - TS Nguyễn Văn Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.