Từ những câu chuyện của lịch sử ứng dụng vào thực tế cuộc sống

GD&TĐ - Để thoát khỏi cách dạy học khô khan, nặng về lý thuyết, các trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có nhiều cách làm sáng tạo, sinh động, giúp học sinh hứng thú, ham mê học môn Lịch sử.

Giờ học Lịch sử của cô và trò Trường THCS Sa Đéc
Giờ học Lịch sử của cô và trò Trường THCS Sa Đéc

Khơi gợi hứng thú

Trong suy nghĩ của một số học sinh, Lịch sử là môn học với những dữ kiện dài và những con số khó nhớ. Chính điều này làm cho các em học lịch sử cảm thấy khô khan, khó học.

Để thay đổi suy nghĩ trên, các nhà trường và giáo viên tại Phú Thọ đã có những giải pháp thiết thực để môn Lịch sử trở lên hấp dẫn học sinh. Nhà giáo Phùng Thị Cẩm Giang – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Sa Đéc, thị xã Phú Thọ cho biết: “Lịch sử là môn học có vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều học sinh chưa có sự say mê học môn Lịch sử do cho rằng đây là môn khó học, dài dòng, phải nhớ nhiều, mất thời gian. Khả năng phân tích, so sánh, tổng hợp và tìm hiểu nguyên nhân, bản chất sự kiện, hiện tượng lịch sử của học sinh còn nhiều hạn chế.

Nhận thức được điều đó, những năm qua, Trường THCS Sa Đéc luôn quan tâm đầu tư và cố gắng thay đổi quan niệm, suy nghĩ chưa đúng về môn Lịch sử của các em học sinh. Nhóm giáo viên dạy Lịch sử của nhà trường rất chú trọng đến việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kĩ năng của học sinh.

Học sinh Trường THCS Sa Đéc hứng thú với môn Lịch sử
Học sinh Trường THCS Sa Đéc hứng thú với môn Lịch sử

“Giáo viên dạy Lịch sử của nhà trường phải đảm bảo yêu cầu có niềm say mê, nhiệt huyết với công việc, luôn cố gắng nghiên cứu, ứng dụng những phương pháp dạy học mới để giúp học sinh thêm yêu thích môn học tưởng chừng như “khô” và “khó” này. Trong quá trình dạy học, các giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin với các bài giảng điện tử được chuẩn bị một cách chỉn chu, với nhiều hình ảnh, các đoạn phim tư liệu lịch sử, sơ đồ tư duy… để có thể khắc họa lại bức tranh quá khứ một cách sinh động, rõ nét nhất, tạo hứng thú học tập cho học sinh”, cô giáo Phùng Thị Cẩm Giang khẳng định.

Cô giáo Hoàng Thị Thu Vân - Giáo viên lịch sử trường THCS Sa Đéc là người đạt giải Nhất cấp THCS môn Lịch sử tại Cuộc thi xây dựng video bài giảng dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình cấp tỉnh Phú Thọ năm học 2021 – 2022. Cô Vân cũng là một người tiên phong trong việc áp dụng công nghệ thông tin thông qua các bài giảng điện tử trong dạy và học môn Lịch sử tại nhà trường.

Cô Vân chia sẻ, giáo viên là người đóng vai trò quan trọng trong việc truyền và khơi gợi cảm hứng cho học sinh. Thay vì cách dạy truyền thống, cô thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy bằng cách cho học sinh xem nhiều hình ảnh, các đoạn phim tài liệu. Đặc biệt, từ những câu chuyện của lịch sử cô rút ra bài học kinh nghiệm để học sinh ứng dụng vào thực tế cuộc sống.

Cũng theo cô Vân, điều quan trọng nhất là xây dựng được bố cục video bài giảng hợp lý với đầy đủ các phần như mở đầu, hình thành kiến thức mới, luyện tập và vận dụng. Bên cạnh đó, việc thiết kế các video lịch sử và các trò chơi học tập để minh họa kiến thức và tạo hứng thú cho học sinh cũng là điều hết sức quan trọng để bài giảng của giáo viên trở nên thu hút và hấp dẫn hơn.

Linh hoạt cách dạy và học

Theo quan điểm của cô Hồ Thị Lệ - Hiệu trưởng Trường THCS Cao Xá, huyện Lâm Thao (Phú Thọ), khi dạy lịch sử giáo viên không nên áp đặt, bắt buộc học sinh phải ghi nhớ máy móc ngày, tháng, năm, sự kiện, số quân địch bị ta tiêu diệt là bao nhiêu, trình bày chi tiết, cụ thể các giai đoạn của cuộc kháng chiến, của trận đánh… mà chủ yếu giáo viên phải khích lệ, tôn trọng các chính kiến khi đánh giá nhân vật, sự kiện của các em.

Bài làm của các em có thể lấy ở ngoài sách giáo khoa, ngoài vở mà thầy cô đã cho ghi, miễn là các em có lập luận logic, chặt chẽ và có có sức thuyết phục cao. Chỉ có cách dạy và học như vậy mới hình thành ở học sinh các năng lực cần thiết của học sinh.

Giáo viên Lịch sử lồng ghép trò chơi ô chữ giúp học sinh Trường THCS Cao Xá hứng thú trong giờ học
Giáo viên Lịch sử lồng ghép trò chơi ô chữ giúp học sinh Trường THCS Cao Xá hứng thú trong giờ học

Để học sinh có điều kiện tốt nhất trong việc học tập môn Lịch sử, hầu hết cơ sở giáo dục tại Phú Thọ luôn đảm bảo trang thiết bị, cơ sở vật chất kĩ thuật cho việc dạy học môn Lịch sử như hệ thống loa, máy chiếu hiện đại… Thư viện nhà trường còn có rất nhiều các thể loại sách, truyện lịch sử, tranh ảnh về các sự kiện, nhân vật lịch sử… để học sinh có thể tới đọc và mượn sách, tài liệu, phục vụ cho việc tự học và tự nghiên cứu của mình.

Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa để kỉ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc như: chào mừng ngày Quốc khánh 2/9, ngày giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước 30/4, lễ giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch…; cùng với đó là những cuộc thi với chủ đề lịch sử như: Sân khấu hóa Lịch sử, Rung chuông vàng…

Một phương pháp giáo dục lịch sử đang được các cơ sở giáo dục tại Phú Thọ áp dụng hiệu quả đó là “Du lịch học đường”. Chương trình thăm quan, trải nghiệm thực tế gắn với các điểm du lịch được các cơ sở giáo dục tổ chức với quy mô rộng, nội dung đa dạng, phong phú.

Học sinh Trường THCS Cao Xá chăm chú trong giờ học Lịch sử
Học sinh Trường THCS Cao Xá chăm chú trong giờ học Lịch sử

Những hoạt động trải nghiệm, học tập đầy thú vị tại hành trình “Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - Bảo tàng Quân khu 2 - Miếu Lãi Lèn (nơi phát tích của Hát Xoan Phú Thọ) - Làng cổ Hùng Lô... là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương để từ đó biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn ở thế hệ trẻ. Những hoạt động này được tổ chức thường xuyên để bổ trợ thêm cho các em về lịch sử địa phương, thêm hứng thú học tập.

Em Hoàng Tố Như, học sinh lớp 8C, trường THCS Sa Đéc chia sẻ: “Em thích môn Lịch sử vì nó giúp em hiểu thêm về truyền thống hào hùng của những người đi trước, từ đó nhìn lại bản thân để cố gắng học tập được tốt hơn”.

Tố Như cũng chia sẻ về cách học môn Lịch sử của mình: “Để học tốt môn Lịch sử các bạn có thể lập sơ đồ tư duy với các sự kiện và mốc thời gian tiêu biểu của bài học sẽ giúp ghi nhớ bài nhanh và dễ dàng hơn. Khi cần ôn lại chỉ cần nhìn vào sơ đồ là có thể nắm bắt những kiến thức chính của cả bài.

Ngoài ra, có thể đọc truyện và xem phim lịch sử: để kiến thức "đọng" lại lâu hơn, kết hợp giữa giải trí và học tập. Việc xem phim, đọc truyện liên quan đến kiến thức, sự kiện lịch sử là rất tốt. Bởi khi đó, mình sẽ có thêm thời gian để nghiên cứu, liên tưởng nội dung lịch sử thêm sống động. Lúc này, sự minh họa rõ nét sẽ khiến sự kiện và kiến thức đọng lại lâu hơn, đặc biệt có lợi cho quá trình ghi nhớ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.