Từ kết quả năm 2022, tiếp tục hoàn thiện tuyển sinh năm 2023

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, đến thời điểm này, tuyển sinh năm 2022 đã thành công, bảo đảm công bằng, hiệu quả và minh bạch.

Tân sinh viên nhập học Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ).
Tân sinh viên nhập học Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ).

Đột phá về chuyển đổi số

Theo ThS Lương Tuấn Long – Trưởng phòng Công tác chính trị và Sinh viên, Trường ĐH Mở Hà Nội, trong kỳ tuyển sinh năm 2022, đã có hơn 35.000 nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường.

Kết quả, nhà trường đã có hơn 3.600 thí sinh chính thức trở thành tân sinh viên của trường, đạt 100% chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022. Hiện nhà trường đã tổ chức khai giảng năm học mới tân sinh viên. Các em đã chính thức bước vào học kỳ đầu tiên của năm thứ nhất.

Tại lễ khai giảng năm học 2022 – 2023, PGS.TS Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam – thông tin, tuyển sinh năm nay thành công. Theo đó, đã có hơn 1.500 thí sinh chính thức trở thành tân sinh viên của 11 ngành đào tạo. Công tác tuyển sinh diễn ra thuận lợi, nhờ vào ứng dụng công nghệ thông tin.

PGS.TS Nguyễn Quốc Huy – Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam – thông tin: Năm 2022, Học viện đã tuyển sinh thành công trình độ đại học và sau đại học, với hơn 900 tân sinh viên, học viên.

Cụ thể, ngành y học cổ truyền 428 sinh viên. Ngành Y khoa: 248 sinh viên. Ngành Dược học: 220 sinh viên. Hệ liên kết với Trường Đại học Thiên Tân Trung Quốc: 16. Tuyển sinh trình độ sau đại học, đợt 1: 53 học viên sau đại học.

Cho rằng, một trong những yếu tốt tạo nên thành công trong công tác tuyển sinh năm nay là việc ứng dụng công nghệ thông tin; TS Nguyễn Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội – nhấn mạnh, đây là sự đột phá về chuyển đổi số, thể hiện sự tiên phong của ngành Giáo dục.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT và các cơ sở đào tạo đã có những dự báo và kịch bản tốt trong công tác tuyển sinh, hướng đến mục tiêu công bằng, chất lượng, minh bạch và bảo vệ quyền lợi xét tuyển của thí sinh.

“Trong số 22.000 nguyện vọng đăng kí xét tuyển vào Trường ĐH Hà Nội, có 72 thí sinh sai sót, nhầm lẫn. Chúng tôi đã kịp thời hỗ trợ các em điều chỉnh lại các thông tin, thông số để đúng với nhu cầu, nguyện vọng của các em” - TS Nguyễn Tiến Dũng viện dẫn.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại điểm thi Trường THPT Gang Thép (Thái Nguyên). Ảnh: TG
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại điểm thi Trường THPT Gang Thép (Thái Nguyên). Ảnh: TG

Tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp

Nhìn lại công tác tuyển sinh năm 2022, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) – khẳng định, về tổng thể, công tác tuyển sinh năm 2022 có những điều chỉnh tích cực. Đặc biệt là sự chuyển đổi mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo đó, việc tổ chức đăng ký và xử lý nguyện vọng xét tuyển trực tuyến không chỉ bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, giảm thiểu số lượng thí sinh ảo, mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số; trong đó đảm bảo việc minh bạch hóa công tác tuyển sinh của cả hệ thống.

Cũng theo bà Thủy, công tác tuyển sinh năm 2022 bước đầu được đánh giá là có sự đột phá về chuyển đổi số; đặc biệt là việc thanh toán lệ phí không sử dụng tiền mặt. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Từ kết quả của năm nay, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của hệ thống phần mềm, trên cơ sở đó sẽ có những điều chỉnh, cải tiến và hoàn thiện cho năm 2023 và các năm tiếp theo.

Với đề án tuyển sinh năm 2023, Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý, cơ sở đào tạo hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.

Các trường cần xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Riêng đối với các cơ sở đào tạo có ngành đào tạo giáo viên, cần chủ động làm việc với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ, quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Gắn kết chặt chẽ giữa năng lực đào tạo, bồi dưỡng với yêu cầu về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Qua đó, nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo và đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Năm 2022, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đã được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển và nộp phí xét tuyển, xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh. Đến thời điểm này, có thể khẳng định kỳ tuyển sinh năm nay đã thành công, những đổi mới trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại những kết quả như kỳ vọng, đó là công bằng, hiệu quả và minh bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ