Nhiều cơ sở giáo dục đại học có tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học gần như đạt 100% chỉ tiêu.
Kết quả khả quan
TS Kiều Xuân Thực – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội – thông tin: Năm 2022, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh hơn 7.100 chỉ tiêu đại học chính quy cho 45 ngành đào tạo. Đến nay, đã có hơn 97% thí sinh xác nhận nhập học. Từ ngày 2 - 10/10, thí sinh làm thủ tục nhập học vào trường theo hướng dẫn. “Về cơ bản, công tác tuyển sinh của trường đã đạt kết quả khả quan. Với số lượng thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến như trên, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến sẽ không phải xét tuyển bổ sung”, TS Kiều Xuân Thực trao đổi.
PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: Năm nay, trường được phê duyệt tuyển sinh hơn 1.600 chỉ tiêu. Đã có 1.651 thí sinh trúng tuyển vào trường, đạt 101% so với chỉ tiêu được giao. “Hiện tại, nhà trường chưa dự kiến xét tuyển bổ sung”, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh thông tin.
Cũng chưa tính đến phương án tuyển sinh bổ sung đợt 2, TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho hay: Có 22 nghìn nguyện vọng đăng kí xét tuyển vào trường. Tuy nhiên, danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường là 102,8% so với tổng chỉ tiêu được giao hơn 2.800 sinh viên.
Trường ĐH Hà Nội chưa tính đến phương án xét tuyển bổ sung nhưng TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, thí sinh có nguyện vọng xét tuyển bổ sung vào các cơ sở đào tạo khác, cần theo dõi sát sao thông tin trên website của trường mà mình dự kiến đăng ký. Theo quy định, từ ngày 1/10, các trường đại học sẽ thông báo xét tuyển bổ sung nên các thông tin mới nhất sẽ được cập nhật đầy đủ.
Cho rằng, đợt xét tuyển bổ sung cũng diễn ra sôi động, TS Kiều Xuân Thực nhìn nhận: Hàng loạt cơ sở đào tạo đã thông báo xét tuyển bổ sung. Đây là cơ hội để thí sinh có tấm vé vào đại học. Đợt xét tuyển bổ sung sẽ hoàn toàn do các trường chủ động và có thể kéo dài đến tháng 12/2022. Do đó, thí sinh cần lưu ý để không bỏ lỡ cơ hội này. Việc đăng ký xét tuyển vẫn nên áp dụng theo các bước: Chọn ngành rồi đến chọn trường. Đặc biệt phải chú ý đến tiêu chí phụ (nếu có) để không bị “trượt oan”.
Công tác tuyển sinh năm 2022 bước đầu được đánh giá là có sự đột phá về chuyển đổi số. |
Thúc đẩy chuyển đổi số
Nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo ra những bước đột phá mới trong công tác tuyển sinh; PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh – ghi nhận: Trong quá trình lọc ảo, Bộ GD&ĐT đã kịp thời ban hành công văn hướng dẫn, chỉ đạo nhà trường rà soát, tạo điều kiện cho những thí sinh nhầm lẫn khi đăng ký xét tuyển. “Chẳng hạn, có một vài thí sinh đăng nhầm về mã phương thức xét tuyển. Chúng tôi đã nhanh chóng liên hệ để kịp thời xử lý, bảo đảm quyền lợi cho các em” - PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh chia sẻ.
“Chẳng hạn, trong số 22 nghìn nguyện vọng đăng kí xét tuyển vào Trường ĐH Hà Nội, có 72 thí sinh sai sót, nhầm lẫn. Chúng tôi đã kịp thời hỗ trợ các em điều chỉnh lại các thông tin, thông số để đúng với nhu cầu, nguyện vọng của các em”, TS Nguyễn Tiến Dũng viện dẫn.
TS Nguyễn Tiến Dũng nhìn nhận, một trong những yếu tốt tạo nên thành công trong công tác tuyển sinh là việc ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là đột phá về chuyển đổi số, thể hiện sự tiên phong của ngành Giáo dục. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT và các cơ sở đào tạo đã có những dự báo và kịch bản tốt trong công tác tuyển sinh. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT và các trường luôn quan tâm, sát sao để bảo vệ quyền lợi cho thí sinh, hướng đến mục tiêu công bằng, chất lượng và minh bạch.
Nhìn lại về tổng thể, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) khẳng định, công tác tuyển sinh năm 2022 có những điều chỉnh tích cực. Đặc biệt là sự chuyển đổi mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đó, việc tổ chức đăng ký và xử lý nguyện vọng xét tuyển trực tuyến không chỉ bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, giảm thiểu số lượng thí sinh ảo, mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số; trong đó, bảo đảm việc minh bạch hóa công tác tuyển sinh của cả hệ thống.
“Công tác tuyển sinh năm 2022 bước đầu được đánh giá là có sự đột phá về chuyển đổi số; đặc biệt là việc thanh toán lệ phí không sử dụng tiền mặt. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, bà Thủy nhấn mạnh.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, quá trình triển khai công tác tuyển sinh năm 2022 đã giúp phát hiện những vấn đề còn bất cập trong thực tiễn. Ví dụ, có trường tổ chức xét tuyển sớm, dành tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ quá nhiều. Có trường không chủ động xác định được số lượng thí sinh nhập học dẫn đến vượt chỉ tiêu. Vì vượt chỉ tiêu nên phải giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, dẫn tới điểm trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT tăng.
“Tuy nhiên, nhìn lại kỳ tuyển sinh năm 2022 có thể khẳng định, áp dụng công nghệ trong các khâu của tuyển sinh là việc không thể không làm trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay. Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của hệ thống phần mềm. Sau đó, sẽ có kế hoạch nâng cấp để tiến tới hệ thống đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng và thanh toán trực tuyến có khả năng bắt lỗi người sử dụng, dễ sử dụng, thân thiện và tối ưu hơn”, bà Thủy trao đổi.
“Hiện nay, Hệ thống đang tiếp tục hỗ trợ thí sinh xác nhận nhập học và xét tuyển bổ sung. Tất cả những vướng mắc, không thuận lợi trong quá trình triển khai đã được Bộ GD&ĐT ghi nhận, phân tích, để hoàn thiện quy trình tuyển sinh cho năm 2023 và các năm tiếp theo”. - Bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT)