Từ học sinh đoạt giải quốc gia trở thành thầy giáo miền núi

GD&TĐ - Từng đoạt giải đoạt giải quốc gia môn Vật lý khi còn là học sinh THPT, thế nhưng nam sinh Bùi Quang Thế đã quyết định chọn ngành Sư phạm để trở thành giáo viên.

Thầy Bùi Quang Thế trên bục giảng. Ảnh: NVCC
Thầy Bùi Quang Thế trên bục giảng. Ảnh: NVCC

Khai trí cho học sinh dân tộc

Nam sinh ngày ấy, nay đã trở thành Tổ trưởng tổ Khoa học Tự nhiên, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Nậm Pồ (Điện Biên) và đã có 4 năm đứng trên bục giảng.

Chia sẻ về quyết định lựa chọn ngành Sư phạm để theo học, trong khi có nhiều cơ hội để lựa chọn ngành nghề “hot”, thầy Thế bộc bạch: Nghề giáo là một trong những nghề hướng thiện nhiều nhất. Người thầy được ví như những “kĩ sư tâm hồn”, truyền đạt không chỉ tri thức mà còn là cách sống và đạo lý làm người.

“Là giáo viên, tôi có thể giúp đỡ, khai trí cho các bạn trẻ, khai phóng nhận thức của người dân bản địa về sự học, từ đó góp phần đào tạo đội ngũ lao động có kỹ năng, kiến thức cho quê hương” – thầy Thế bày tỏ.

Cái tâm của người thầy mới có thể khiến học trò cúi mình nể trọng, coi như tấm gương sáng. “Dù bên ngoài cổng trường là bao bon chen, vụ lợi nhưng trong lớp học, với bảng đen, phấn trắng, tâm hồn ngây thơ của học trò, khiến những người thầy như tôi tìm thấy sự bình yên để sống đẹp và ý nghĩa hơn” – thầy Thế khẳng định, đồng thời nhấn mạnh:

Là nhà giáo có thể truyền đạt cho hàng trăm các bạn trẻ. Giáo viên chính là người trực tiếp uốn nắn các em từ những buổi ban đầu. Chính vì thế, để hỏi người nào có tầm ảnh hưởng nhiều nhất đối với một đứa trẻ? Hầu hết các em đều có chung câu trả lời là: Thầy, cô giáo của mình.

Thầy Thế cho biết, học sinh của thầy là người dân tộc thiểu số, nhiều em ở bản xa, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn; việc sử dụng tiếng phổ thông của các em còn nhiều hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tập (thứ 5 từ trái sang phải) và thầy Bùi Quang Thế cùng đội tuyển học sinh giỏi của trường. Ảnh: NVCC
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tập (thứ 5 từ trái sang phải) và thầy Bùi Quang Thế cùng đội tuyển học sinh giỏi của trường. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, thầy và các đồng nghiệp vẫn luôn phát huy năng lực, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng đa chiều nhằm thu hút học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngoài ra, đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm thường xuyên gần gũi, động viên, giúp các em sử dụng tiếng Việt tốt hơn. Ngoài giờ lên lớp, tổ chức hướng dẫn các em học và làm bài tập; xây dựng các mô hình đôi bạn giúp nhau học tập; đôi bạn cùng tiến.

“Tuổi trẻ, tài cao”

“Để lan toả tinh thần học tập cho học sinh dân tộc thiểu số, bản thân tôi luôn giáo dục các em ý thức “hướng học” và “hiếu học”, “Ăn vóc học hay”, “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, phải luôn thường trực sự học hỏi, học tập ở mọi nơi mọi lúc, phải kết hợp cả “learn” (học thường xuyên và linh hoạt) và “study” (học tập, nghiên cứu bài bản)” – thầy Thế chia sẻ, đồng thời cho rằng:

Để học sinh hiểu “nét chữ - nết người”, trí tuệ, trình độ và kiến thức của mỗi người sẽ quyết định vị thế, vai trò của cá nhân trong tổ chức, ngoài cộng đồng mà không thể một sớm một chiều tích lũy được. Ngoài ra, thầy còn thường xuyên nêu các tấm gương tự học, thành danh trong cuộc sống làm động lực cho các em học tập và noi theo.

Là giáo viên chuyên ôn thi học sinh giỏi môn Vật lý của trường; 3 năm qua, thầy Thế đã bồi dưỡng đội tuyển Vật lý giành được 37 giải học sinh giỏi cấp tỉnh; trong đó có 3 giải Nhì, 11 giải Ba và 23 giải Khuyến khích.

Chia sẻ về kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy Thế bật mí: Đầu tiên là phát hiện và chọn học sinh giỏi. Việc này cần căn cứ vào thành tích đã đạt được ở các năm học trước; kết quả kỳ thi học sinh giỏi trong toàn trường. Khi được chọn, học sinh sẽ được bồi dưỡng liên tục.

Về phía giáo viên, theo thầy Thế, cần một người dạy bồi dưỡng chính theo suốt các năm để nắm toàn bộ chương trình toàn cấp. Có như vậy, giáo viên sẽ đầu tư lâu dài, chủ động trong kế hoạch bồi dưỡng, nắm được mặt mạnh, mặt yếu của học sinh, nhờ đó tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Giáo viên này sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp với trường.

Ngoài ra, cần một giáo viên phụ trách chuyên môn ra đề theo từng khối, giúp học sinh chuyên sâu và nâng cao trình độ. Không nên bố trí nhiều giáo viên dạy một bộ môn trong cùng một khối, vì sẽ có ít thời gian để gắn bó theo sát và nắm vững trình độ học sinh.

Thầy Thế tranh thủ ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh vào buổi tối. Ảnh: NVCC
Thầy Thế tranh thủ ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh vào buổi tối. Ảnh: NVCC

Nhận xét về đồng nghiệp của mình, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tập – cho hay: là giáo viên trẻ nhưng thầy Bùi Quang Thế có chuyên môn, nghiệp vụ không hề non trẻ. Vững vàng, tự tin trong từng bài giảng cho đến các tình huống sư phạm, thầy Thế đã được đồng nghiệp tin yêu, học sinh, phụ huynh quý trọng.

Hiện, thầy Thế là một trong những giáo viên giỏi của trường nên được Ban giám hiệu tin tưởng giao trọng trách bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi. “Hiện nay, dù vợ và con nhỏ dưới 12 tháng tuổi đang sinh sống ở TP Điện Biên, nhưng nhiều ngày nghỉ cuối tuần, thầy vẫn tình nguyện ở lại trường để bồi dưỡng, ôn luyện cho học sinh. Chúng tôi rất ghi nhận và trân quý tâm sức và những đóng góp của thầy” – thầy Tập bày tỏ.

“Nơi tôi dạy là một tỉnh vùng núi, người dân gặp nhiều khó khăn về kinh tế, trang thiết bị dạy và học còn nhiều thiếu thốn. Chính vì vậy, môn Vật lý mà tôi giảng dạy còn không ít khó khăn, học sinh tiếp cận còn rụt rè. Ngay cả với thầy cô giáo, việc tiếp cận phương pháp giảng dạy mới cũng còn bỡ ngỡ, nhất là giáo viên có tuổi. Để khắc phục điều này, tôi áp dụng các phần mềm, trò chơi để học sinh tự tin, hứng thú học và tiếp cận bài học” thầy Bùi Quang Thế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.